Làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Định sáng 15/2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực không ngừng trong bối cảnh 2 năm qua cả nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Nhìn nhận Bình Định có vị trí chiến lược ở Trung Bộ, là cửa ngõ gần nhất ra biển của các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, đông bắc Campuchia và các nước tiểu vùng sông Mekong, Chủ tịch nước đánh giá tỉnh hội tụ nhiều điều kiện và tiềm năng để phát triển. Bình Định đang tiến bộ nhanh, phát triển tốt nhưng cần có đột phá, bứt phá hơn nữa.
Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo
“Bình Định cần rút kinh nghiệm một số tỉnh miền Trung, như Khánh Hòa phá vỡ quy hoạch, Đà Nẵng cũng mất nhiều cán bộ, gần đây là Bình Thuận. Đất đai là phải đấu giá hết vì nếu làm sai là phải trả giá. Phát triển phải đảm bảo tính lâu dài, bền vững”, Chủ tịch nước nói.
Nhắc lại nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2020-2025 có nêu 5 trụ cột, 3 đột phá để phát triển, tăng trưởng bình quân hằng năm 7%, Chủ tịch nước lưu ý Bình Định cần chú trọng đột phá phát triển đô thị. Không chỉ TP Quy Nhơn mà các thị xã, thị trấn, thị tứ của tỉnh phải được đầu tư phát triển toàn diện, để cụ thể hóa nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển đô thị trong cả nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Bình Định phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với thế mạnh địa phương, nhất là các khu công nghiệp lớn như Becamex VSIP Bình Định, cùng với đó là phát triển dịch vụ cảng biển logistics, nông nghiệp công nghệ cao và chuyển từ số lượng sang chất lượng.
Chủ tịch nước cũng nhắc nhở việc phát triển kinh tế phải đi đôi với chăm lo cho người dân ấm no, hạnh phúc. Trong công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Trước đề xuất của lãnh đạo tỉnh Bình Định, Chủ tịch nước ủng hộ về chủ trương đầu tư, nâng cấp mở rộng sân bay Phù Cát thành sân bay quốc tế.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng thống nhất chủ trương mở rộng quy mô đầu tư cảng biển Quy Nhơn để xứng tầm là cảng biển quan trọng. Về tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku (Gia Lai), Chủ tịch nước đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu vì cần thiết có thêm các tuyến đường nối Tây Nguyên với các tỉnh đồng bằng. Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch hỗ trợ Bình Định sớm lập hồ sơ trình UNESCO công nhận võ cổ truyền Bình Định là di sản phi vật thể của nhân loại…
Năm bài học từ anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ
Dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đi thăm, tặng quà một số gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn TP Quy Nhơn: dự lễ khởi công xây dựng Đập dâng Phú Phong (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn); lễ công bố huyện Tuy Phước đạt chuẩn nông thôn mới...
Tại lễ khánh thành Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt tại huyện Tây Sơn, diễn ra chiều 15/2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh từ xưa, Bình Định là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Đây là nơi hội tụ, giao thoa, chịu ảnh hưởng của nền văn hóa các dân tộc Việt, Chăm... trải qua quá trình lịch sử, đã tạo nên con người Bình Định thượng võ, nhân văn, văn hóa đặc sắc. Bình Định cũng là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi phát tích của khởi nghĩa Tây Sơn gắn liền với tên tuổi của anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Trải qua hơn 200 năm, những dấu ấn của triều đại Tây Sơn vẫn còn hiển hiện trên mảnh đất thiêng liêng này như: Thành Hoàng đế, Điện Tây Sơn, Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân...
Chủ tịch nước cho rằng việc tôn tạo, phát huy giá trị Khu đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt có ý nghĩa hết sức thiết thực để nơi này trở thành một địa chỉ văn hóa lịch sử đặc biệt, là niềm tự hào của người dân Bình Định và cả nước.
Chủ tịch nước nêu 5 bài học từ Quang Trung - Nguyễn Huệ, vị hoàng đế lỗi lạc văn trị, võ công. Một là tự tin ở chính mình, tin vào cơ đồ đất nước mình để hành động. Hai là thần tốc, tức là làm gì cũng phải nhanh chóng khẩn trương. Ba là tinh thần táo bạo, quyết đoán, quyết liệt trong công việc. Bốn là biết tận dụng thời cơ, từng cơ hội nhỏ để đạt thắng lợi. Năm là chắc chắn trong hành động, phải chắc thắng mới đánh.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Bình Định cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát huy bền vững giá trị di sản khu Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt, sớm lập đề án bảo vệ và phát huy bền vững giá trị di tích quốc gia đặc biệt này.
Di tích lịch sử khu Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt gồm: Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, Bến Trường Trầu cùng Bảo tàng Quang Trung và các công trình văn hóa khác. Đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa, khoa học, gắn liền với tên tuổi của vị Hoàng Đế Quang Trung và phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, triều đại Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII.
Eo biển Bình Định rực rỡ những ngày đầu năm mới
Những ngày Tết Nhâm Dần, nhiều khu du lịch ven biển như Eo Gió, Kỳ Co, bãi biển ven quốc lộ 1D (Bình Định) thu hút du khách đến vui chơi, chụp ảnh lưu niệm mừng năm mới.
Cung đường ven biển Bình Định 1.200 tỷ đồng sắp đưa vào sử dụng
Sau 2 năm khởi công, tuyến đường Cát Tiến - Đề Gi 1.200 tỷ đồng hoàn thành trước Tết Nhâm Dần, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khơi dậy tiềm năng du lịch Bình Định.
Phát triển Quy Nhơn thành đô thị biển khác biệt
Lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết sẽ tập trung phát triển phố biển Quy Nhơn thành một đô thị khác biệt, trong đó ưu tiên bờ biển thông thoáng dành cho cộng đồng.