Theo Bangkok Post, một cuộc biểu tình khác nhỏ hơn cũng được tổ chức tại thành phố Ubon Ratchathani. Cả hai cuộc biểu tình đều diễn ra trong hoà bình.
Tại cổng Tha Phae, một trong những địa danh nổi tiếng ở Chiang Mai, những người biểu tình giơ kiểu chào ba ngón tay đặc trưng của họ, và giơ lên những biểu ngữ kêu gọi tướng Prayut và chính phủ của ông từ chức. Họ cũng yêu cầu giải tán quốc hội và soạn thảo hiến pháp mới.
Cảnh sát đã có mặt tại hiện trường, kêu gọi người biểu tình giải tán, cho biết việc này đã vi phạm sắc lệnh khẩn cấp của chính phủ về cấm tụ tập đông người để hạn chế dịch Covid-19 lây lan, và cho rằng việc tuần hành có thể tạo ra làn sóng lây nhiễm thứ 2.
Người biểu tình tập trung ở cổng Tha Phae tại thành phố Chiang Mai hôm 19/7. Ảnh: Bangkok Post. |
Tại Ubon Ratchathani, một nhóm sinh viên và học sinh trung học, cùng nhiều người khác tổ chức cuộc tụ tập gần đền thờ Lak Muang, kêu gọi chính phủ từ chức.
"Chúng ta thật sự muốn thấy những thay đổi", một sinh viên nói với đám đông.
Hai sự kiện tại Chiang Mai và Ratchathani diễn ra chỉ một ngày sau cuộc biểu tình lớn ở Đài tưởng niệm Dân chủ ở Bangkok, do nhóm Thanh niên Tự do và Hội Sinh viên Thái Lan tổ chức đã thu hút hàng trăm người biểu tình. Sự kiện tại thủ đô kết thúc vào lúc nửa đêm.
Đây là cuộc tụ tập chính trị lớn nhất kể từ đại dịch Covid-19 bùng phát ở Thái Lan.
Ông Jatuporn Prompan, Chủ tịch Mặt trận Dân chủ Thống nhất chống lại chế độ độc tài, hôm 19/7 đã gửi một thông điệp tới những người biểu tình, kêu gọi họ nói lên thông điệp của mình một cách rõ ràng và mạnh mẽ hơn.
Tổ chức này, vốn đứng về phía đảng Pheu Thai do cựu thủ tướng Thaksin sáng lập (nay đã bị giải thể), kêu gọi tướng Prayut giải tán hạ viện, chấm dứt đe doạ công dân và soạn thảo một bản hiến pháp mới.
Trên trang Facebook của mình, ông Jatuporn khuyến cáo những người biểu tình tránh đề cập đến chủ đề hoàng gia, kêu gọi sự nhẫn nại và mở lòng từ phía giới chức, vì cuộc biểu tình được tổ chức với ý đồ tốt.