CNBC nhận định Black Friday đã không còn điên cuồng như trước. Sự phát triển của mua sắm trực tuyến giúp khách hàng dễ dàng so sánh giá cả và không còn muốn mua tại cửa hàng nữa.
Đó là tin xấu cho một nhóm các nhà bán lẻ từ lâu đã phụ thuộc vào ngày Black Friday để “in the black” (thuật ngữ chỉ doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận). Đó là các cửa hàng bách hóa ở Mỹ.
“Các cửa hàng bách hóa có tiếng nói nhất vào thập niên 1970 và 1980. Đó là khi việc mua sắm tại những nơi này trở nên phổ biến. Họ phụ thuộc vào ngày Black Friday nhiều hơn các nơi khác, hy vọng khách hàng sẽ dự trữ những mặt hàng như khăn tắm, bộ chăn ga gối đệm hay quà tặng”, chuyên gia Sucharita Kodali của Forrester Research bình luận.
Khách hàng thường tận dụng ngày Black Friday để dự trữ nhu yếu phẩm. Ảnh: Timeline. |
Không còn là dịp để mọi người chờ đợi
Nhưng giờ đây, các chuỗi cửa hàng như Macy’s, Kohl’s và J.C. Penney phải vật lộn để lôi kéo người mua hàng đến trung tâm mua sắm. Những công ty này đang chứng kiến sự sụt giảm doanh số đáng kể.
Trong ngày Black Friday, các cửa hàng bách hóa chỉ cung cấp hàng với số lượng hạn chế trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng ngày nay, thương mại điện tử cho phép người mua chỉ cần lướt ngón tay, vượt qua đám đông để mua hàng với giá rẻ.
“Black Friday không còn là dịp mà người mua hàng phải đợi chờ trong giá lạnh và chen lấn nhau ở cửa hàng, đôi khi các giao dịch còn không được chấp nhận”, nhà sáng lập kiêm CEO Coresight Research Deborah Weinswig nhận định.
Thêm vào đó, lễ hội mua sắm cũng được khởi động sớm hơn và diễn ra quanh năm. Một số người cho rằng dịp lễ mua sắm đã bắt đầu sớm vào tháng 7 với sự kiện Prime Day của Amazon. Đó cũng là lý do khiến Black Friday không còn điên cuồng như xưa.
Black Friday là ngày thứ sáu ngay sau Lễ Tạ Ơn diễn ra vào thứ năm thứ tư của tháng 11.
Theo Huffington Post, từ “black” trong Black Friday từng được dùng để chỉ một ngày tệ hại. Vào một ngày thứ sáu trong năm 1869, từ “black friday” được dùng để nhắc đến ngày giá vàng giảm mạnh, gây ra sự sụp đổ thị trường và ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ trong nhiều năm.
Ra đời từ tình trạng kẹt xe
Trong những năm 1950 và 1960, thuật ngữ này được cảnh sát giao thông ở Philadelphia sử dụng để mô tả tình trạng kẹt xe khủng khiếp tại trung tâm thành phố, theo nhà tạo mẫu David Zyla.
Khi đó, hàng trăm nghìn người Mỹ đổ xuống các con phố, chen chúc nhau để mua sắm, sửa soạn cho Lễ Noel sắp đến.
Giới kinh doanh Mỹ sau đó đã sử dụng thuật ngữ Black Friday để quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng loạt giảm giá với ưu đãi lớn để thu hút khách hàng. Nhiều cửa hàng thậm chí mở cửa từ nửa đêm hoặc bán hàng từ Lễ Tạ Ơn.
Trong ngày Black Friday, hầu hết mặt hàng, kể cả những mặt hàng đắt khách và ít giảm giá nhất, cũng giảm trung bình từ 10-30%. Các thương hiệu từ bình dân đến nổi tiếng như Apple, Nike đều có ưu đãi lớn. Người mua phải xếp hàng, chen lấn, giành giật để mua những món hàng ưng ý với mức giá hời.
Thuật ngữ Black Friday từng được dùng để chỉ tình trạng kẹt xe diễn ra sau Lễ Tạ Ơn. Ảnh: Getty Images. |
Còn một cách giải thích khác cho cái tên Black Friday. Trong tiếng Anh, thuật ngữ “in the black” được sử dụng để chỉ tình trạng doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận. Ngược lại là “in the red”, chỉ tình trạng kinh doanh thua lỗ.
Từ đó, người ta đặt tên Black Friday cho ngày mua sắm lớn nhất trong năm, ngụ ý chỉ ngày ăn nên làm ra của các doanh nghiệp.
Sau nhiều thập niên, ngày mua sắm lớn nhất trong năm vẫn thu hút sự tham gia đông đảo của các cửa hàng và người tiêu dùng Mỹ. Cùng với thương mại điện tử, dịp lễ mua sắm này còn trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia bên ngoài Mỹ.
Dịp lễ kéo dài hàng thập niên
Theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, ngày Black Friday năm 2005 tại Mỹ đã thu hút 132 triệu người mua sắm với tổng cộng 26,8 tỷ USD được chi để mua hàng. Đến năm 2013, số người mua hàng tăng mạnh lên 247 triệu người, giá trị hàng hóa được mua tăng lên 59,1 tỷ USD.
Nhưng đến ngày 24/11/2017, chỉ có tổng cộng 174 triệu người tham gia mua sắm vào ngày Black Friday và chi khoảng 58,3 tỷ USD cho việc mua hàng.
Vài năm trở lại đây, các giao dịch trực tuyến đã gây áp lực lên những cửa hàng bách hóa truyền thống. Amazon bắt đầu dịp Black Friday trước một tuần, còn Walmart cũng tung ra các ưu đãi từ tháng 10.
Theo CNBC, vào cuối tuần tới, các ưu đãi vẫn còn rất dồi dào. Penney giảm giá 50% cho đồ chơi Frozen 2 và Kohl’s ưu đãi 60 USD đối với Fitbit Versa Lite. Nhưng về tổng thể, “cuộc chạy đua không còn mấy liên quan đến ngày Black Friday”, theo Kodali của Forrester.
Một số người đổ lỗi cho khung cảnh hỗn loạn diễn ra vào mỗi dịp Black Friday, những người mua hàng xông vào các cửa hàng, chen lấn để mua TV màn hình phẳng và DVD. Các nhà bán lẻ phải vật lộn để đảm bảo trật tự.
Tình trạng hỗn loạn vào ngày Black Friday bị nhiều người Mỹ phản đối. Ảnh: Getty Images. |
Tuy nhiên, các nhà bán lẻ và cửa hàng tạp hóa vẫn cần tham gia vào Black Friday. Năm 2018, ngày mua sắm này đã tạo ra 6-7% tổng doanh số hàng quý cho các nhà bán lẻ tại những trung tâm thương mại lớn như American Eagle và các doanh nghiệp lớn như Best Buy, theo 1010data.
Một ngày bán hàng bình thường chỉ góp 1% vào doanh số hàng quý, theo 1010data. Vì vậy, một ngày Black Friday tương đương với một tuần bán hàng của một nhà bán lẻ.
“Black Friday là giai đoạn bùng nổ của các mặt hàng như đồ chơi và thiết bị điện tử. Walmart và Target sẽ có rất nhiều động lực”, Yruma nhận định. Các cửa hàng bách hóa cũng cần đến Black Friday để hoàn thành năm kinh doanh 2019 đầy khó khăn.
Macy’s, Penney và Kohl’s đều có thu nhập ảm đảm vào đầu tháng này. Macy’s và Kohl’s cũng cắt giảm triển vọng lợi nhuận hàng năm của công ty.