Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Biến văn phòng, bữa trưa công sở thành sàn diễn thời trang

Mỗi sáng, Diệu Vy lại đứng hồi lâu trước tủ đồ, lựa chọn quần áo vừa ý. Hai tuần đi làm, cô không mặc bộ đồ nào trùng nhau.

thoi trang cong so anh 1

"Tôi mặc đẹp chỉ để đến công ty, chứ không biết đi đâu nữa", đó là lời thú nhận của Diệu Vy (25 tuổi, quận 5, TP.HCM). Cô hiện là nhân viên nội dung cho một công ty âm nhạc trực tuyến. Đi làm 5 ngày/tuần, công việc ở văn phòng chiếm phần lớn thời gian của cô.

Chia sẻ với Zing, Diệu Vy cho biết mình có sở thích mặc đẹp, chỉn chu dù đi làm hay đi chơi. Tuy nhiên, công việc quá bận rộn, cô chỉ xuống phố đi cà phê, gặp gỡ bạn bè vào mỗi cuối tuần. Đó không thể là thời gian đủ cho một người thích chưng diện như cô.

Công ty cho phép nhân viên mặc đồ thoải mái theo sở thích, đó càng là điều kiện để Diệu Vy mạnh dạn thể hiện cá tính qua từng bộ trang phục. Tủ quần áo của cô luôn trong tình trạng chật kín, nhưng sở thích về thời trang luôn thôi thúc cô lắp đầy thêm. Kết quả, cô chỉ có thể tranh thủ mặc thật đẹp khi đến công ty mỗi ngày.

"Ở công ty tôi ai cũng vậy thôi, văn phòng không khác gì một sàn diễn thời trang", cô nói thêm.

Ít đi chơi nên mặc đẹp đến công sở

Tương tự Diệu Vy, Huỳnh Duy (26 tuổi, quận 3, TP.HCM) cũng cảm thấy quá bận rộn với khối lượng công việc mỗi ngày. Công ty anh yêu cầu làm việc 6 ngày/tuần, do đó hầu hết thời gian anh đều dành cho công sở.

"Tối về đã quá mệt, tôi không còn sức để thay đồ, tắm rửa, sửa soạn quần áo ra khỏi nhà nữa. Do đó, tôi chọn mặc đẹp ngay từ sáng", anh kể.

Huỳnh Duy cho biết để tiết kiệm thời gian đi lại, anh thường xuyên hẹn bạn hoặc đồng nghiệp ăn tối, đi chơi ngay sau khi tan ca. Không muốn bản thân xuề xòa khi gặp gỡ bạn bè, anh cân nhắc lựa chọn trang phục vừa lịch sự ở chỗ làm mà vẫn thời thượng khi xuống phố.

Đa phần ngày làm việc, nhân viên truyền thông này đến công ty với những chiếc quần jean rộng, kết hợp với áo phông cá tính và sneaker. Lúc khác, anh đổi gió bằng sơ mi khoác ngoài một chiếc áo thun trắng cùng quần tây ống đứng kiểu hiện đại.

Tấn Đạt (27 tuổi, quận 5, TP.HCM) hiện là stylist của một công ty về thời trang giới trẻ. Công việc này khiến anh thoải mái thể hiện tư duy, phong cách của mình.

"Trước đây, tôi có nhiều thời gian để mặc đẹp khi hẹn hò, du lịch hoặc đi chơi với bạn bè. Thế nhưng gần đây, tôi quá bận để ra ngoài nên muốn mặc đẹp kể cả khi đi làm. Đây là cách tôi thể hiện cá tính, gu riêng của mình, đồng thời cũng gây ấn tượng với cấp trên và đồng nghiệp", anh nói.

Tấn Đạt theo đuổi phong cách hiphop và cổ điển. Anh cho biết mỗi nhân viên tại công ty đều có quyền mặc theo sở thích, không ai đánh giá hay phán xét ai về gu thẩm mỹ cá nhân.

"Công việc bận rộn, nhưng tôi thấy mọi người đều rất chú ý đến vẻ ngoài của bản thân. Theo tôi, điều này cũng đúng thôi. Thời trang, sành điệu, cá tính cũng là một cách tạo ấn tượng tốt với mọi người", anh chia sẻ thêm.

Công ty như sàn diễn thời trang

Diễm Huyền (24 tuổi, quận 3, TP.HCM) cũng thừa nhận công ty mình rất thoáng trong vấn đề cho nhân viên thể hiện cá tính qua trang phục.

"Tôi thường lựa chọn quần áo theo tâm trạng. Những ngày cần thoải mái, tôi mặc chiếc váy dài nhẹ nhàng. Những ngày cần 'lăn xả', tôi chọn phong cách cá tính, năng động với quần jean, váy ngắn phối cùng áo croptop hoặc áo thun kiểu. Tôi cũng không bao giờ quên nhấn nhá bằng phụ kiện như kẹp tóc, dây chuyền, khuyên tai để làm nổi bật trang phục".

Chia sẻ với Zing, Diễm Huyền tâm sự những nhân viên trong công ty được truyền cảm hứng ăn mặc từ chính cấp trên.

"Sếp tôi mặc rất đẹp, thời trang nên nhân viên cũng chú trọng hơn về đồ đạc, quần áo đi làm thật tươm tất và thời thượng", cô hào hứng kể.

Theo lời Diễm Huyền, mỗi người đồng nghiệp của mình đều có gu ăn mặc riêng. Mọi người hay cùng bàn luận về những xu hướng đang lên ngôi, giá cả, nhận xét góp ý trang phục của nhau.

"Nếu thấy có gì không phù hợp, chúng tôi sẽ không ngại mà nói ngay. Ví dụ, mọi người thấy chiếc váy hôm đó của tôi khá bồng bềnh, không phù hợp với vẻ ngoài sẽ góp ý, gợi ý tôi phối đồ theo cách khác", cô kể.

Tương tự, Huỳnh Duy mỗi ngày cũng thường xuyên quan sát đồng nghiệp mặc gì đến công ty. Anh nhận thấy do môi trường trẻ, cởi mở, thoải mái, mọi người đều rất chú ý đến tác phong, thời trang, phong cách ăn mặc của mình.

Giờ nghỉ trưa chính là lúc "sàn diễn thời trang" của công ty anh hoạt động. Mọi người sẽ rời khỏi bàn làm việc, đi ăn trưa, trò chuyện... Lúc này, ai mặc gì, xu hướng nào đều khiến những người khác quan tâm.

"Chúng tôi thường xuyên hỏi nhau về những trang phục hay mặc, mua ở đâu, giá thế nào, sau đó đều hào hứng chia sẻ cùng nhau", anh kể.

Chỉ cần trong khuôn khổ

Anh Đức (27 tuổi, TP.HCM) là quản lý bộ phận sáng tạo tại công ty quảng cáo. Anh đánh giá cao những môi trường cho phép nhân viên ăn mặc tự do.

"Tôi nghĩ tùy thuộc vào từng ngành nghề, công ty mới có thể cho nhân sự được mặc thoải mái. Nhưng đây chính là điểm cộng với những ai làm sáng tạo như chúng tôi", anh bày tỏ.

Qua cách ăn mặc, anh cũng có thể biết được cấp dưới của mình là tuýp người nào.

"Có bạn rất cá tính, do đó trong công việc cũng rất 'chiến'. Có bạn lại nhìn hiền và mềm mại hơn với những chiếc váy dài, họa tiết hoa, nơ, rất đa dạng", anh nhận xét.

Bên cạnh đó, từ phía cấp quản lý, Anh Đức cũng nhận thấy các bạn trẻ hiện nay đều rất văn minh khi đến công sở. Mặc dù được mặc tự do, nhưng hầu hết đều biết tiết chế cái tôi để phù hợp với cái chung.

"Tôi hiếm khi nào phải nhắc nhở chuyện ăn mặc của nhân viên cấp dưới. Đó là vấn đề cá nhân và tôi tôn trọng điều đó. Tuy nhiên, theo tôi quan sát các bạn rất biết cách thể hiện mình trong tầm kiểm soát. Đó là điểm đáng khen".

thoi trang cong so anh 10

Theo một số quản lý, nhân viên của mình được phép ăn mặc tự do, song vẫn không phá vỡ văn hóa công sở. Ảnh minh họa: Mentatdgt/Pexels.

"Tôi ủng hộ nhân viên của mình ăn mặc sáng tạo, thời thượng, miễn là trong khuôn khổ", đó là chia sẻ của Trần Minh Ngọc (32 tuổi, quận 3, TP.HCM) - quản lý tại một agency chuyên về quảng cáo, đồ họa.

Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, cô từng chứng kiến nhiều nhân sự đi làm với gout thời trang ấn tượng. Có bạn yêu thích phong cách Parisian Chic với những chiếc váy dài, thắt lưng to bản và boots cao gót. Vài bạn khác theo đuổi hình tượng IT girl với những chiếc áo croptop bó sát cùng quần jean ống rộng, kết hợp thêm tông trang điểm màu nude.

Minh Ngọc hiếm khi thấy nhân viên mặc quá hở hang hoặc luộm thuộm đến văn phòng. Cô cho rằng dù không có quy định chính thức, người đi làm vẫn có thể ngầm hiểu văn hóa công sở nói chung, phối hợp trang phục hài hòa để không gây ảnh hưởng đến người khác.

"Một lần, một bạn nhân viên lâu năm của tôi đi làm với chiếc áo dây, bên trong không mặc nội y, để lộ cơ thể. Tôi nhanh chóng gọi bạn vào phòng riêng nhắc nhở, đưa bạn chiếc blazer của mình để khoác ngoài. Đó là trường hợp hy hữu và gần như duy nhất mà tôi gặp", cô kể lại.

Sếp khó xử khi nhân viên đi làm với quần ngủ, áo thể dục

Khánh Trần bất mãn vì cấp dưới đến công ty họp trong trang phục luộm thuộm, kém chuyên nghiệp. Tuy nhiên, anh lại ngại nhắc nhở vấn đề tế nhị này.

Mỹ Trinh

Bạn có thể quan tâm