PGS TS Bùi Tất Thắng cho rằng cần phải nhận diện “biến số” Covid-19 trong việc lập kế hoạch sắp tới, đặc biệt là thiết lập “trạng thái bình thường mới”.
PGS TS Bùi Tất Thắng là Chánh văn phòng Tổ biên tập Tiểu ban văn kiện kinh tế - xã hội Đại hội Đảng XIII. Ông Thắng từng là Viện trưởng Viện Chiến lược (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), người có nhiều năm nghiên cứu về kinh tế và một trong những người thường trực xây dựng dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới và chiến lược 10 năm (2021-2030).
Ông chia sẻ với Zing nhiều quan điểm và đề xuất trong việc nhận diện “biến số” Covid-19 trong kế hoạch và chiến lược sắp tới, đặc biệt là phải xây dựng một trạng thái bình thường mới trong bối cảnh hiện nay.
- Ông đánh giá thế nào về bức tranh kinh tế - xã hội chịu sự ảnh hưởng của dịch Covid-19?
- Tôi đánh giá tình hình dịch bệnh hiện tại diễn biến thay đổi từng giờ, chứ không phải từng ngày. Trước đây, thế giới ghi nhận 1 tháng mới tăng lên 1 triệu ca nhiễm bệnh. Tuy nhiên hiện tại, chỉ mất 1 tuần tăng lên 1 triệu người, thậm chí chỉ mất khoảng 3 ngày. Đã có 3 nước có trên 1 triệu người mắc.
Tốc độ nghiêm trọng của dịch bệnh tăng lên gây ra hệ lụy tới kinh tế. Ngay từ rất sớm, tôi cho rằng phải coi đây là một cuộc khủng hoảng rất đặc biệt, cuộc khủng hoảng kép giữa kinh tế và y tế. Chúng ta từng chứng kiến rất nhiều cuộc khủng hoảng, nhưng nó chỉ thuần về kinh tế mà thôi. Lần này, nó là khủng hoảng kinh tế đi kèm khủng hoảng về y tế.
Hơn nữa, trong lịch sử kinh tế thế giới hiện đại, tính từ đầu thế kỷ XX đến nay, chưa có cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu thế này. Thậm chí, theo WHO, Covid-19 là dịch bệnh trăm năm mới gặp một lần, sức ảnh hưởng của nó e rằng kéo dài đến mấy mươi năm.
Do đó, những chính sách chống khủng hoảng kinh tế như bình thường trước đây là không mấy tác dụng. Vì ngay cả khi áp dụng tốt nhất các biện pháp đó thì phản ứng của dân chúng và thị trường trước hết không phải là phản ứng về kinh tế, mà là phản ứng về y tế, nghĩa là sẽ ưu tiên chọn duy trì sự sống an toàn.
- Vậy điều không bình thường trong ứng phó với cuộc khủng hoảng này là gì?
- Nghĩa là không thể chỉ đơn thuần đưa ra các gói kích thích kinh tế mà giải quyết xong vấn đề. Sinh mệnh con người phải lo trước tiên. Chúng ta phải tính đến yếu tố chống khủng hoảng kinh tế, trên cơ sở giải quyết khủng hoảng y tế, chứ không phải lo riêng cái nào được.
Thế giới đã có nhiều giải pháp quyết liệt, đặc biệt là các gói tài chính. Việt Nam được coi là phản ứng nhanh trong cuộc chiến chống Covid-19, chúng ta đã đưa ra “mục tiêu kép” rất nhanh chóng, nghĩa là vừa chống dịch, vừa đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế. Khẩu hiệu thì rất đúng trong bối cảnh hiện tại, tuy nhiên, mức độ thành công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Nếu xét về ngắn hạn từ tháng 1 đến giữa tháng 7, Việt Nam đã thành công cả 2 mục tiêu. Kết quả tăng trưởng kinh tế của chúng ta có kém hơn rất nhiều so với năm ngoái, nhưng so với thế giới thì là một thành công trong bối cảnh dịch Covid-19.
Tuy nhiên, sau tháng 7, dịch bùng phát trở lại từ Đà Nẵng sẽ đặt ra bài toán đạt được “mục tiêu kép” trong thời gian sắp tới.
- Dịch Covid-19 đã giúp chúng ta nhìn nhận những vấn đề tồn tại của nền kinh tế như thế nào?
- Tôi thấy có một số vấn đề đang đặt ra trong bối cảnh này.
Thứ nhất, cơ cấu kinh tế của chúng ta đã có sự chuyển dịch nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Phần kinh tế mà Việt Nam làm chủ được chủ yếu là nông nghiệp và dịch vụ. Thậm chí, những dịch vụ chúng ta làm chủ lại không phải là dịch vụ cao cấp.
Thứ hai, về công nghiệp, Việt Nam cơ bản phụ thuộc nhiều vào khối FDI. Trong dịch Covid-19 thấy rõ việc nhiều doanh nghiệp thiếu nguyên liệu dự trữ cho sản xuất. Thậm chí trong thời gian sắp tới, nhiều doanh nghiệp sẽ vẫn còn bị thiếu nguyên liệu.
Thứ ba, nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao lại phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài. Thậm chí, những công nghệ không quá cao siêu cũng phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài. Điều này bộc lộ sự hạn chế trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và vấn đề làm chủ công nghệ.
Thứ tư, nhiều doanh nghiệp đang phải sản xuất cầm chừng vì dịch Covid-19 đối mặt với việc giữ chân người lao động. Họ nói đành chấp nhận việc cho công nhân nghỉ, vì không có việc, nhưng rất muốn giữ công nhân. Chỉ công nhân đã làm cho họ mới có thể giúp công ty phục hồi nhanh sau khi thị trường được nối lại. Nếu không, doanh nghiệp sẽ phải tuyển dụng mới, đào tạo, lấy lại đà rất tốn kém và mất thời gian.
Thứ năm, kinh tế có độ mở rất lớn, phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Nếu sản xuất ra mà không bán cho nước ngoài được thì các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Bây giờ, thị trường nước ngoài là thứ chúng ta không kiểm soát được. Dịch ảnh hưởng đặc biệt đến chính những thị trường có quan hệ bạn hàng lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản…
Thứ sáu, một vấn đề nữa tôi lo ngại là những người thiếu việc làm do dịch ở nước ta chủ yếu là lao động phổ thông, “ráo mồ hôi là hết tiền”, dự trữ của họ không có nhiều. Rất nhiều ngành sản xuất thâm dụng lao động như dệt may, da giày, chế biến nông sản… đang thiếu việc làm, ảnh hưởng đến các ngành khác như tiêu dùng, dịch vụ… Người lao động đứng trước câu hỏi không biết bao giờ có thể vượt qua được khó khăn hiện tại, vì tương lai bất định. Tôi cho rằng điều này tiềm ẩn những vấn đề xã hội phức tạp.
- Ông có dự báo gì về sự thay đổi của kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch?
- Tôi cho rằng dịch Covid-19 chỉ là sự cố tác động đến cách thức vận hành định chế kinh tế hiện tại. Khi đó, cách thức vận hành có mặt mạnh nào thì lộ rõ, còn mặt hạn chế cũng được phơi bày, đòi hỏi phải thay đổi.
Dịch Covid-19 rồi cũng phải qua đi, thế giới, con người có thể chịu thảm họa, nhưng nó sẽ phải kết thúc. Có thể virus sẽ đồng hành nhưng loài người không sợ nó nữa, khi có vaccine sẽ khống chế được. Khi đó, kinh tế sẽ lại trở lại trạng thái bình thường, nhưng là bình thường mới.
- Vậy “trạng thái bình thường mới” có phải là câu chuyện mà chúng ta cần nói rõ trong văn kiện sắp tới?
- Đúng vậy, nhiều ý kiến đang cho rằng cần làm rõ nội hàm của trạng thái bình thường mới là như thế nào.
Cá nhân tôi cho rằng trạng thái bình thường mới có nghĩa chúng ta vẫn phải làm kinh tế nhưng khác giai đoạn trước. Trước đây, chúng ta chỉ lo làm kinh tế, nhưng lần này phải khôi phục kinh tế nhưng luôn luôn cảnh giác, canh chừng với việc dịch bệnh có thể quay trở lại.
Quả nhiên, bài học dịch bùng phát dịch lần 2 ở Đà Nẵng cho chúng ta thấy rất rõ nếu trong quá trình khôi phục kinh tế mà không cảnh giác, sẽ có thể bị mất những thành quả đó.
Trạng thái bình thường mới còn phải hiểu ở khía cạnh nữa là không chỉ mình lo cho mình, mà phải lo cho cả các đối tác. Nếu các đối tác bị ảnh hưởng của dịch bệnh, chính là ảnh hưởng đến chúng ta. Phương ngôn “lo cho bạn chính là lo cho mình” đúng hơn hết vào trường hợp này. Chúng ta cần chung tay cùng các đối tác, rộng hơn là cả nhân loại để lo việc chung.
Từ lâu, chúng ta đã nói đến việc trong thời đại ngày nay có nhiều vấn đề toàn cầu. Dịch bệnh chính là một vấn đề toàn cầu, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, chiến tranh và hòa bình… không chỉ ảnh hưởng đến riêng nước nào. Nếu đói nghèo phổ biến thì là thách thức của toàn cầu.
- Vậy các dự thảo văn kiện đại hội Đảng đã tính đến “biến số” Covid-19 và “trạng thái bình thường mới” thế nào?
- Dự thảo văn kiện, đặc biệt là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới (2021-2025), chiến lược phát triển 10 năm (2021-2030) đã hoàn thành. Hiện nay đã gửi tới đại hội các cấp ở địa phương để thảo luận, góp ý. Bản thảo đó xây dựng và hoàn thành vào cuối năm ngoái, các số liệu, tình hình đều dự tính trên nền tảng chung là chưa có dịch Covid-19.
Theo đó, chúng tôi ước tính tăng trưởng GDP cho năm 2020 không quá cao lên, cũng không quá thấp. Lúc đó, cơ bản tạm tính bằng năm 2019, các chỉ tiêu khác cũng vậy.
Dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, lan ra toàn cầu. Việt Nam lúc đó có ít người bị nhiễm, khống chế một cách tương đối tốt. Trước khi dịch bùng phát lại vào Đà Nẵng, Việt Nam là biểu tượng thành công trong khống chế dịch bằng cách ly xã hội, kiểm soát lượng người nhập cảnh vào.
- "Biến số” Covid-19 và “trạng thái bình thường mới” nếu có sẽ được thể hiện ở văn kiện như thế nào?
- Chúng tôi, với tư cách là các nhà nghiên cứu, đã đề xuất chỉnh sửa văn kiện, có mục riêng dành cho năm 2020 với sự cố Covid-19. Nó không chỉ là biến cố rất đặc biệt, mà còn sẽ ảnh hưởng đến nhiệm kỳ sau.
Trong kế hoạch 5 năm sắp tới, tôi nghĩ ít nhất phải một nửa thời gian là chịu ảnh hưởng sâu sắc của đợt suy thoái này. Đó mới là giả định của việc khống chế dịch trong năm nay. Nếu không khống chế được, chúng ta có thể phải mất nhiều thời gian hơn.
Chúng ta sẽ cố gắng tối đa đạt kết quả cao nhất, nhưng có những bối cảnh khách quan, không phụ thuộc vào những cố gắng chủ quan của chúng ta. Do vậy phải tính đến, tính kế hoạch kinh tế - xã hội lâu dài.
Ví dụ dung lượng thị trường quốc tế, chúng ta có cố gắng đến mấy thì chỉ khắc phục được phần nào, chứ không thay thế được. Đó là nhân tố hoàn toàn khách quan.
Trạng thái bình thường mới, đòi hỏi chúng ta phải có tinh thần cao hơn rất nhiều lần trước đây. Có lẽ phải “tận nhân lực” thì mới “tri thiên mệnh” được. Phải cố gắng hết sức mình, có kết quả mới thấy các quy luật khách quan gây khó khăn cho mình đến đâu.
- Ông có thể nói rõ hơn, cách viết trong văn kiện sẽ được thể hiện như thế nào với “biến số” này?
- Cá nhân tôi nghĩ đến 2 phương án.
Phương án 1, sau khi hết quý III của năm nay, chúng ta ước lượng tình hình kinh tế của năm 2020, rồi tính như một năm thành phần bình thường của kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm. Kết quả của cả giai đoạn sẽ được tính bình quân.
Nhược điểm của phương pháp này là không rõ hết bản chất của 9 năm (2011-2019 và giai đoạn 4 năm trước năm 2020, cộng thêm không rõ giải pháp cho trạng thái bình thường mới của 5 năm sau..
Phương án 2 là tách năm 2020 thành một phần riêng biệt. Khi phân tích 10 năm thì ghi một phần là giai đoạn 2011-2019, tính 5 năm thì ghi giai đoạn 2016-2019, và tách riêng năm 2020 thành một khổ riêng vì nó rất đặc biệt. Bối cảnh kinh tế, chính trị, quốc tế diễn biến phức tạp khó lường, nó là minh chứng của sự khó lường.
Đây không phải là bệnh thành tích, không phải giữ mức tăng trưởng cả giai đoạn khỏi bị tụt xuống, mà phải phân tích kiểu như vậy thì mới tìm ra được giải pháp cho giai đoạn bình thường mới cho 5-10 năm tới. Chúng ta cần đánh giá tác động chi phối của dịch, và có lẽ kế hoạch 5 năm phải xem xét kỹ hơn một số vấn đề mới.
Có thể chúng ta sẽ phải áp dụng trạng thái bình thường mới ít nhất một nửa thời gian nhiệm kỳ tới, từ đó đưa ra các giải pháp đặc biệt. Những giải pháp đặc biệt đưa ra rất cụ thể, thì nội dung sẽ minh bạch, sáng rõ, và không sợ nói là tách ra để đảm bảo thành tích. Bên cạnh chính sách định hướng dài hạn thì phải có giải pháp chống đỡ với tình huống khó lường nếu xuất hiện.
- Theo ông, những chính sách gì để phát triển kinh tế - xã hội trong kế hoạch sắp tới cần được nhấn mạnh?
- Trong ngắn hạn sắp tới, tôi cho rằng phản ứng của giới kinh doanh là co lại. Ngay cả những người có khả năng, họ cũng không vội kinh doanh vì thị trường hẹp quá, co cụm lại. Khởi nghiệp lúc này là một rủi ro lớn, chỉ trừ một số lĩnh vực công nghệ sẽ được hưởng lợi. Vì vậy, những giải pháp khuyến khích bằng tài chính, tiền tệ ít phát huy tác dụng.
Như tôi nói ở trên, vì nó không phải là cuộc khủng hoảng kinh tế thông thường để dùng những biện pháp thông thường, mà là cuộc khủng hoảng rất đặc biệt, không có kinh nghiệm trong khoảng 500 năm nay.
Tất nhiên, muốn duy trì được kinh tế thì vẫn phải có đầu tư. Trước đây, trong trạng thái kinh tế bình thường thì phải khuyến khích giảm đầu tư công, khuyến khích đầu tư xã hội. Lần này tự bản thân xã hội không có hứng đầu tư, co cụm lại, thì Nhà nước, đầu tư công phải xuất hiện.
Đây cũng là một cái không bình thường trong trạng thái bình thường mới.
Nhưng việc giải ngân đầu tư công thì hiện gặp một số vướng mắc, trong đó có các quy định chưa nhất quán giữa các văn bản pháp lý, do vậy, phải có giải pháp về thể chế để khơi thông đầu tư công. Nếu không có đầu tư công thay thế thì kinh tế sẽ khó phục hồi nhanh được
- Nhiều ý kiến nói rằng nhiệm vụ lớn nhất đầu nhiệm kỳ tới là phục hồi kinh tế. Theo ông, chúng ta cần làm gì trong bối cảnh đó?
- Tôi cho rằng cần phải đẩy nhanh 2 việc.
Thứ nhất, cần siết lại những lỏng lẻo về thể chế. Một mặt, cần rà soát lại ngay những điểm còn chồng chéo, khác biệt, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật để đảm bảo tính thống nhất, nhất quán trong chính sách. Mặt khác, cần phải đảm bảo một cơ chế rành mạch hơn trong phân quyền, ủy quyền trong hệ thống bộ máy. Cần có cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, phải có nghiên cứu cơ bản, phải có một cơ quan nghiên cứu phục hồi kinh tế, duy trì kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Phải xác định doanh nghiệp nào cần cứu trợ để có chính sách phù hợp, kịp thời.
Ngân sách thì hữu hạn nên phải xác định được những doanh nghiệp nào, ngành nào thực sự cần thiết để có chính sách cứu trợ kịp thời. Chúng ta không có nguồn lực cứu tất cả doanh nghiệp, nên phải có một cơ quan tham mưu, chính là phản ứng chính sách trong bối cảnh bình thường mới. Bình thường mới trong giai đoạn có dịch và sau giai đoạn có dịch vẫn phải kéo dài.
- Vậy nhiệm kỳ sau chúng ta vẫn phải tính toán lại mục tiêu tăng trưởng cao nhất có thể?
- Cao nhất có thể có lẽ phải tính toán lại cụ thể là bao nhiêu, phải dựa trên căn cứ khoa học. Tuy nhiên, mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 5.000 USD/năm vào năm 2025 đã có trong dự thảo được xây dựng là mục tiêu mà tổ biên tập, tiểu ban văn kiện mong muốn nhất.