Theo báo New York Times, trong khi hàng chục nghìn người biểu tình đang tiếp tục đấu tranh trên đường phố Hong Kong và hàng trăm doanh nghiệp nhỏ đóng cửa hôm 12/6 để ủng hộ làn sóng phản đối dự luật dẫn độ, các tập đoàn lớn ở xứ cảng thơm hoàn toàn im lặng.
Nhưng trên thực tế, sự lo ngại đang âm thầm lan rộng trong cộng đồng các nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn và giám đốc điều hành nước ngoài vốn coi Hong Kong là "cơ sở an toàn" để thực hiện các hoạt động kinh doanh tại thị trường Trung Quốc.
Đến nay, chưa tập đoàn lớn nào tại Hong Kong lên tiếng bình luận về dự luật cho phép dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc đại lục để xét xử. Tuy nhiên, các doanh nhân, nhà đầu tư rất lo ngại về khả năng giám đốc nước ngoài có thể bị dẫn độ sang Trung Quốc, và hệ thống tư pháp của thành phố bị suy yếu.
Người biểu tình chiếm đường gần tòa nhà Hội đồng Lập pháp Hong Kong hôm 12/6. Ảnh: Lam Yik Fei/The New York Times. |
“Cộng đồng kinh doanh và tài chính quan ngại sâu sắc về ảnh hưởng của dự luật đối với Hong Kong”, New York Times dẫn lời ông Hồ Tổ Lục - người sáng lập công ty đầu tư Primavera Capital Group - nhận định. Ông Hồ từng là giám đốc phụ trách khu vực Trung Quốc của ngân hàng Goldman Sachs.
Ảnh hưởng xấu đến kinh tế Hong Kong
Theo ông Hồ, tự do cá nhân và nền tư pháp độc lập Hong Kong bị xói mòn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư và làm suy yếu vai trò trung tâm kinh doanh và tài chính toàn cầu của Hong Kong.
Ông Hồ cảnh báo vai trò "trung gian" giữa Trung Quốc và thế giới kinh doanh của Hong Kong cũng sẽ bị đe dọa. Hôm 12/6, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đặt vấn đề chính quyền Tổng thống Donald Trump cần xem xét lại luật miễn trừ Hong Kong trong một số hạn chế về thương mại và công nghệ Washington đang áp dụng với Trung Quốc đại lục.
“Quốc hội Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đánh giá lại liệu Hong Kong có đủ tự chủ theo cơ chế 'một quốc gia, hai chế độ' hay không", bà Pelosi tuyên bố.
Thị trường chứng khoán Hong Kong sụt giảm 1,7% trong ngày 12/6 khi người biểu tình đi chật cứng các con đường huyết mạch ở trung tâm thành phố, nơi các công ty đa quốc gia đặt văn phòng. Nhân viên ngân hàng HSBC và hãng kiểm toán Deloitte được yêu cầu làm việc tại nhà.
Hàng trăm nghìn người dân Hong Kong đổ xuống đường biểu tình. Ảnh: Lam Yik Fei/The New York Times. |
Có những dấu hiệu cho thấy căng thẳng ở Hong Kong đã làm suy yếu niềm tin của giới kinh doanh. Tập đoàn bất động sản Goldin Financial Holdings cho biết quyết định hủy bỏ đấu thầu một lô đất trị giá 1,4 tỷ USD tại sân bay Kai Tak cũ vì “những mâu thuẫn xã hội và bất ổn kinh tế”.
Đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, Hong Kong từng là một điểm đến rất an toàn. Cơ chế "một quốc gia, hai chế độ" cho phép chính quyền Hong Kong áp dụng các quy định kinh doanh nhẹ nhàng hơn nhiều so với Trung Quốc đại lục. Hệ thống tòa án Hong Kong cũng vận hành độc lập và hiệu quả.
Nguy cơ đánh mất vị thế đặc biệt
Trong nhiều thập kỷ, các tập đoàn lớn luôn chọn Hong Kong để thiết lập trụ sở khu vực Trung Quốc hoặc châu Á. Thành phố này trở thành trung tâm tài chính và thương mại quan trọng của châu Á, dù vài năm qua nhiều công ty toàn cầu đã bắt đầu làm việc trực tiếp với thị trường Trung Quốc đại lục.
Nhưng sự lo ngại về Hong Kong ngày càng lan rộng. Năm 2018, Phòng Thương mại Mỹ tại Hong Kong thực hiện một cuộc khảo sát và kết quả là hơn 50% số người được hỏi tỏ ra lo lắng về sự độc lập của chính quyền Hong Kong.
Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới Hong Kong. Hồi đầu tuần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố: "Sự xói mòn liên tục của cơ chế 'một quốc gia, hai chế độ' có thể đe dọa vị thế đặc biệt của Hong Kong trên trường quốc tế".
Bà Tara Joseph, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Hong Kong, nói: “Dự luật dẫn độ rất đáng lo ngại. Bởi về khía cạnh kinh doanh, các nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu chính trị có can thiệp vào kinh doanh tại trung tâm tài chính luôn ưu ái các hoạt động kinh doanh hay không".
Người dân Hong Hong giơ cầm biểu ngữ phản đối dự luật dẫn độ. Ảnh: Weiganghk. |
Các công ty Mỹ cũng bày tỏ sự lo ngại. Nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ rút khỏi Hong Kong. “Giới kinh doanh đang thảo luận về dự luật, nhưng không có câu trả lời vào lúc này", bà Tara Joseph nói.
Các doanh nghiệp đặc biệt quan ngại việc Mỹ sẽ đối xử với Hong Kong như những thành phố khác của Trung Quốc. Theo Luật Chính sách Mỹ - Hong Kong (1992), thành phố được hưởng ưu đãi đặc biệt về thương mại và hải quan.
Việc Mỹ thay đổi hoặc loại bỏ luật này có thể khiến đe dọa phá hủy vị thế trung tâm tài chính của Hong Kong. Nguồn tin của New York Times tại Washington tiết lộ các nghị sĩ Mỹ đang rất quan tâm đến tình hình Hong Kong những ngày qua.
Hồi tháng 3, một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định chính quyền trung ương Trung Quốc có sự can thiệp vào hoạt động của chính quyền Hong Kong, và chính quyền Hong Kong tuân thủ các hướng dẫn của Bắc Kinh. Tuy nhiên khi đó báo cáo vẫn cho rằng Hong Kong có sự tự chủ đáng kể.
Sự quyết liệt của các doanh nghiệp nhỏ
Không giống như các công ty lớn, nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Hong Kong công khai phản đối dự luật dẫn độ vì cho rằng nó có thể làm tổn hại vĩnh viễn nền kinh tế Hong Kong. Hơn 1.000 doanh nghiệp nhỏ Hong Kong đã đóng cửa hôm 12/6 để ủng hộ cuộc biểu tình.
Trên mạng xã hội, hàng trăm quán cà phê, nhà hàng và các doanh nghiệp khác đăng tải hình ảnh với hashtag #612strike. Công ty giao hoa trực tuyến Floraholic viết: “Hong Kong bị ốm, hãy nghỉ một ngày để phục hồi”.
“Đóng cửa là hành động duy nhất chúng ta có thể làm được”, New York Times dẫn lời ông Yanki Lam - đồng sở hữu Changchang Goodstore, một công ty ở quận Cửu Long - cho biết.
Một nhà hàng Hong Kong dán dòng chữ "Phản đối sửa luật dẫn độ" ngay ngoài cửa. Ảnh: Getty Images. |
Khách sạn Eaton Hong Kong cho phép nhân viên của mình tham gia các cuộc biểu tình hôm 12/6, nói rằng: “Chúng tôi tôn trọng quan điểm chính trị của các nhân viên trong công ty”.
Trong khi đó, lãnh đạo một số công ty nước ngoài thừa nhận dù có lo ngại về dự luật dẫn độ, họ cũng không dám lên tiếng phản đối công khai vì e ngại nguy cơ bị chính phủ Trung Quốc trừng phạt.
Ông David Webb, một cựu chủ ngân hàng và là nhà sáng lập của trang web quản trị tài chính và doanh nghiệp Webb-site, cho biết: “Các công ty nước ngoài không thể kinh doanh ở Trung Quốc nếu không có sự chấp thuận chủa chính quyền Bắc Kinh”.
Ông Webb tiết lộ lãnh đạo các công ty lớn cũng ý thức được rằng việc phản đối dự luật dẫn độ cũng chẳng thể ngăn chặn được chuyện chính quyền Trung Quốc ngày càng can thiệp sâu vào chính trị Hong Kong. "Bao nhiêu nỗ lực phản đối dự luật dẫn độ cũng sẽ không cản trở được điều đó", ông nhấn mạnh.