Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bin Laden đã gây thù chuốc oán với Mỹ như thế nào?

Sau vụ tấn công tòa tháp đôi ngày 11/9, tên tuổi al-Qaeda và bin Laden lan truyền mọi ngóc ngách trên thế giới. Washington chính thức thông báo trùm khủng bố là kẻ thù số 1 của Mỹ.

Trùm khủng bố Osama bin Laden. Ảnh: Reuters
Trùm khủng bố Osama bin Laden. Ảnh: Reuters
Sau cuộc tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) và Lầu Năm Góc ngày 11/9/2001, Osama bin Laden trở thành nỗi ám ảnh về sự tàn ác trong trí óc của người Mỹ. Trùm khủng bố trở thành kẻ thù mới của Washington. Chân dung bin Laden xuất hiện dày đặc trên các tấm áp phích truy nã.

Ngày 18/9/2001, Tổng thống Mỹ George Bush tuyên bố Bin Laden là kẻ thù nguy hiểm của nước Mỹ dù sống hay là chết. 

Khởi nguồn mối thâm thù

Al-Qaeda hình thành vào năm 1989 khi Liên Xô rút khỏi Afghanistan và bin Laden, vốn là con trai của một gia đình thương gia giàu có ở Saudi Arabia, cùng quân của ông ta bắt đầu chiêu mộ tân binh.

Tổ chức khủng bố khởi nguồn từ mạng lưới tình nguyện viên Arab – những người tới Afghanistan trong những năm thập niên 80 để chiến đấu dưới ngọn cờ Hồi giáo, chống Liên Xô.

Trong cuộc chiến chống Liên Xô, bin Laden và đội quân của y được Mỹ và Saudi Arabia tài trợ. Thậm chí, nhiều nhà phân tích tin rằng, bin Laden là sản phẩm bí mật của CIA.

Theo Telegraph, tháng 8/1990, Tổng thống Iraq Saddam Hussein đưa quân xâm chiếm Kuwait với ý định biến nước này thành "tỉnh thứ 19" của Iraq. Bin Laden, lúc bấy giờ là một nhân vật nổi tiếng trong cuộc chiến chống Liên Xô tại Afghanistan, đã tập hợp những chiến binh Mujahideen nhằm giải phóng Kuwait khỏi tay Saddam.

Khi Iraq chiếm Kuwai, đặt Saudi Arabia vào thế nguy hiểm, bin Laden đề xuất chiến lược đẩy lùi quân đội Iraq khỏi Kuwait lên Quốc vương Ahmad bin Abdulaziz, nhưng bị từ chối bởi tính nguy hiểm và phi thực tế của kế hoạch.

Thay vào đó, Saudi Arabia cho phép 700.000 quân Mỹ và đồng minh tiến vào nước này và biến nơi đây thành bệ phóng khổng lồ cho chiến dịch Bão táp Sa mạc của Mỹ, vốn giải phóng thành công Kuwait vào tháng 1/1991.

Bin Laden giận dữ và một mực lên án sự hiện diện của lực lượng phương Tây tại bản đảo Arab. Giới chức Saudi Arabia phản ứng bằng cách tước quyền công dân của bin Laden và tịch thu hộ chiếu của ông ta. Mối thâm thù với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, bắt đầu nảy sinh từ đây.

Kẻ thù số 1 của Mỹ

Ảnh: AP
Tòa tháp đôi WTC ở New York Mỹ bốc cháy dữ dội sau khi bị tấn công. Ảnh: AP

Từ năm 1996 tới 2001, bin Laden mua chuộc sự bảo vệ của Taliban, sau đó là các lãnh đạo của Afghanistan và biến al-Qaeda thành nhà xuất khẩu khủng bố đa quốc gia. Hắn tập hợp các nhóm chiến binh khác nhau từ Ai Cập tới Philippines và hoạt động dưới ngọn cờ của al-Qaeda cùng lý tưởng về tình huynh đệ không biên giới của Hồi giáo cực đoan.

Ngày 11/9/2001, thế giới chứng kiến vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhất lịch sử khi 19 kẻ không tặc khống chế 4 máy bay chở khách và đâm vào tòa tháp đôi WTC ở thành phố New York và Lầu Năm Góc tại bang Virginia. Vụ việc khiến 3.000 người chết, 6.000 người bị thương.

Sau vụ tấn công khủng bố chấn động, tên tuổi al-Qaeda và bin Laden lan truyền mọi ngóc ngách trên thế giới. Nhóm khủng bố và thủ lĩnh của tổ chức chính thức trở thành kẻ thù số 1 của Mỹ. Trong khi đó, Al-Qaeda tiếp tục tấn công quân đội Mỹ ở Iraq và thực hiện hàng loạt vụ đánh bom các điểm du lịch ở Bali và hệ thống tàu điện tại Tây Ban Nha.

Truy lùng và tiêu diệt

Tổng thống Barack Obama được chứng kiến trực tiếp toàn bộ chiến dịch cùng các quan chức hàng đầu như Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates truyền từ Pakistan về Nhà Trắng.
Tổng thống Barack Obama cùng các quan chức hàng đầu như Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates chứng kiến toàn bộ cuộc đột kích vào hang ổ của bin Laden được truyền trực tiếp từ Pakistan về Nhà Trắng. Ảnh: Reuters

Từ thời điểm đó, bin Laden và al-Qaeda là mục tiêu quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Quân đội nghi ngờ rằng bin Laden và các thủ lĩnh al-Qaeda trốn gần biên giới Afghanistan và các khu vực của Pakistan. Chính quyền Mỹ từng treo giải thưởng 25.000.000 USD để lấy mạng thủ lĩnh al-Qaeda.

Theo New York Times, quá trình truy lùng bin Laden lên đến đỉnh điểm vào tháng 12/2001 khi Mỹ tấn công Tora Bora, gần biên giới Pakistan. Đây được cho là nơi ẩn nấp của bin Laden và đội quân của ông ta. Dù một trận mưa bom san phẳng Tora Bora, trùm khủng bố vẫn trốn thoát.

Hơn 9 năm sau, bin Laden vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của Mỹ. Ông ta được cho là ẩn nấp đâu đó tại Pakistan để lên kế hoạch thực hiện các vụ tấn công mới.

Sau gần một thập kỷ truy lùng, ngày 1/5/2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố trên truyền hình Mỹ rằng, lính biệt kích SEAL của Mỹ đã tiêu diệt thành công bin Laden tại tỉnh Abbottabad, Pakistan. Xác chết của ông ta được thủy táng tại biển Arab, sau khi được chính quyền Saudi Arabia chấp thuận.

 

Mô phỏng chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden

Đặc nhiệm Mỹ đột kích và tiêu diệt thành công lãnh đạo mạng lưới al-Qaeda ở Pakistan sau gần một thập niên bị truy nã gắt gao.

An Nhiên

Bạn có thể quan tâm