Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bình Dương kỳ vọng đạt chỉ tiêu xuất nhập khẩu năm 2024

Bình Dương đạt nhiều tín hiệu tích cực trong 9 tháng đầu năm 2024 khi kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 26 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo từ Sở Công Thương, trong 9 tháng đầu năm 2024, kinh tế thế giới đã dần ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN).

Sự cải thiện trong thương mại hàng hóa toàn cầu, giảm áp lực lạm phát và điều kiện tài chính nới lỏng đã thúc đẩy nguồn cung lao động gia tăng. Đây được xem là tiền đề quan trọng giúp Bình Dương hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trong năm 2024.

Kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 10% so với cùng kỳ

Qua khảo sát thực tế, các đơn đặt hàng xuất khẩu của nhiều DN đã tăng lên cả về số lượng lẫn giá trị so với các năm trước. Những tín hiệu phục hồi mạnh mẽ trong các ngành xuất khẩu chủ lực như gỗ, dệt may cho thấy các DN không chỉ đảm bảo sản xuất ổn định mà còn mở rộng kế hoạch sản xuất đến quý I năm 2025.

Ngoài ra, nhiều DN cũng đang tuyển thêm lao động để kịp chuẩn bị cho các đơn hàng trong 3 tháng cuối năm và trước Tết Nguyên đán 2025.

kim ngach xuat nhap khau anh 1

Sản xuất tại Công ty TNHH Kung Kiu (Cụm công nghiệp Phú Chánh).

Ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty cơ khí ván ép Nhật Nam (TP.Bến Cát) cho biết: "Chúng tôi đang tuyển thêm công nhân và tổ chức tăng ca để đáp ứng các đơn hàng đã ký đến quý I-2025. Tuy nhiên, DN vẫn duy trì sự cẩn trọng, tập trung nỗ lực cho các đơn hàng có yêu cầu cao, mặc dù gặp khó khăn chung, nhưng các DN sản xuất dòng sản phẩm cao cấp lại có nhiều lợi thế hơn”.

Bình Dương cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, từ việc giảm thuế, tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng đến đẩy mạnh cải cách hành chính và mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn đầu tư công cũng được thúc đẩy để tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế, từ đó hỗ trợ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới.

Hiện nay, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ vẫn giữ vị trí hàng đầu trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Nhiều DN ngành này đã kết hợp phương thức bán hàng truyền thống với thương mại điện tử, mở rộng hoạt động kinh doanh sang các thị trường phát triển mới.

Trong tháng 9 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của tỉnh ước đạt 657,8 triệu USD, tăng 1,1% so với tháng trước và 49,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ đã đạt 4.896,2 triệu USD, chiếm 18,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

kim ngach xuat nhap khau anh 2

Sản xuất tại Công ty Giày da Thái Bình.

Cùng với ngành gỗ, ngành dệt may cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể. Kim ngạch xuất khẩu dệt may trong tháng 9 ước đạt 329,8 triệu USD, tăng 57,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, ngành dệt may đạt 2.341,9 triệu USD, chiếm 9,1% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Các chuyên gia dự đoán, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2024 sẽ đạt 33.979 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu

Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục theo sát và hỗ trợ các DN thông qua việc tổ chức các cuộc họp định kỳ với các hiệp hội ngành hàng để cập nhật tình hình sản xuất và kinh doanh.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Sở Công Thương, nhấn mạnh: “Trong những tháng cuối năm 2024, chúng tôi sẽ triển khai một số giải pháp trọng tâm, bao gồm việc củng cố các thị trường xuất khẩu chủ lực và đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại các thị trường có lợi thế từ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA)”.

Cụ thể, ngành công thương sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa các DN với thị trường trong và ngoài nước. Những thị trường tiềm năng như Trung Đông, Ấn Độ, Nam Mỹ đang được đặc biệt chú trọng, cùng với việc ký kết các đơn hàng ngoài các thị trường truyền thống.

Bên cạnh đó, công tác hội nhập kinh tế quốc tế cũng được đẩy mạnh, nhằm khai thác tối đa các cơ hội từ các Hiệp định FTA đã ký kết.

kim ngach xuat nhap khau anh 3

Xuất hàng tại cảng An Sơn, TP.Thuận An.

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng phối hợp với các sở, ban ngành liên quan để hỗ trợ DN trong việc cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa, phòng vệ thương mại, và xử lý các rào cản kỹ thuật về an toàn thực phẩm, môi trường và sở hữu trí tuệ. Điều này giúp DN dễ dàng tiếp cận các thị trường xuất khẩu, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn quốc tế và các cam kết liên quan đến hạn chế khí thải carbon.

Bà Nguyễn Thanh Hà cho biết thêm: “Chúng tôi khuyến khích các hiệp hội ngành hàng phối hợp chặt chẽ với Sở trong việc xây dựng chương trình xúc tiến thương mại hàng năm, nhằm đảm bảo DN tiếp cận hiệu quả các thị trường tiềm năng, tránh tình trạng đăng ký nhưng không triển khai thực hiện”.

Với sự quyết tâm và nỗ lực từ cả doanh nghiệp và chính quyền, tỉnh Bình Dương đang hướng tới mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu xuất nhập khẩu quan trọng của năm 2024, tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái được bảo vệ. Bình Dương cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng xã hội phồn vinh, văn minh hiện đại; bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Bình Dương 'khẩn trương, chủ động' giải ngân vốn đầu tư công

Tính đến ngày 15/10, Bình Dương đã đạt 44,3% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công do Thủ tướng Chính phủ giao và 32,2% kế hoạch do HĐND tỉnh giao.

Mỹ Trang

Bạn có thể quan tâm