Tại một siêu thị gần biển Bondi, Sydney, một tài xế limousine đứng gần một vị khách ở khu vực cổng vào. Người tài xế sau này được xác định nhiễm virus corona.
Điều đáng chú ý, theo hình ảnh camera an ninh ghi lại, là tương tác giữa họ diễn ra rất nhanh chóng, chỉ trong vài giây ngắn ngủi. Nhưng khoảng thời gian đó đủ để biến chủng lây sang người còn lại.
Đối với các quan chức y tế Australia, họ nói đoạn video và phương thức virus lan truyền chính là lời cảnh báo rằng những chiến thuật chống dịch, vốn từng hiệu quả trước đây, có thể sẽ thất bại trong lần bùng phát này, theo Wall Street Journal.
Chỉ trong vài ngày, giới chức phong tỏa toàn bộ vùng đô thị Sydney, khi họ nhận ra virus lây lan với tốc độ chóng mặt, vượt qua năng lực truy vết để tìm và cách ly người có nguy cơ nhiễm.
Sân ga vắng vẻ tại Circular Quay, Sydney sau lệnh đóng cửa nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Biến thể Delta làm thay đổi mọi thứ
Giới chức Sydney tin rằng làn sóng hiện tại ở thành phố xuất phát từ người tài xế limousine nói trên, sau khi ông chở một phi hành đoàn quốc tế bị nhiễm virus.
Không hề biết mình mang mầm bệnh, tài xế này ghé qua nhiều nơi và lây lan cho những người khác.
5 ngày sau khi người tài xế có kết quả dương tính với virus corona, toàn bang New South Wales (NSW) chỉ ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 mỗi ngày.
Điều này khiến Kerry Chant, giám đốc y tế của bang, bày tỏ lạc quan hôm 21/6 rằng phương án truy vết người tiếp xúc gần có hiệu quả trước biến chủng Delta.
Tuy nhiên, chỉ ngay ngày hôm sau, các quan chức bắt đầu lo ngại về khả năng lây truyền của biến thể. Họ bắt đầu yêu cầu bất kỳ ai đến trung tâm mua sắm cùng thời điểm với tài xế phải xét nghiệm.
Theo Reuters, tính đến ngày 5/7, ít nhất 300 người ở bang NSW - nơi sinh sống của hơn 8 triệu dân - nhiễm biến thể Delta kể từ ngày 16/6. So với tiêu chuẩn toàn cầu, bùng phát dịch ở Sydney có quy mô tương đối nhỏ.
Tuy nhiên, các quan chức y tế cảnh báo biến thể Delta đang lây lan nhanh và rộng hơn nhiều so với những chủng virus corona mà nước này từng đối mặt.
Biến thể Delta có thể lây lan chỉ thông qua tương tác thoáng qua. Điều này làm hạn chế hiệu quả của phương pháp truy vết những người tiếp xúc gần mà Australia áp dụng từ lâu nay.
Đây là một dấu hiệu đáng báo động, bởi New South Wales chính là một nghiên cứu điển hình về mức độ lây lan nhanh chóng của biến thể Delta trong một cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thấp, cho dù có tích cực truy vết ca bệnh, đeo khẩu trang và giãn cách.
Chỉ trong vòng vài ngày, giới chức Australia đã phải phong tỏa một số khu vực của Sydney, rồi mở rộng ra toàn thành phố, vì virus corona đang lây lan nhanh hơn mức mà chính quyền có thể truy vết và cách ly các ca tiếp xúc gần.
“Mặc dù thực tế chúng ta có hệ thống truy vết người tiếp xúc gần đẳng cấp thế giới, chúng ta vẫn không thể nào chạy đua được với tốc độ lây lan của biến thể Delta”, Adrian Esterman, giáo sư thống kê sinh học và dịch tễ học tại Đại học South Australia, cho biết.
“Nhiều chuyên gia cho rằng cách tiếp cận hiện tại của New South Wales sẽ không hiệu quả”, ông Esterman nói.
Hệ thống truy vết tiếp xúc gần ca bệnh của Sydney dựa vào khoảng thời gian những người đó ở cùng thời điểm với ca bệnh, chẳng hạn như quét mã trên điện thoại thông minh mỗi khi bước vào cửa hàng.
Theo người phát ngôn của Cơ quan Y tế New South Wales, việc khai thác thông tin từ những người mắc Covid-19 là rất quan trọng trong việc lập bản đồ di chuyển của họ, và xác định những người có khả năng nhiễm bệnh.
Nancy Baxter, một nhà dịch tễ học và là người đứng đầu Trường Dân số và Sức khỏe Toàn cầu thuộc Đại học Melbourne, cho biết lây nhiễm biến thể Delta chỉ trong một vài giây ngắn ngủi chính là vấn đề khó khăn trong quá trình truy vết.
“Mọi người có thể không biết họ đã đi qua những đâu hay thậm chí gặp gỡ những ai”, bà nói thêm.
Người dân tại Circular Quay thực hiện giãn cách xã hội khi bang NSW trải qua đợt bùng phát dịch bệnh mới. Ảnh: Reuters. |
Linh hoạt nhiều giải pháp
Khả năng lây nhiễm nhanh chóng của biến thể Delta có thể khiến chính quyền phải ban hành lệnh đóng cửa các thành phố thường xuyên hơn, bất chấp thiệt hại về kinh tế.
So với các bang khác tại Australia, New South Wales dựa nhiều phương án truy vết người tiếp xúc gần.
Tại Melbourne, thành phố lớn thứ hai của Australia, các nhà chức trách lại dựa vào phương án phong tỏa toàn thành phố để phá vỡ chuỗi lây truyền.
Cách tiếp cận này đã thành công, nhưng cũng nhận chỉ trích là quá nặng tay và gây bất lợi cho doanh nghiệp.
Tiêm chủng cũng trở nên cấp thiết trong tình huống này bởi vaccine là cách để cuộc sống trở lại bình thường trước đại dịch.
Theo Our World in Data, chỉ 5% dân số Australia tiêm chủng đầy đủ, thấp hơn nhiều so với Mỹ hay Anh - nơi có tỷ lệ tiêm chủng đạt hơn 50%.
Trước đây, Australia kiểm soát dịch thành công bằng cách đóng cửa biên giới và yêu cầu người nhập cảnh cách ly tại khách sạn.
Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng của quốc gia này triển khai còn chậm, một phần là do lo ngại tác dụng phụ đông máu hiếm gặp của vaccine AstraZeneca.
Quan chức Australia hy vọng từ nay đến cuối năm, nước này sẽ tiêm ít nhất một liều vaccine cho số người đủ điều kiện chủng ngừa. Phân tích từ Cơ quan Y tế Cộng đồng Anh cho thấy hai mũi vaccine có thể bảo vệ cơ thể trước biến thể Delta.
Một số người khác vẫn cho rằng phương án cách ly những người tiếp xúc gần ca bệnh là hợp lý.
Sean Woodland, 51 tuổi và là một diễn viên hài, đã đến một quán rượu ở Sydney để dự sinh nhật một người bạn vào ngày 23/6. Ông quét mã QR trên điện thoại để xác nhận mình có mặt ở quán rượu.
Hai ngày sau, ông nhận được thông báo mình đã tiếp xúc với một ca bệnh tại quán rượu. Ông được yêu cầu đi xét nghiệm ngay lập tức và cách ly tại nhà 14 ngày.
Mặc dù không rõ sẽ phải xét nghiệm bao nhiêu lần trong khoảng thời gian 14 ngày, ông Woodland - người có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 - không có bất kỳ phàn nàn nào về việc truy vết người tiếp xúc gần.
Ông còn lo ngại về khả năng mình có thể lây lan virus corona trước khi tự cách ly. "Bạn có thể thấy virus corona nhanh chóng vượt tầm kiểm soát như thế nào”, ông chia sẻ. “Họ đã liên hệ với tôi nhanh nhất có thể”.