Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Biển người viếng Đại tướng sáng và trưa 12/10

Đúng 12h, một cán bộ ở khu vực nhà tang lễ thông báo sẽ dừng cho người dân vào viếng. Tuy nhiên, trước sự mong mỏi vào được tiễn tướng Giáp lần cuối, cảnh sát lại tiếp tục cho người dân vào.

Xem Trực tiếp lễ viếng chiều 12/10.

Nội dung tường thuật sáng 12/10:

  • Linh cữu và di ảnh Đại tướng trong nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, sáng ngày 12/10. 1 giờ trước khi chính thức Lễ viếng.
  • "5h30 sáng nay, gia đình Đại tướng đã rời nhà riêng  để đến nhà Tang lễ", Phóng viên Anh Tuấn, có mặt tại 30 Hoàng Diệu, cho biết.
  • "6h sáng nay, trong nhà riêng Đại tướng, tiếng kèn quân nhạc Quốc ca vang lên, rất nhiều người dân đứng ngoài sau phút nghiêm trang đã sụt sùi vái vọng".
  • Mọi thứ đã sẵn sàng tại Nhà tang lễ.
  • Ông Nguyễn Quốc Triệu, trưởng ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương, thành viên ban lễ tang Đại tướng.
  • Người dân được thông báo có thể viếng Đại tướng tại Nhà tang lễ lúc 15h chiều nay, 12/10. Bắt đầu xếp hàng từ đường Trần Khánh Dư.
  • Rất đông người dân dù biết 15h sẽ được vào viếng, nhưng vẫn tập trung quanh hàng rào trước nhà tang lễ sáng nay.
  • Người nhà đã tới và chít khăn tang, chuẩn bị bắt đầu lễ viếng.
  • Từ 5h sáng nay, người thân của Đại tướng ở quê nhà ở Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cũng đã chít khăn tang Đại tướng.
  • Người nhà của Đại tướng ở Lộc Thủy nghẹn ngào.

     


  • Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng có mặt rất sớm tại Nhà tang lễ
  • Thời tiết tại Hà Nội không mưa, nhiệt độ 25 độ C, độ ẩm 78%.

  •  

    "Cùng lúc này, ở TP.HCM, Lễ viếng Đại tướng ở Hội trường Thống Nhất (135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé, quận 1); và tại quê hương Đại tướng là Hội trường UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã chuẩn bị bắt đầu" - Phóng viên Phạm Hòa và Trường Nguyên ở các khu vực này cho biết.

  • Người thân của Đại tướng với khăn trắng trên đầu tiến vào Hội trường UBND tỉnh Quảng Bình, nơi diễn ra Lễ viếng Đại tướng từ 7h30 đến 21h.

     

  •  

    Cũng từ hôm nay 12/10, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài lập bàn thờ, mở sổ tang để công dân Việt Nam và bạn bè quốc tế tới viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

  • Một người dân chờ đến giờ viếng ở TP.HCM
  • Đoàn gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuẩn bị viếng tại Quảng Bình

     

  • Các lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước chuẩn bị vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Hoàng Hà.
  • "Đúng 7h30 theo dự kiến, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc diễn văn bắt đầu lễ viếng" - Phóng viên Lê Tú từ Nhà tang lễ cho biết.

  • Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, dẫn đầu đoàn Ban chấp hành TW Đảng, là đoàn đầu tiên vào viếng. Tổng bí thư đã dành một phút mặc niệm xúc động trước linh cữu Đại tướng.

  • Giáo sư Vũ Khiêu (Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam) ngồi trên xe lăn đến tham dự Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

     

  • Dàn quân nhạc cử bài Hồn tử sĩ trong Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

    Nghe tác phẩm Hồn tử sĩ của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước trên Zing MP3 tại đây

  • Tiếp theo là đoàn chủ tịch nước, do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu vào viếng. Cùng lúc này, nhiều người dân bên ngoài nhà tang lễ, sau khi nghe dứt giai điệu Hồn tử sĩ, cũng đã rơi lệ.
  • Đoàn UB thường vụ Quốc hội, do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đứng đầu, đã vào viếng.
  • Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.

  • Người dân có thể theo dõi trực tiếp lễ viếng qua màn hình LED lớn đặt tại vườn hoa Pasteur.
  • Tại Hoàng Diệu, hội đồng hương Quảng Bình đã tập trung trước cửa nhà riêng Đại tướng và nghiêng mình kính cẩn trước vong linh Người.
  • Đoàn UBND mặt trận tổ quốc Việt Nam, do ông Vũ Trọng Kim dẫn đầu, đã vào gần linh cữu và cúi đầu trước vong linh Đại tướng.
  • Bài thơ của bạn đọc Hoàng Hải:

    Tiếc thương tiễn Bác ra đi
    Trời Nam đất Việt, sầu bi lệ dài
    Đất nước vắng bóng nhân tài
    Muôn đời nhớ mãi, hình hài thân thương !

    Xem thêm ở phần bình luận bài viết

  • Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vào viếng. Ảnh: Hoàng Hà.
  • Phóng viên báo chí tham dự đưa tin Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Hoàng Hà.

  • Từ tháng 1/1980, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Phó thủ tướng thường trực; từ tháng 4/1981 đến tháng 12/1986, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ).

  • @ Pe Ngoc

    Nghẹn ngào từ biệt đại tướng. Vị anh hùng dân tộc.

  • Hình ảnh từ bên trong hội trường Thống Nhất (TP.HCM). Ảnh của độc giả Oanh Nguyen.
  • Người Quảng Bình xếp hàng dài đứng dưới cơn mưa để chờ vào viếng Đại tướng, người con của quê hương. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

     

     

  • Đoàn Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng vào viếng. Ảnh: Hoàng Hà

     

  • Bà Lê Thị Kim Loan, 56 tuổi,  Lý Thường Kiệt, cựu chiến binh đoàn 403 Hải Quân,  kính tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp 103 tuổi, giao thừa xuân 2013 Quý Tỵ.

    Mùa xuân này con nhớ bác khôn nguôi
    Nỗi nhớ chất chồng như bề dày trái đất
    Chẳng hiểu vì sao con nhớ thương da diết
    Như mùa xuân đợi cánh én bay về

    Vẫn nằm nghe tiếng mầm rễ đâm chồi
    Con biết rằng sự sống vẫn tiềm tàng trong đất
    Con lại ước với lòng chân thật
    Sức lực của người cũng tựa những chồi cây
    Ngôi sao hôm tỏa sáng hóa sao mai
    Không thể tắt chỉ chuyển dời trong vũ trụ

    Con lại ước phép nhiệm màu bất tử
    Để không bao giờ bác phải đi xa
    Với con bác là vì sao sáng mãi không già
    Trí lực Bác cả đời con mơ ước
    Là điểm tựa là mạch nước ngầm trong dân
    Ôi vị cha già vị đại tướng toàn quân

    Bài thơ viết đúng giao thừa năm Quý Tỵ (2013).

  • Tháng 3/1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp là Chủ tịch Quân sự, Ủy viên trong Chính phủ Liên hiệp; khi thành lập Quân ủy Trung ương, được cử làm Bí thư Quân ủy Trung ương. Tháng 10/1946, là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng Chỉ huy Quân đội Nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam. Tháng 1/1948, Đại tướng được phong quân hàm Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.

  • Bà Lê Thị Kim Loan và bức ảnh chụp cùng Đại tướng năm 2005.
  • Các cháu thiếu nhi ở Tp. Hồ Chí Minh vào viếng Đại tướng (ảnh do bạn đọc Nguyễn Thị Oanh gửi)

     

  • Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào viếng Đại tướng. Ảnh: Hoàng Hà

     

  • Ông Tim Page – nhiếp ảnh gia nổi tiếng, sáng lập viên của “Quỹ tưởng niệm báo chí nhiếp ảnh Đông Dương IMMF” cũng có mặt từ rất sớm để chụp ảnh lễ viếng Đại tướng. Tuy nhiên ông cũng chỉ đứng ờ khu vực ngoài vùng cấm. Ông rất ấn tượng và ngưỡng mộ tài năng đức độ của Đại tướng.

    “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người vĩ đại, Người đã mang đến cách suy nghĩ mới, tương lai mới cho đất nước ngày”, nhiếp ảnh gia Tim Page chia sẻ.

  • Hình ảnh tại Quân đoàn 1 ở Ninh Bình (bạn đọc Vũ Thắng gửi về cho Zing News qua email)

     

  •  Thời tiết bên ngoài ở HN nắng nhẹ. Đầu phố các lối dẫn vào khu vực nhà tang lễ được các lực lượng kiểm tra chặt chẽ. Tuy nhiên nhiều người dân vẫn đứng bên ngoài hàng barrie chờ đợi ngóng tin.

  • Dòng người ở Tp. Hồ Chí Minh mang ảnh đến Hội trường Thống nhất viếng Đại tướng (ảnh bạn đọc Nguyễn Thị Oanh gửi)

     

  • Đoàn Bộ Công an do Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an dẫn đầu vào viếng. Ảnh: Duy Hoàng

     

  • Dòng người nối dài xếp hàng trước Hội trường Thống Nhất vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: Trường Nguyên

     

  • Đoàn lãnh đạo thành phố Hà Nội do Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị và Chủ tịch ủy ban nhân dân TP Nguyễn Thế Thảo vào viếng.
  • Ông Tim Page, nhiếp ảnh gia nổi tiếng, sáng lập viên của “Quỹ tưởng niệm báo chí nhiếp ảnh Đông Dương IMMF”, cũng có mặt từ rất sớm để chụp ảnh lễ viếng Đại tướng tại Nhà tang lễ Quốc gia. Ảnh: Hoàng Hà

     

     

     

  • Trước cửa nhà 30 Hoàng Diệu, rất đông người vẫn đến tri ân. 
  • “Từ năm 1944-1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất. Ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính qui. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có” - Đại tướng Peter MacDonald, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh.

  • “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam; quyết chiến và toàn thắng” - Mệnh lệnh nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

  • Clip người dân Quảng Bình xếp hàng dài dưới mưa chờ vào viếng


  • Ông Nguyễn Văn Đam (77 tuổi) luôn ghi lòng tạc dạ lời dạy của Đại tướng "Giúp bạn là giúp mình" khi được Đại tướng phân công qua nước bạn Lào công tác (ảnh bạn đọc Nguyễn Thị Oanh cung cấp)

     

  • "Hiện tại TP Đồng Hới (Quảng Bình) đang mưa nặng hạt, nhưng người dân vẫn tiếp tục xếp thành hàng dài chờ viếng Đại tướng", PV Phạm Hòa từ Hội trường UBND tỉnh Quảng Bình cho biết.

    Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, vào sáng nay, Quảng Bình có mưa rào, nhiệt độ 27 – 29 độ C; buổi chiều không mưa, nhiệt độ 23 - 25 độ C.

  • Chị Võ Hồng Vân, ở tỉnh Nakhon Thái Lan, là cháu gọi Đại tướng bằng ông, chia sẻ: "Bà con Việt kiều ở Thái Lan một lòng hướng về quê nhà và đất nước. Khi chúng tôi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, kiều báo Thái nói chung và gia đình chúng tôi cảm thấy một điều gì đó mất mát rất lớn lao. Ở bên đó, từng tỉnh, từng vùng, bà con kiều bào cũng tổ chức mặc niệm và tưởng nhớ đến Đại tướng".

  • Gia đình Phu nhân Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh viếng Đại tướng tại hội trường Thống Nhất. Ảnh độc giả Oanh Nguyen gửi qua thư điện tử.
  • "Hàng trăm người dân vừa được vào trong vườn hoa Pasteur để theo dõi diễn biến Lễ viếng trong nhà tang lễ Quốc gia (Hà Nội) qua màn hình LED" - Phóng viên Hà Tuấn Anh cho biết.
  • Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết hôn lần đầu với bà Nguyễn Thị Quang Thái (em gái bà Nguyễn Thị Minh Khai) năm 1934 và có một người con gái là Võ Hồng Anh (1939-2009), một tiến sĩ khoa học ngành Toán - Lý từng đoạt giải thưởng Kovalevskaia năm 1988.

    Sau khi bà Quang Thái hy sinh, năm 1946, Tướng Giáp kết hôn với giáo sư Đặng Bích Hà, con gái của giáo sư Đặng Thai Mai. Ông bà có 4 người con, 2 gái và 2 trai.

  • Ông Đinh Hữu Phương, sinh năm 1946, mang theo bức thư họa tri ân Đại tướng, vào vườn hoa để theo dõi Lễ viếng.
  • Đoàn đại biểu Mozambique và Algeria vào viếng.
  • “Tài năng chiến lược của Tướng Giáp đã đặt ông vào ngôi đền của những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại. Sau Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20... Ông ấy giống như một vị thánh. Không có gì khiến ông phải chấp nhận thất bại”
    Nhà báo kiêm sử gia người Mỹ Stanley Karnow.

  • Hình ảnh phía trong nhà tang lễ. Ảnh: Hoàng Hà.
  • Người dân bày tỏ lòng thành kính trước nhà Tang lễ Quốc gia, Hà Nội.
  • Bà Quế Thị Nhung (79 tuổi) từ huyện Yên Thành (Nghệ An) bắt tàu đi một mình vào viếng Đại tướng tại Quảng Bình. Bà Nhung có nguyện vọng được ra sân bay Đồng Hới đưa tang Đại tướng và hơn nữa la muốn nhìn thấy linh cữu Đại tướng.

  • "Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đồng chí. Nguyện mãi học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong và tấm gương hết lòng vì nước, vì dân của Đồng chí", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết trong Lưu bút sổ tang. Ảnh: Hoàng Hà

  • “Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannibal, rồi đến thời cận hiện đại với Kutuzov, Jukov,... những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”

    Duncan Townson, sách Những vị tướng lừng danh

  • Clip toàn cảnh Lễ viếng Đại tượng tại Hội trường Thống nhất (TP.HCM)


  • "Dọc đoạn phố Trần Thánh Tông - lối vào nhà tang lễ, hơn 100 sinh viên đến từ nhiều trường được huy động đến đứng dọc 2 bên đường để ngăn những người không có nhiệm vụ vào bên trong. Họ cho biết đã dậy từ 4h sáng hôm nay. Lúc này, nhiều người dân vẫn đang theo dõi qua màn hình LED", Phóng viên Hà Tuấn Anh chia sẻ.

  • Đoàn Tổng cục hậu cần, do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Phú làm trưởng đoàn, vào viếng.
  • Chị Trần Thị Mỹ Hạnh sinh ra từ quê hương của Đại tướng (Lệ Thủy, Quảng Bình) nhưng sống ở Tp. Hồ Chí Minh. Không có điều kiện về quê Quảng Bình tham dự đám tang Đại tướng nên từ sáng sớm hôm nay, chồng chị đã chở 2 mẹ con đến Hội trường Thống Nhất để viếng. Trong ảnh bạn đọc Oanh gửi về, do quá đông nên gia đình chị đang ngồi ở khu vực xung quanh đợi.

     

  • Cụ Hoàng Thị Vỹ cùng một người bạn xúc động sau khi vào viếng Đại tướng ở Quảng Bình. Ảnh: Phạm Hòa

  • Lượng người đổ về viếng Đại tướng ở Hội trường Thống Nhất ngày một đông. Quảng trường trước Dinh Độc lập chật kín

  • Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết trong sổ tang: "Là vị tướng của nhân dân, được nhân dân yêu mến, kính trọng, tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc. Là một biểu tượng tiêu biểu của chủ nghĩa anh hùng cánh mạng Việt Nam, đấu tranh không mệt mỏi vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới, đồng chí còn là một vị tướng huyền thoại được bạn bè quốc tế vinh danh, ngưỡng mộ và khâm phục.

    Trước anh linh đồng chí, chúng tôi nguyện cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chung sức đồng lòng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, hoàn thành mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như tâm nguyện suốt đời của đồng chí".

  • Một người dân khóc nức nở trên đường vào nhà tang lễ Quốc gia, Hà Nội.
  • Bác Phan Đân (78 tuổi) cựu chiến binh Sư đoàn 324 quân khu Trị Thiên đứng dưới trời mưa Quảng Bình chờ tới lượt vào người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

     

  • Dòng người nối dài từ đường Lê Duẩn tiếp tục hướng về Hội trường Thống Nhất để viếng Đại tướng. Ảnh: Khánh Trung

     

  • Năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho toàn quyền chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi ra trận, Hồ Chí Minh đã dặn dò: "Cho chú toàn quyền chỉ huy. Trận này chỉ được thắng không được thua vì thua là hết vốn". Tướng Giáp lên kế hoạch và chỉ huy 4 trong 6 sư đoàn bộ binh khi đó của Quân đội Nhân dân Việt Nam là 308, 304, 312, 316 và Đại đoàn sơn pháo 351 tấn công Điện Biên Phủ, đánh bại đội quân nhà nghề được trang bị hiện đại của Liên hiệp Pháp.

    Nghe ca khúc Giải Phóng Điện Biên của Nhạc sĩ Đỗ Nhuận trên Zing MP3 tại đây

  • Các con của Đại tướng bên thi hài sau lễ di quan: Ảnh: Quân Đội Nhân Dân

     

  • "10h35, Đoàn ngoại giao tại Hà Nội đến từ nhiều nước vào làm Lễ. Lúc này, ngoài vườn hoa Pasteur nhiều người dân dùng bánh mì, nước lọc tranh thủ ăn bữa trưa. Cả trăm người vẫn chăm chú theo dõi sự kiện qua màn hình led dù thời tiết khá oi bức", PV Tuấn Anh tại khu vực Nhà tang lễ Quốc gia cho biết.

  • Đoàn lễ viếng đến từ tỉnh Tuyên Quang vào viếng Đại tướng. Tuyên Quang - Thủ đô khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến là nơi ghi rất nhiều dấu ấn, kỷ niệm trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Hoàng Hà

     

  • Clip người dân viếng Đại tướng tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, quê hương của Đại tướng

  • "10h45, Ban tổ chức Lễ tang đã thông báo cho người dân vào viếng Đại tướng lần thứ nhất. Hàng trăm người nhanh chóng xếp thành hai hàng nối dài nhau hơn một km để chuẩn bị vào thắp nén nhang tiễn biệt người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh", PV Tuấn Anh từ khu vực Nhà tang lễ Quốc gia thông báo.

  • Hàng nghìn người dân đã đến khu vực Nhà tang lễ Quốc gia đầu sáng sớm để mong chờ được vào viếng Đại tướng. Ảnh: Tuấn Anh

     

     

  • Một người phụ nữ ngất xỉu sau khi vào viếng ở Hội trường Thống Nhất. Ảnh: Khắc Thành

  •  

    "Tôi đến xếp hàng từ sáng sớm, may mắn giờ đã sắp được vào viếng bác", bác Nguyễn Thị Hiển, 81 tuổi, nói.

     

  • "8h sáng nay em đã có mặt ở khu vực Nhà tang lễ để đợi đến buổi chiều vào viếng Tướng Giáp, nhưng không ngờ lại được vào viếng sớm hơn dự kiến. Cảm giác của em lúc này hồi hộp và vinh dự lắm vì lần đầu, cũng là lần cuối được gặp vị Tướng tài giỏi của dân tộc ta và thế giới", Lê Văn Phú, 22 tuổi, sống cách nhà tang lễ chừng 500m, nói với PV Tuấn Anh.

  • "Người dân tiếp tục đổ về xếp hàng quanh khu vực Nhà tang lễ Quốc gia, nơi đặt thi hài Đại tướng. Hàng người đã nhanh chóng kéo dài nhiều km. Lực lượng tình nguyện liên tục nhắc nhở người viếng không được sử dụng điện thoại, máy ghi hình bên trong khu vực viếng" Phóng viên Lê Tú, cập nhật từ hiện trường.
  • Hiện tại, quanh khu vực nhà tang lễ, hàng trăm sinh viên tình nguyện đang tận tụy đứng chỉnh hàng lối và hướng dẫn người dân vào viếng lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

  • Một giám đốc người Nhật Bản chia sẻ vô cùng vinh dự khi được vào dâng hương Đại tướng ở Quảng Bình. “Qua sách vở, tài liệu lịch sử, tôi rất ngưỡng mộ Tướng Giáp dù chưa có bao giờ gặp được vị Tướng lừng danh của các bạn”.

  • Trước đó, theo thông báo của Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ 15h đến 21h là dành cho các đoàn viếng còn lại và các cá nhân.

  • Khoảng vài chục người dân đầu tiên đã được đặt chân vào cổng nhà tang lễ Quốc gia. Bên trong lúc này, một số tỉnh thành vẫn đang tiếp tục làm lễ.

  • Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng, ghi trong sổ tang: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương sáng để đồng bào cả nước, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ toàn quân kính trọng, yêu quý, học tập và làm theo. Trong những ngày đau thương này, toàn quân xin nguyện luôn đoàn kết, giữ vững truyền thống, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ như lời căn dặn của Đại tướng lúc sinh thời. Xin dâng nén tâm nhang để tiễn biệt Anh Văn về nơi yên nghỉ ngàn thu với đất mẹ Quảng Bình”

  • 11h15, những người dân đầu tiên đã vào đến sân nhà tang lễ Quốc gia, chờ vào trước linh cữu Đại tướng. Hàng người bên ngoài kéo dài nhiều km. Có người đã khóc khi vừa bước chân qua cửa.

  • Ông Ngô Xuân Thanh, cựu chiến binh từ Thanh Hóa lên viếng Đại tướng đã khóc nức nở khi vừa được bước chân qua cổng vào Nhà tang lễ Quốc gia. Ảnh - Hoàng Hà

     

  • Đoàn người đầu tiên được vào trước linh cữu Đại tướng. Ảnh: Hoàng Hà
  • Dòng người xếp hàng ngay ngắn nối tiếp nhau dưới thời tiết nắng thu vàng Hà Nội để tiến vào Nhà tang lễ. Ảnh: Hoàng Hà
  • Đoàn Thanh niên tình nguyện, sau nhiều ngày phục vụ đồng bào vào viếng vị Tướng tài ba của dân tộc, giờ đây cũng được vào cúi đầu kính cẩn trước linh cữu Đại tướng. Ảnh: Hoàng Hà
  • Hàng người đã nối sang tới Trần Hưng Đạo. Ảnh: Hoàng Thành.
  • Người cựu chiến binh vẫn không giấu nổi cảm xúc sau khi được vào viếng người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà
  • Người dân đầu tiên đã vào bên trong hội trường để viếng Tướng Giáp.

  • Dòng người cúi mình lặng lẽ vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữa trưa nắng. Trong số này, có nhiều người già và trẻ nhỏ. Bên ngoài vườn hoa, cả nghìn người vẫn kiên nhẫn chờ để được vào.

  • Bác Đinh Thị Nhiên (SN 1963) một trong những người dân đầu tiên vào viếng Đại tướng chia sẻ: "Biết ơn Đảng và Chính phủ đã tạo điều kiện cho người dân như tôi được vào viếng Đại tướng lần cuối. Tôi thật sự xúc động, nếu có thể tôi ước Đại tướng sống thêm vài chục năm nữa cho dân giàu nước mạnh".

  • Đội U19 cùng trưởng đoàn Dương Nghiệp Khôi tại Nhà tang lễ Quốc gia.
  • Chỉ có nửa tiếng để vào viếng, nhiều người vẫn cố chờ.
  • Đúng 12h, một cán bộ cảnh sát làm nhiệm vụ ở khu vực nhà tang lễ thông báo sẽ dừng cho người dân vào viếng Tướng Giáp, cửa sẽ mở lại cho đồng bào lúc 15h. Tuy nhiên, trước sự mong mỏi vào được tiễn tướng Giáp lần cuối, cảnh sát cho biết tiếp tục cho người dân vào.

  • Những người may mắn được vào viếng Đại tướng giữa trưa ngày 12/10.
    Nhập mô tả cho video
  • Người trong hàng ăn vội bánh mỳ trong hàng người đứng giữa trưa nắng.
  • Đội tuyển bóng đá U19 Việt Nam chuẩn bị vào viếng. Trước đó, đêm 10/10, sau khi từ Malaysia về tới nhà của Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu (Hà Nội), U19 cũng đã vào viếng Tướng Giáp. Ảnh: Hoàng Hà

  • Uống vội hớp nước dưới nắng, chờ đến lượt vào viếng Đại tướng.
  • Cụ Nguyễn Thị Hòa, 87 tuổi, khiến nhiều người trước cửa nhà Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu, Hà Nội, không khỏi xúc động.
  • Trường đại học Tôn Đức Thắng (Tp. HCM) sáng nay tổ chức lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ảnh do bạn đọc Lê Hoàng gửi qua email)

     

  • Hình ảnh trước linh cữu Đại tướng sáng 12/10 được phóng viên Duy Hoàng ghi lại.
  • Nhiều bạn trẻ gục vào vai nhau để giấu những giọt nước mắt.
  • Bàn thờ trang trọng của Đại tướng phía trong nhà tang lễ Quốc gia.
  • Nối tiếp nhau, các đoàn đại biểu tỉnh vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Phía bên ngoài nhà tang lễ, dòng người dân đợi chờ được tiễn biệt Tướng Giáp lần cuối ngày một dài hơn. Tuy nhiên, không hề xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, tất cả hết sức trật tự. Lực lượng tình nguyện viên đứng thành hàng rào dọc theo đoàn của người dân.

  • Bác Nguyễn Văn Bền ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng, từng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư cám ơn,

    vừa đặt chân đến Hà Nội và đang vào xếp hàng để được gặp mặt Đại tướng lần cuối.

  • 13h50, dòng người xếp hàng vào viếng Đại tướng vẫn kéo dài cả km. "Tôi đi môt mình từ huyện Vũ Thư, Thái Bình lên đây lúc 8h sáng. Giờ gần 14h mới đến được cổng nhà tang lễ, đêm nay tôi sẽ thuê nhà trọ ở lại Hà Nội để sáng mai tiễn biệt bác Giáp sớm", bà Nguyễn Thị Kỷ (63 tuổi) nói. Người phụ nữ với dáng vẻ khắc khổ cho hay lần Bác Hồ mất bà không tiễn đưa được nên lần này bà quyết tâm lên Hà Nội, nếu không sẽ ân hận cả đời.

  • Ngay cả khi đã ra khỏi nhà tang lễ, nhiều người vẫn không thể nào ngăn lại được cảm xúc.
  • “Hạnh phúc lớn nhất của người cầm quân là được ở bên chiến sĩ trên mặt trận”. Theo bà Võ Hòa Bình (con gái Đại tướng), trong hồi ức về thời kỳ chiến dịch Điện Biên Phủ, thì đây là câu nói mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường nói với bà.

  • 14h05, Ban Tuyên giáo Trung Ương do ông Đinh Thế Huynh dẫn đầu bước vào nhà tang lễ để viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

  • Cô Hoàng Thị Lan, một cựu chiến binh, trong dòng người xếp hàng dài nhiều km.

Xem tiếp Lễ viếng chiều 12/10.

Nhóm PV

Bạn có thể quan tâm