Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Black Friday: 'Lượng khách chỉ tương đương ngày cuối tuần'

Dù tung ra ưu đãi lên đến 70-80%, nhưng nhiều cửa hàng quần áo không có một bóng người. Thêm vào đó, dịch bệnh Covid-19 cũng khiến khách hàng thờ ơ với việc mua sắm tại cửa hàng.

Black Friday tại Hà Nội: Nơi xếp hàng chờ mua, nơi ế ẩm Một số cửa hàng thời trang ở Hà Nội đông khách xếp hàng trong ngày Black Friday. Trong khi đó, nhiều nơi luôn trong tình trạng ế ẩm, không có người mua dù giảm giá 50-70%.

Trái ngược với không khí nhộn nhịp như mọi năm, Black Friday năm nay khá ảm đạm. Ghi nhận của Zing tại Vincom Phạm Ngọc Thạch, phố Chùa Bộc (quận Đống Đa), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Aeon Mall Hà Đông, lượng khách chỉ tập trung ở một vài cửa hàng quần áo. Một số mặt hàng như mỹ phẩm, trang sức, giày dép..., mặc dù giảm tới 50-70% nhưng vẫn trong tình trạng vắng vẻ, hầu như không có khách.

Tại cửa hàng Uniqlo trong các trung tâm thương mại, nhộn nhịp khách ra vào mua sắm, nhân viên tại đây cho biết hôm nay lượng khách đông gấp đôi so với ngày thường. Càng về chiều lượng khách đến càng đông nhưng đa số không mặn mà chuyện mua hàng giảm giá.

Anh Trần Thanh Đạt - cửa hàng trưởng cửa hàng Fila trong Vincom Phạm Ngọc Thạch - thừa nhận năm nay lượng khách giảm mạnh hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

"Nếu như năm ngoái từ sáng sớm khách hàng đã xếp hàng dài chờ vào mua sắm thì năm nay không còn tình cảnh đó. Sáng nay lượng khách chỉ tương đương ngày cuối tuần", anh nói và lý giải vì dịch bệnh khiến mọi người đắn đo hơn trong việc chi tiền.

cua hang mon moi ngong khach ngay black friday anh 1

Năm nay, dù đã giảm giá kịch sàn, nhiều cửa hàng vẫn ế ẩm, không có khách mua. Ảnh: T.T.

Về quan niệm hàng hóa giảm giá trong những dịp Black Friday đều là hàng tồn kho, lỗi mốt, hết size, đại diện cửa hàng này cho rằng tùy thuộc vào từng đơn vị. "Năm nay các sản phẩm lỗi mốt chúng tôi sale 50% còn các sản phẩm mới ở cửa hàng để được giảm giá 20-30%. Tuy nhiên, lượng hàng tồn, lỗi mốt trong cửa hàng không nhiều, chỉ chiếm khoảng 40%", anh Đạt chia sẻ.

Tương tự, tại phố Chùa Bộc - con đường tập trung nhiều cửa hàng quần áo cũng tung ra mức giảm lên đến 80% dịp Black Friday. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa thu hút khách hàng tới mua sắm. Quản lý cửa hàng thời trang Vulcano trên đường này cho biết lượng khách năm nay giảm mạnh so với năm ngoái.

"Năm nay cửa hàng tung ra chương trình khuyến mãi lên đến 50% tất cả các sản phẩm, nhưng lượng khách vẫn rất thưa thớt. Một số khách ghé mua sắm cũng không chi mạnh như mọi năm", đại diện cửa hàng cho biết.

Số ca nhiễm Covid-19 vẫn gia tăng tại các thành phố lớn, người tiêu dùng lo ngại về việc xếp hàng tại các cửa hàng, trung tâm thương mại để săn đồ giảm giá. Do đó, nhiều người lựa chọn săn hàng giảm giá trên mạng xã hội, trang thương mại điện tử và đặt hàng từ nước ngoài.

Chị Thùy Linh (quận Thanh Xuân) cho biết vì lo ngại dịch bệnh, đặc biệt là nơi tập trung đông người chị quyết định không đến các trung tâm thương mại để mua sắm như mọi năm.

"Đa số các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm lớn đều giảm giá đồng thời cả kênh online lẫn offline. Vì mua hàng online nên tôi chỉ mua mỹ phẩm, không mua quần áo vì không được thử trực tiếp", Linh nói.

cua hang mon moi ngong khach ngay black friday anh 2

Nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng, các nhãn hàng cũng tập trung vào sự kiện giảm giá trực tuyến để thu hút người mua.

Không chỉ vậy, nhiều người cũng lựa chọn săn hàng giá rẻ từ nước ngoài. Chị Quỳnh (quận Cầu Giấy) cho rằng mức giá giảm dịp Black Friday ở Việt Nam không hấp dẫn như ở phương Tây, phần lớn là sale ảo nên chị sẵn sàng trả thêm chi phí và chờ đợi để có được hàng hiệu giá rẻ.

"Tôi vừa đặt hàng 1 đôi giày và 1 chiếc áo từ một người chuyên order hết gần 3 triệu đồng. Tính giá giảm rồi cộng thêm 10% phí mua hộ và tiền cân hàng hóa, tôi vẫn được giá tốt", chị nói.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm