Khi bình minh ló dạng ở miền Trung Kenya, một chiếc máy bay trực thăng cất cánh trong cuộc chạy đua tìm ra bầy châu chấu trước khi Mặt Trời lên sưởi ấm cơ thể và đánh thức chúng bay tràn qua vùng đất nông nghiệp.
Phi công Kieran Allen bắt đầu chuyến khảo sát miệt mài của mình từ những vùng đồng bằng đầy ngựa vằn và những trang trại ngô tươi tốt, đến những thung lũng cây cối rậm rạp và những vùng đất rộng lớn khô cằn xa hơn về phía bắc, đôi mắt của anh chăm chú dò xét cảnh quan để tìm dấu hiệu của bầy côn trùng đông đúc.
Chiếc trực thăng liệng nhẹ sau khi có cuộc gọi đến từ “phòng tác chiến châu chấu” trên mặt đất: một cộng đồng người ở chân núi Kenya đã báo ở đó có một bầy.
Làn sóng thứ hai
“Tôi đang nhìn thấy một số nốt hồng trên cây”, giọng viên phi công vang lên rõ ràng qua tai nghe, chỉ đến một dải đất rộng khoảng 30 ha đầy châu chấu sa mạc.
Những con côn trùng có màu hồng đỏ, điển hình của giai đoạn chưa trưởng thành và hung dữ nhất của chúng, đang tàn phá các ngọn cây trong rừng thông.
Allen xác định vị trí các trang trại gần đó nằm trong khoảng cách an toàn và gọi thêm một chiếc máy bay thứ hai đến để phun thuốc diệt côn trùng.
Trên mặt đất, nhiệt độ đã ấm lên vừa đủ, đám mây châu chấu tràn vào không khí với tiếng sột soạt xào xạc như cơn mưa nhẹ. Chỉ một vài giờ nữa, nhiều con sẽ chết do tác dụng của thuốc diệt côn trùng.
Chỉ trong tháng trước, Allen đã bay gần 25.000 km, hơn một nửa chu vi thế giới, trong nỗ lực săn châu chấu sau khi một làn sóng côn trùng xâm chiếm Kenya từ Somalia và Ethiopia được ghi nhận.
Giống như các phi công khác tham gia hoạt động này, những người chuyển từ công việc thông thường của họ là chữa cháy, hoặc cứu hộ, Allen đã trở thành một chuyên gia về châu chấu và những nguy hiểm do chúng gây ra.
"Những cánh đồng lúa mì đó nuôi sống rất nhiều người. Nếu chúng vào được đó, sẽ là một thảm họa", Allen nói khi chỉ tay về một trang trại rộng lớn ở một khu vực đặc biệt màu mỡ trên núi Kenya.
Châu chấu sa mạc là một bộ phận của họ châu chấu. Chúng tạo thành những bầy lớn khi mùa sinh sản được tiếp sức bởi những cơn mưa.
Chúng nổi tiếng là khó kiểm soát vì có khả năng di chuyển lên tới 150 km mỗi ngày. Một con châu chấu mỗi ngày có thể ăn lượng thực phẩm nặng hơn trọng lượng của nó và nhân lên 20 lần sau mỗi 3 tháng.
Châu chấu lần đầu xâm nhập phía đông và vùng Sừng châu Phi vào giữa năm 2019, và sau đó ran rộng tới 9 quốc gia khi khu vực này trải qua một trong những mùa mưa ẩm ướt nhất trong nhiều thập kỷ.
Theo Cyril Ferrand, một chuyên gia tại Nairobi thuộc Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO), một số quốc gia như Kenya đã không gặp côn trùng gây hại suốt 70 năm và phản ứng ban đầu đều thất bại do sự phối hợp kém, thiếu thuốc trừ sâu và máy bay.
Một chiến dịch mới khéo léo hơn để chống lại làn sóng côn trùng gây hại thứ hai đã cải thiện việc kiểm soát và hợp tác ở Kenya, Ethiopia và một số vùng của Somalia.
“Phòng tác chiến châu chấu”
Tại Kenya, FAO đã hợp tác với 51 Degrees, một công ty chuyên quản lý các khu bảo tồn.
Họ thiết lập lại phần mềm vốn được phát triển để theo dõi việc săn bắt trộm động vật hoang dã bị thương và khai thác gỗ bất hợp pháp cùng các nhu cầu bảo tồn khác phục vụ việc theo dõi và xử lý các đàn châu chấu.
Một đường dây nóng được thiết lập để tiếp nhận cuộc gọi từ các trưởng làng và hơn 3.000 trinh sát được đào tạo. Máy bay cũng được điều động.
Dữ liệu về quy mô của bầy đàn và hướng di chuyển của châu chấu được chia sẻ với các phi công cũng như các chính phủ và tổ chức đang chiến đấu với cuộc xâm lăng của đại dịch này ở Somalia, Kenya và Ethiopia.
Giám đốc 51 Degrees, Batian Craig, cho biết: “Cách tiếp cận của chúng tôi đã hoàn toàn thay đổi nhờ dữ liệu tốt, kịp thời và chính xác”.
Ông cho biết thêm rằng tại Kenya, chiến dịch tập trung vào "tuyến phòng thủ đầu tiên" ở các khu vực biên giới xa xôi và đôi khi có tranh chấp, nơi đã tiêu diệt thành công những bầy côn trùng gây hại khổng lồ đến từ Ethiopia và Somalia trước khi chúng tới chạm được tới vùng đất nông nghiệp xa hơn về phía nam.
Trong một cuộc chạy đua phức tạp, khi gió chuyển hướng và bầy côn trùng quay trở lại Ethiopia, các phi công đã chờ sẵn ở phía bên kia biên giới.
Miền Nam và Trung Somalia là khu vực cấm do sự hiện diện của các phần tử Hồi giáo Al-Shabaab. Do đó tại đây, các đội đặc nhiệm chỉ có thể đợi bầy châu chấu băng qua.
Ảnh hưởng sinh kế
Ferrand cho biết vào năm 2020, các đàn côn trùng gây hại đã làm ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực và sinh kế của khoảng 2,5 triệu người và dự kiến con số tăng lên đến 3,5 triệu vào năm 2021.
Ông cũng cho biết trong khi dự báo về lượng mưa dưới mức trung bình và hoạt động kiểm soát được cải thiện có thể giúp hạn chế côn trùng xâm nhập, rất khó xác định chắc chắn khi nào nó sẽ kết thúc.
Tuy nhiên, với những biến động về khí hậu và thời tiết chóng mặt trong khu vực, "chúng ta cần bắt đầu lên kế hoạch trước để đối phó nếu châu chấu sa mạc xâm nhập thường xuyên hơn".
Craig nói: “Mặc dù quy mô bầy đàn đã giảm trong năm nay, sự ảnh hưởng của châu châu tới sinh kế vẫn dai dẳng".
Tại một ngôi làng ở Meru, trang trại ngô và đậu rộng 4,8 ha của người nông dân Jane Gatumwa đang sôi sục vì những con châu chấu hung hãn.
Cô và các thành viên trong gia đình chạy vòng quanh cánh đồng, la hét và đập các mảnh kim loại vào nhau trong một nỗ lực vô ích để đuổi chúng đi.
"Chúng phá hủy mọi thứ, đã 5 ngày rồi. Tôi cảm thấy thật tệ. Những cây trồng này là nguồn thu giúp chúng tôi có tiền học và cung cấp thực phẩm".
"Bây giờ không còn gì nữa, chúng tôi sẽ gặp vấn đề lớn".