“Bộ chỉ huy quân sự cấp cao đã ra lệnh bảo toàn mạng sống của những người lính còn ở lại và ngừng cố thủ tại thành phố”, Denys Prokopenko cho biết trong một video trên Telegram.
Ông nói thêm "quy trình đang diễn ra" để đưa những binh sĩ đã thiệt mạng rời khỏi nhà máy Azovstal.
“Chúng tôi luôn nhấn mạnh vào ba trong số những ưu tiên hàng đầu là dân thường, người bị thương và người chết", ông Prokopenko nói. Dân thường đã được sơ tán khỏi các đường hầm dưới lòng đất của nhà máy bằng một chiến dịch do Liên Hợp Quốc dẫn đầu.
Ông Prokopenko cho biết các binh sĩ bị thương cũng đã nhận được sự giúp đỡ. Giờ chỉ còn lại những "anh hùng đã thiệt mạng", ông nói.
“Giờ đây, tôi hy vọng rằng các gia đình và toàn thể người dân Ukraine sẽ sớm có thể chôn cất các binh sĩ một cách danh dự”, ông chia sẻ.
Binh sĩ Ukraine trên một xe buýt sau khi đầu hàng và được đưa ra khỏi nhà máy Azovstal hôm 17/5. Ảnh: AP. |
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 20/5 cho hay tới nay, 1.908 binh sĩ Ukraine tại nhà máy thép Azovstal đã đầu hàng.
Cơ quan này cùng ngày cũng công bố một đoạn video cho thấy binh lính đầu hàng bước ra khỏi nhà máy Azovstal, một số người bị thương và những người khác phải dùng nạng. Lính Nga kiểm tra túi xách của binh lính đầu hàng trước khi họ được đưa đi.
Bộ cho biết những binh sĩ bị thương đã được đưa đến bệnh viện trên vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở miền Đông Ukraine. Trong khi đó, một số khác đã được đưa đến nhà tù cũ ở thị trấn Olenivka - khu vực do Nga kiểm soát thuộc vùng Donetsk, Guardian đưa tin.
Kyiv đang hy vọng có thể trao đổi những binh sĩ Ukraine đã đầu hàng nhưng Moscow chưa xác nhận liệu nhóm lính này có thể được đem ra trao đổi hay không.
Hôm 18/5, một số quan chức Nga đã lặp lại tuyên bố cứng rắn, cho rằng các binh sĩ này nên bị xét xử. Ông Pushilin đã kêu gọi một “tòa án quốc tế” được thành lập để quyết định “số phận” của những người lính.
Duma quốc gia Nga (Hạ viện Nga) dự kiến thảo luận về chủ đề nói trên trong tuần này và có khả năng thông qua nghị quyết cấm việc trao đổi tù binh bằng thành viên Trung đoàn Azov.
Văn phòng công tố Nga cũng đã yêu cầu Tòa Tối cao nước này tuyên bố Trung đoàn Azov là tổ chức khủng bố, mở đường cho các bản án lên tới 20 năm cho những người bị kết tội liên quan.
Số phận của các binh sĩ Ukraine tại Azovstal có thể làm phức tạp thêm nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, trong bối cảnh cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau về sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán gần đây.