Theo AP, những người biểu tình tại ngân hàng New Kabul bao gồm nhiều công chức đang đòi tiền lương, vì họ đã không được trả lương trong 3-6 tháng qua.
Nhóm người biểu tình cho biết dù các ngân hàng đã mở cửa trở lại cách đây ba ngày nhưng không ai có thể rút tiền mặt.
Các máy ATM vẫn hoạt động, nhưng số tiền rút bị giới hạn ở mức khoảng 200 USD trong mỗi 24 giờ. Điều này khiến nhiều người phải xếp hàng dài và chờ đợi mòn mỏi để rút tiền.
Người dân Afghanistan xếp hàng dài trước máy ATM ở thủ đô Kabul để chờ rút tiền mặt. Ảnh: AP. |
Hiện Taliban không thể tiếp cận gần như mọi khoản dự trữ của ngân hàng trung ương Afghanistan trị giá 9 tỷ USD. Khoảng 7 tỷ USD trong số này hiện do Cục Dự trữ Liên bang New York nắm giữ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã đình chỉ việc chuyển khoảng 450 triệu USD cho nước này.
Nếu không có nguồn cung đồng USD dự trữ, đồng nội tệ của Afghanistan có nguy cơ mất giá nghiêm trọng và khiến giá cả hàng hóa tăng vọt.
Trong khi Mỹ và Anh đang gấp rút sơ tán công dân và người Afghanistan rời khỏi Kabul trước thời hạn 31/8, một số nước đã kết thúc chiến dịch này.
Các nước này bao gồm Australia, New Zealand, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan và Italy.
Anh và Pháp vẫn tiến hành các chuyến bay di tản khỏi Kabul bất chấp vụ đánh bom ngày 26/8, theo CNN.
Taliban khuyến khích người Afghanistan ở lại đất nước, cam kết ân xá cho cả những người đã chiến đấu chống lại lực lượng này trước đó.
Taliban tuyên bố các chuyến bay thương mại sẽ được nối lại sau khi Mỹ rút quân. Tuy nhiên, hiện chưa rõ các hãng hàng không có sẵn sàng cung cấp dịch vụ hay không.