Các sinh viên ĐH Washington ở hạt St. Louis, bang Missouri, tuần hành trong cuộc biểu tình “Giơ tay” toàn quốc. |
Theo AFP, cuộc biểu tình đã trở thành chiến dịch “Giơ tay bước đi”. Sáng nay 2/12 (giờ Việt Nam), hàng nghìn người tập trung tại các trường đại học, công sở khắp nước Mỹ để biểu tình lên án vụ thanh niên da đen Michael Brown bị sát hại ngày 9/8. Cuộc biểu tình bắt đầu vào thời điểm Brown bị bắn.
Ở New York, hàng trăm sinh viên, chủ yếu là người da trắng, đứng im lặng một phút tại Quảng trường Thời đại trước khi hô vang “Đã giơ tay rồi, đừng bắn” và “Không có công lý, không có hòa bình”. Họ cũng giương cao biểu ngữ “Hãy bỏ tù cảnh sát giết người”, “Ferguson ở khắp mọi nơi” và “Sinh mạng người da đen cũng quý giá”.
Một tổ chức có tên Ferguson Action đã được thành lập để phản đối việc bồi thẩm đoàn bang Missouri quyết định không truy tố cảnh sát da trắng 28 tuổi Darren Wilson (đã nghỉ việc), người đã bắn chết Brown.
Nhóm này kêu gọi người biểu tình toàn quốc đọc tên tuổi các nạn nhân bị cảnh sát bắn chết, bao gồm cậu bé 12 tuổi Tamir Rice bị bắn hạ ở Ohio khi cầm một khẩu súng đồ chơi.
Các cuộc biểu tình diễn ra đồng loạt ở nhiều bang như Massachusetts, California, Texas và Georgia. Tại thủ đô Washington, nhiều người cũng tập trung trước cửa trụ sở Bộ Tư pháp Mỹ để biểu tình. Trong một trận bóng bầu dục ở hạt St. Louis hôm qua, năm cầu thủ đội St. Louis Rams cũng thực hiện động tác “giơ tay, đừng bắn” trước mặt hàng nghìn khán giả.
Hôm 2/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu Quốc hội thông qua khoản chi 263 triệu USD để tăng cường đào tạo lực lượng cảnh sát, trang bị máy quay đeo trên người nhằm ngăn chặn nguy cơ sử dụng vũ lực quá mức.
“Đây không chỉ là vấn đề của thành phố Ferguson mà của toàn nước Mỹ”, ông Obama nhấn mạnh. Theo đề xuất của ông Obama, chính quyền sẽ mua 50.000 máy quay để trang bị cho cảnh sát. Máy quay trên người có thể cung cấp bằng chứng rõ ràng trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và thường dân.