Bernard Chan, cố vấn cao cấp cho chính quyền Hong Kong, đang muốn đàm phán với ai đó trong phong trào biểu tình để có thể chấm dứt bạo động đã kéo dài ba tháng.
Nhưng qua các cuộc gặp, ăn trưa, không ai có thể bảo đảm với ông rằng phong trào này sẽ nhượng bộ, chấm dứt biểu tình nếu Đặc khu trưởng Carrie Lam làm theo các yêu cầu của phong trào.
“Các anh dừng lại không có nghĩa cả phong trào dừng lại - nếu vậy thì tôi đàm phán với ai đây”, ông Chan nói với Bloomberg ngày 6/9, ngay trước ngày cuối tuần người biểu tình tiếp tục đụng độ với cảnh sát. “Tôi không thể thuyết phục chính quyền ngồi lại đàm phán vì không biết đang thương lượng với ai”.
Đám đông biểu tình ở Hong Kong ngày 9/6. Ảnh: New York Times. |
Người biểu tình lần này không theo chiến lược “chiếm” một khu vực nhất định như năm 2014. Khi đó, người ủng hộ mệt mỏi sau 79 ngày “gồng mình” và các lãnh đạo biểu tình trở thành mục tiêu bị bắt giữ, bỏ tù.
Nay, phong trào bảo vệ danh tính hơn và chính quyền khó theo dõi các liên lạc của nhóm. Việc không có lãnh đạo là lý do chính khiến phong trào kéo dài như hiện nay và không có dấu hiệu hạ nhiệt, theo Bloomberg.
Người biểu tình tập trung tại sân bay quốc tế Hong Kong ngày 12/8 buộc nhiều chuyến bay phải hủy. Ảnh: Getty Images. |
“Chắc chính quyền phải đưa ra những đảm bảo để thuyết phục những đại diện người biểu tình đứng ra”, Jean-Pierre Cabestan, giáo sư đại học Hong Kong Baptist nói với Bloomberg. “Phía chính quyền cũng đang dền dứ liên tục, làm tôi không tin rằng họ muốn đối thoại, chưa nói đến đàm phán hay nhượng bộ”.
Tuần trước, bà Carrie Lam đã chính thức rút lại dự luật dẫn độ mà từ tháng 6 đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình.
Đó là một chiến thắng của phong trào biểu tình, nhưng các yêu cầu khác đã bị từ chối, bao gồm một hội đồng điều tra hành vi bạo lực của cảnh sát, rút lại việc coi người biểu tình là “gây rối”, ân xá cho những ai bị bắt, và quyền được bầu đặc khu trưởng hoàn toàn tự do.
Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam đã tuyên bố dừng luật dẫn độ. Ảnh: Reuters. |