Đường biên giới trên bộ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên chia đôi bán đảo Triều Tiên sau chiến tranh 1950 - 1953. Khu vực phi quân sự (DMZ) là vùng đất nằm sâu vào biên giới giữa mỗi nước khoảng 1,6 km. Thay vì Hiệp định hoà bình, Hiệp định đình chiến được ký kết tại làng Bàn Môn Điếm năm 1953. 60 năm sau chiến tranh, DMZ trở thành địa điểm thu hút nhiều du khách thế giới.
Trung tá Nam Dong Ho của Quân đội nhân dân Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm nói rằng căng thẳng đã gia tăng đáng kể từ sau vụ thử hạt nhân ngày 6/1, phóng tên lửa ngày 7/2 vừa qua và "một điều gì đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào". Hàng nghìn binh lính Mỹ đã được triển khai ở Hàn Quốc, trong khi các đơn vị ở DMZ có khẩu hiệu "Sẵn sàng chiến đấu đêm nay".
Trung tá Nam Dong Ho đang chỉ lên tấm bản đồ cho thấy đường chia cắt hai miền Triều Tiên ở khu phi quân sự DMZ. Ảnh: AP |
"Mọi người đến đây nghĩ rằng nó giống như một khu nghỉ dưỡng. Nhưng nếu biết rõ hơn, bạn sẽ hiểu nó nguy hiểm như thế nào", ông Nam nói. Qua con mắt của ông, tình hình căng thẳng dọc DMZ giống như một sự cố đang chờ thời điểm để bùng nổ. Và điều này càng đúng hơn bao giờ hết trong bối cảnh hiện nay.
Sau khi đi qua các trạm kiểm soát quân sự, các cấu trúc bê tông được dựng lên để chặn phương tiện qua lại như một biện pháp phòng thủ, du khách có thể tận hưởng không khí yên bình và trong lành nơi đây. Nhưng tiến gần hơn đến đường phân định đánh dấu biên giới thực tế là nơi các binh lính có vũ trang của Triều Tiên đang đứng gác, thường chỉ cách binh lính Hàn Quốc vài bước chân.
Một ngày sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử hạt nhân, Seoul ngừng tour du lịch đến DMZ, đồng thời tuyên bố tiếp tục các chương trình phát loa tuyên truyền qua biên giới. Sau một loạt động thái của Triều Tiên làm gia tăng lo ngại trong khu vực, tổng thống Hàn Quốc quyết định đóng cửa khu công nghiệp liên Triều Kaesong. Để đáp trả, Triều Tiên đã cắt đứt toàn bộ đường dây nóng với Hàn Quốc.
"Tôi thậm chí không muốn nhắc đến tên của bà ấy. Tôi chỉ là một người lính, nên tôi không biết tình hình đã thay đổi như thế nào. Tuy nhiên, khi khu công nghiệp Kaesong bị Hàn Quốc đóng cửa hoàn toàn, nhân dân và quân đội của chúng tôi rất tức giận", Nam nói.
Khu phi quân sự DMZ. Ảnh: AP |
AP dẫn lời ông Nam cho biết chương trình phát thanh không được phát ở làng Bàn Môn Điếm vào ban ngày, vì Hàn Quốc không muốn khách du lịch nghe thấy. Nhưng vào ban đêm, âm thanh đó sẽ vang lên ở nơi này.
Triều Tiên tuyên bố đang phát triển vũ khí hạt nhân để phòng vệ và có quyền phóng vệ tinh theo chương trình không gian hoà bình. Tuy nhiên, chúng đều bị coi là vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Trong khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đang thảo luận, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã công bố lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên.
Mỹ và Hàn Quốc dự kiến tổ chức tập trận quy mô lớn vào tháng 3. Theo bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, khoảng 15.000 binh lính Mỹ, tăng gấp đôi con số thông thường, sẽ tham gia cuộc tập trận thường niên này. Hai nước cũng đã bắt đầu đàm phán về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc.
Sau các vụ thử bom hydro và phóng vệ tinh của Triều Tiên thời gian qua, Mỹ đã điều pháo đài bay B52 và triển khai chiến đấu cơ F-22 Raptor thế hệ thứ 5 tới Hàn Quốc.
Nam cho biết ông sẽ tập trung vào nhiệm vụ của mình, nhưng nhấn mạnh thêm rằng giờ đây Triều Tiên đã có bom H, Mỹ có thể sẽ suy nghĩ về việc đàm phán một hiệp ước hoà bình nhằm chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.
"Trên trường quốc tế, Mỹ nói về vấn đề hoà bình. Nhưng họ không nên can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác", Nam nói.