Chiều 21/9, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh Bình Thuận.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã kiến nghị với Phó thủ tướng và các bộ, ngành Trung Ương xem xét điều chỉnh quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 và quy hoạch dự trữ quặng titan.
Phó thủ tướng làm việc tại Bình Thuận chiều 21/9. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Theo lãnh đạo Bình Thuận, tỉnh có 51 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch và năng lương tái tạo với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 110.000 tỷ đồng đã được thống nhất, hoặc chấp thuận chủ trương. Các dự án này phù hợp với định hướng phát triển và mục tiêu xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch thể thao biển mang tầm quốc gia và trung tâm năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo phù hợp quy hoạch sử dụng đất.
Tuy nhiên, tổng diện tích hơn 15.000 ha của các dự án này điều nằm trong vùng quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng titan và quy hoạch dự trữ titan. Vì vậy, các dự án này chưa thể triển khai đầu tư xây dựng.
Lãnh đạo địa phương cho biết đã nhiều lần gửi văn bản văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét, có ý kiến điều chỉnh quy hoạch dự trữ titan để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị trung ương quan tâm đến nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông như các dự án sân bay Phan Thiết, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây…
Một dự án khai thác quặng titan. Ảnh: B.Đ. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng tỉnh Bình Thuận đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng chưa phát triển xứng với những tiềm năng hiện có.
Phó thủ tướng đề nghị nghi tỉnh Bình Thuận cần tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển, khai thác các tiềm năng như du lịch, công nghiệp, năng lượng tái tạo ngoài khơi…
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải chủ động phối hợp với địa phương nghiên cứu, xem xét và hỗ trợ để Bình Thuận tháo gỡ vướng mắc, tạo bước phát triển mới.
Ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho biết Bình Thuận có diện tích quy hoạch titan lên tới 827 km2, chiếm 73% diện tích quy hoạch cả nước và chiếm tới 95% dự trữ titan cả nước. Lượng titan phân bổ chủ yếu tại các vùng ven biển, rừng đặc dụng và rừng đầu nguồn.
Theo quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, diện tích khai thác titan tại tỉnh Bình Thuận là 20.000 ha, trong đó đã thống nhất đưa ra khỏi quy hoạch 7.300 ha.
Còn lại 7 giấy phép đang khai thác và 3 giấy phép đã được cấp nhưng chưa đủ điều kiện khai thác. Ngoài ra, 10 giấy phép tham dò đã được phê quyệt trữ lượng nhưng chưa được cấp phép khai thác.