Biến vỏ quế thành sản phẩm mỹ nghệ xuất khẩu tiền tỷ
Thứ hai, 9/3/2020 05:30 (GMT+7)
05:30 9/3/2020
Từ vỏ cây quế bản địa, các nghệ nhân huyện vùng cao Trà Bồng (Quảng Ngãi) chế tác thành những sản phẩm mỹ nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với xuất khẩu thô.
Huyện vùng cao Trà Bồng và Tây Trà (Quảng Ngãi) có hơn 7.000 ha quế, trong đó nhiều hộ dân sở hữu nhiều đồi quế lâu năm bảo tồn nguồn gen quý hiếm loài "cây đặc sản" địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hóa (ngụ thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng) bên cây quế hơn 30 năm tuổi. Nông dân này lý giải gia đình giữ vườn quế lâu năm nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen quý, chất lượng của giống quế lâu đời của địa phương. Hàng năm, trung bình mỗi hộ dân nơi đây có thu nhập hàng chục triệu đồng từ cây quế.
Dù mới đầu vụ thu hoạch, hàng nghìn nông dân huyện Trà Bồng và Tây Trà đổ xô vào rừng thu hoạch vỏ quế bán cho thương lái với giá từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg (cao hơn nhiều so với năm ngoái). Từ các nguồn hỗ trợ từ chương trình 135, 30a, hàng năm huyện Trà Bồng đã bố trí kinh phí mua cây giống, phân bón cho người dân tập trung phát triển những vùng nguyên liệu quế như các xã Trà Thủy, Trà Hiệp và Trà Bùi....
Giá quế tăng đột biến, nhiều cơ sở thu mua mỗi kg quế khô lên đến 56.000 đồng (tăng 12.000 đồng/kg so với năm ngoái), quế tươi 25.000 đồng (tăng gấp đôi so với năm ngoái). "Hiện nay nhiều gia đình vẫn còn bảo tồn vườn quế lâu năm, lưu giữ nguồn gen để nhân giống chất lượng cao cung ứng cho người dân. Không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân, từ lâu cây quế trở thành cây nguyên liệu chủ lực góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng độ che phủ rừng địa phương", ông Hồ Văn Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện Trà Bồng nói.
Theo ông Thịnh, sau khi các thương lái thu mua chế tác sản phẩm mỹ nghệ thì giá trị cây quế tăng lên, cả doanh nghiệp và người dân có thu nhập cao hơn nhiều so với trước từ cây quế. Trong ảnh là người lao động căng vỏ quế để mang đi phơi khô tại cơ sở chế tác sản phẩm mỹ nghệ ở thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng.
Tiêu thụ vỏ quế sau mùa thu hoạch giá cả bấp bênh, gặp nhiều khó khăn, nhiều năm qua, ông Nguyễn Đức Lương (ngụ huyện Trà Bồng) tìm tòi, nghĩ cách chế tác những sản phẩm mỹ nghệ nâng giá trị kinh tế cho cây quế ở địa phương. "Để tạo những sản phẩm mỹ nghệ chất lượng, chúng tôi chọn mua vỏ cây quế lâu năm có độ tinh dầu cao mang về cạo bỏ lớp sần bên ngoài loại bỏ tạp chất, sau đó phơi dưới ánh nắng mặt trời cho bớt độ ẩm rồi mới đưa về xưởng chế tác", ông Lương nói.
Những người thợ nơi đây đã tìm tòi, học hỏi và chế tác ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế. Họ chế tác ra nhiều sản phẩm đa dạng và độc đáo như hộp đựng tăm, hộp đựng trà, ché đựng rượu hoặc đồng hồ, khung tranh ảnh, đèn ngủ...trang trí nội thất.
Nghệ nhân chế tác vỏ quế thành hộp đựng trà. Theo ông Lương, những sản phẩm càng nhỏ bé thì càng đòi hỏi công đoạn tạo ra hết sức tỉ mỉ, công phu. Mùi thơm đặc trưng của hương quế còn lưu lại trên sản phẩm là nét độc đáo mà không phải loại gỗ nào cũng có được.
Các nghệ nhân chế tác vỏ quế thành bộ bình ly, ché đựng rượu.
Vỏ quế được tạo hình thành những con nai dùng để trang trí trên các sản phẩm mỹ nghệ.
Bộ bình ly quế có giá khoảng 600.000 đồng. Theo các doanh nghiệp, vỏ quế sau khi chế tác thành sản phẩm mỹ nghệ có giá trị xuất khẩu cao gấp 7 đến 10 lần so với bán thô.
Sản phẩm thạp, ché đựng rượu có giá từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng mỗi sản phẩm. Các sản phẩm được thị trường ưa chuộng như đồ mỹ nghệ, bình, chén, hộp đựng trà, đựng tăm, nhang quế hương thơm dịu nhẹ. Sản phẩm quế Trà Bồng, Tây Trà chủ yếu xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nga.
Không chỉ chế tác vỏ quế thành sản phẩm mỹ nghệ, các cơ sở kinh doanh nơi đây còn thu mua lá, cành quế xay làm nhang, thuốc bắc hoặc chế biến tinh dầu quế.
Hoặc nấu nước lá quế bán cho khách hàng lau sàn nhà vệ sinh diệt khuẩn. Mặt hàng này được các doanh nghiệp "bán chạy" trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 như hiện nay. Thống kê của huyện Trà Bồng, trung bình mỗi năm các doanh nghiệp địa phương chế tác vỏ quế thành sản phẩm mỹ nghệ xuất khẩu và chiết xuất tinh dầu quế, làm nhang, thuốc bắc...bán trong nước mang lại doanh thu hơn 70 tỷ đồng.
Huyện vùng cao Trà Bồng (Quảng Ngãi), nơi có hàng trăm hộ dân trồng cây nguyên liệu quế. Ảnh: Google Maps.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh chặng đường tiếp theo của Việt Nam và Malaysia cũng như việc bảo đảm một hệ thống quốc tế công bằng, rộng mở phụ thuộc lớn vào sự phát triển của ASEAN.
Bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, được Bộ Chính trị điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước.