Những câu trả lời trong cuốn Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1975) có sự chính xác rất cao, khi tác giả nguyên là Chỉ huy trưởng các lực lượng Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định trong kháng chiến chống Mỹ: Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Hùng, bí danh Tư Chu (1928-2012).
Ông chính là nguyên mẫu để xây dựng nên nhân vật chỉ huy biệt động Tư Chung trong bộ phim truyện 4 tập nổi tiếng Biệt động Sài Gòn của nhà biên kịch Lê Phương và đạo diễn Long Vân.
Sách Biệt Động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong 30 năm chiến tranh giải phóng. |
Đọc cuốn sách dày dặn về thông tin, tư liệu này, độc giả có thể có cái nhìn tổng quát về ba mươi năm xây dựng và chiến đấu của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, các đặc điểm chiến đấu của đội quân này, cũng như những trận đánh tiêu biểu, với đầy đủ hồ sơ, sơ đồ rất trực quan, sinh động.
Qua những tư liệu lịch sử đó, độc giả có thể nắm được những đặc điểm khác biệt giữa hai lực lượng Biệt động và Đặc công, như: Đặc công là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, được tuyển chọn từ những chiến sĩ có phẩm chất tốt nhất trong quân đội, trong khi Biệt động là lực lượng vũ trang tại chỗ được xây dựng để chiến đấu trong lòng địch, và có thành phần tham dự rất rộng rãi, từ thiếu niên đến người cao tuổi, có cả nông dân, thợ thuyền, học sinh, trí thức, tiểu thương và cả nhà tu hành... Trong khi đặc công thường hoạt động vào ban đêm thì biệt động có thể hoạt động vào ban ngày, với phương châm nhanh, dứt khoát, bất ngờ, quyết liệt, khiến cho địch không kịp trở tay.
Tác giả cuốn sách là Đại tá Nguyễn Đức Hùng - nguyên mẫu xây dựng nhân vật trong phim Biệt động Sài Gòn. |
Ba cách đánh tiêu biểu của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định cũng được Đại tá Nguyễn Đức Hùng đúc kết, gồm gài mìn nổ chậm, cường tập và pháo kích. Mỗi cách đánh đều được minh chứng bằng những chiến công tiêu biểu mà tác giả và các đồng đội đã trải qua, từ các vụ cài mìn các địa điểm cư trú của lính Mỹ như khách sạn Caravelle, cư xá Métropole, Victoria, Brink, đến trận cường tập vào Đại sứ quán Mỹ ở địa điểm cũ, góc đường Hàm Nghi - Võ Di Nguy (nay là Hồ Tùng Mậu), quận 1, Sài Gòn ngày 30/3/1965... Với biện pháp pháo kích, tiêu biểu là trận dùng pháo cối từ Thủ Đức và Nhà Bè bắn phá cuộc duyệt binh kỷ niệm quốc khánh VNCH, sáng 1/11/1966 tổ chức trên đại lộ Thống Nhất, trước dinh Độc Lập (nay là dinh Thống Nhất).
Cuốn sách cũng dành nhiều trang để viết về cuộc chiến đấu ác liệt Xuân Mậu Thân - đỉnh cao chiến đấu của lực lượng Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định, với những mô tả chân thực, rõ ràng và các bài học xương máu rút ra sau đó.
Bên cạnh đó, là những thông tin về các trận đánh của Biệt động Sài Gòn - Gia Định trên báo chí Sài Gòn và nước ngoài, và phần phụ lục chi tiết với danh sách các đơn vị tham gia trực tiếp trận chiến Mậu Thân 1968, danh sách các anh hùng LLVTND của lực lượng qua các thời kỳ...
Sách được NXB Văn hóa - Văn nghệ phát hành bằng hai thứ tiếng Việt và Anh, dày 444 trang, với phần dịch tiếng Anh của Nguyễn Vĩnh Trung.