Theo New Straits Times, cảnh sát xuất hiện nhiều bất thường trong ngày 23/2, tuần tra trong khu vực và mở đường cho xe của các quan chức từ Đại sứ quán Triều Tiên. Các nhà báo đang túc trực trước cổng sứ quán được yêu cầu di chuyển thiết bị của họ khỏi mặt đường với lý do chúng đang choáng chỗ đi lại.
Khoảng 50 nhà báo, quay phim, phóng viên ảnh đã "cắm trại" trước Đại sứ quán Triều Tiên trong vài ngày qua. Họ tập trung đưa tin về cái chết của ông Kim Jong Nam, anh trai lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, tại sân bay Kuala Lumpur 2 hôm 13/2.
Cảnh sát Malaysia được huy động đến tăng cường an ninh tại Đại sứ quán Triều Tiên ngày 23/2. Ảnh: Reuters. |
Xe cộ vẫn ra vào Đại sứ quán Triều Tiên nhưng các quan chức nước này hoàn toàn không quan tâm tới báo giới. Trước đó, ngày 22/2, một quan chức Triều Tiên bị các nhà báo vây quanh khi rời khỏi sứ quán nhưng từ chối bình luận.
Chiều 22/2, Umno Youth, đoàn thanh niên của của Mặt trận Quốc gia, liên minh cầm quyền tại Malaysia, đã đến Đại sứ quán Triều Tiên để trao thư phản đối.
Thành viên trong đoàn thành viên của Mặt trận Quốc gia biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Triều Tiên tại Kuala Lumpur ngày 23/2. Ảnh: Reuters. |
"Phát ngôn của Đại sứ quán Triều Tiên ám chỉ rằng các điều tra viên của chúng tôi thông đồng với các lực lượng nước ngoài. Đây là một sự xúc phạm đến chủ quyền của Malaysia", những người biểu tình tuyên bố.
"Chúng tôi yêu cầu chính phủ Malaysia rút khỏi hiệp ước miễn visa với Triều Tiên và cân nhắc lại quan hệ đối ngoại với Bình Nhưỡng", đại diện Umno Youth đọc thư phản đối trước báo giới ngoài cổng Đại sứ quán.
Trước đó, Đại sứ Triều Tiên tại Kuala Lumpur Kang Chol nói rằng kết quả điều tra của Malaysia về công dân Triều Tiên bị tấn công ở sân bay mang động cơ chính trị và kêu gọi điều tra chung. Quan hệ ngoại giao giữa Bình Nhưỡng và Kuala Lumpur đang căng thẳng xung quanh các cáo buộc này.