Với việc trị giá Bitcoin rớt xuống dưới mức 7.000 USD cho một đơn vị BTC, thấp hơn 64% so với khoảng thời điểm phát triển nóng nhất của đồng tiền này, nhiều người đã tự hỏi liệu đây có phải dấu chấm hết cho tiền mã hóa nói chung, hay Bitcoin nói riêng còn có cơ may nào để quay trở lại thời hoàng kim của chính mình?
Cộng đồng tiền mã hóa trên Twitter và Reddit thời gian gần đây bàn tán xôn xao về những thiệt hại xảy ra. Hàng nghìn USD đầu tư đã bốc hơi chỉ trong vòng vài ngày. Hàng trăm tỷ USD chớp mắt biến mất khỏi thị trường.
Bất chấp những lo ngại của nhiều người chơi, các chuyên gia trong thị trường tiền số có quan điểm của riêng mình. Phần lớn trong số họ có cái nhìn dài hạn khi nói về khả năng phục hồi của Bitcoin.
Bitcoin đã giảm hơn 64% so với giai đoạn phát triển nóng nhất. Ảnh: Coinmarketcap. |
Việc giữ lại Bitcoin thay vì bán tháo đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn và quyết tâm cao độ của người chơi. Bất chấp lịch sử không quá dài của Bitcoin, nhiều người trong nhóm giữ lại chỉ ra những biến cố từng gây ảnh hưởng nặng nề đến đồng tiền số một trên thị trường, từ đó khẳng định việc Bitcoin thăng hoa trở lại là điều dường như chắc chắn.
Anthony Pompliano là một người như thế. Cựu nhân viên Facebook này đã đặt tất cả 25 triệu USD gây quỹ được vào Full Tilt Capital, công ty khởi nghiệp theo mô hình gây quỹ tiền mã hóa ở North Carolina.
Pompliano cho biết công ty của mình hiện trong giai đoạn tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ. Ông cho rằng những biến động trong thời gian này chỉ là một phần trong chu kỳ phát triển của Bitcoin, đồng thời tự tin dự đoán Bitcoin sẽ đạt 50.000 USD vào năm 2018.
Giới đầu tư tiền mã hóa vẫn đặt niềm tin rất lớn vào Bitcoin nói riêng và tiền mật mã nói chung. Ảnh : Steemit. |
"Tôi không biết chuyện này (việc Bitcoin rớt giá) sẽ diễn ra bốn giờ, một ngày hay trong bao lâu. Nhưng nếu hỏi hầu hết nhà đầu tư, khía cạnh đặc biệt nhất của Bitcoin là gì, họ sẽ trả lời rằng khi điều gì đó gần như giết được nó, Bitcoin sẽ không chết mà còn trở lại càng mạnh mẽ hơn", ông nói.
Theo Pompliano, một phần nguyên nhân của sự biến động gần đây xuất phát từ việc chỉ số Dow Jonws giảm 1.700 điểm chỉ trong hai ngày. Theo ông, Bitcoin được giao dịch trên toàn cầu và rất dễ bị ảnh hưởng khi có thông tin một công ty hay quốc gia nào đó quyết định hỗ trợ hay cấm nó. Điều này có nghĩa là các chu kỳ tăng trưởng hay giảm sút đều diễn ra nhanh hơn rất nhiều trong thế giới tiền mã hóa.
"Điểm đặc biệt về yếu tố thời gian này gây khó khăn cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Vì lẽ đó tôi luôn khuyên người thân của mình, khi quyết định mua một đồng tiền số nào đó, hãy giữ đấy và quên nó đi. Đừng cố gắng mua đi bán lại trong thời gian ngắn, với loại tài sản bất ổn định như crypto nếu bạn không có kinh nghiệm", ông nói.
Những công nghệ phát triển từ tiền mã hóa có thể giải quyết được các vấn trong xã hội. Ảnh: Coinvedi. |
Giám đốc mảng doanh thu của sàn giao dịch Uphold, ông Robin O'Connell lại tỏ ra kém lạc quan hơn, song vẫn nhận định Bitcoin cũng như thị trường tiền số sẽ không dễ dàng tàn lụi.
Một số người chỉ trích Bitcoin cho rằng đồng tiền này hoàn toàn không có giá trị rõ ràng. Phản bác quan điểm này, O'Connell tin tưởng các vấn đề mà Bitcoin có thể giải quyết, ví dụ như chuyển tiền trên phạm vị quốc tế, hay các hợp đồng dựa trên công nghệ blockchain, đã chứng minh cho giá trị của nó.
"Niềm tin vào thị trường của tôi không phải xuất phát từ việc có bao nhiêu người tin rằng tiền số sẽ tiếp tục tăng giá mức nào, mà là những công nghệ được phát triển sẽ giải quyết được các vấn đề tồn đọng trong xã hội", O'Connell cho biết.
Tuy nhiên, khá nhiều chuyên gia khác tỏ ra lo ngại về những điểm hạn chế của Bitcoin. “Tiền mã hóa là phương tiện hoàn hảo cho những kẻ lừa đảo”, Kevin Wearbach – Giáo sư tại Đại học Pennsylvania – chia sẻ.
Mới đây, sàn giao dịch trị giá 3 tỷ USD là BitConnect thông báo đóng cửa hay trong tháng 1, một sàn giao dịch lớn khác là Big Coin cũng bị buộc dừng hoạt động.
Chính quyền một số nước bày tỏ sự lo ngại về sự phát triển ngoài tầm kiểm soát của công nghệ mới này. Một số quốc gia đã đưa ra quyết định cấm đưa tiền mã hóa vào giao dịch phổ thông để ngăn chặn những rủi ro này.