Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra sáng 27/4, Tổng công ty Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) tổng kết lại bức tranh năm 2022 là sự biến động phức tạp của nền kinh tế thế giới.
Tại 10 quốc gia mà Viettel Global đang hoạt động, tỷ lệ lạm phát đều cao hơn so với dự báo đầu năm, tăng trưởng kinh tế không đạt kỳ vọng. Tỷ giá tại một số thị trường có diễn biến xấu, ảnh hưởng trực tiếp tới chỉ số hiệu quả của thị trường.
Bà Nguyễn Thị Hải Lý (trái) - Chủ tịch HĐQT Viettel Global - tại Đại hội cổ đông diễn ra ngày 27/4. |
Tuy nhiên, đây cũng là năm chứng kiến nhu cầu đẩy mạnh đầu tư vào CNTT và chuyển đổi số mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực bởi các Chính phủ cũng như tổ chức. Các nhóm dịch vụ số khách hàng doanh nghiệp, dịch vụ số khách hàng cá nhân và tài chính điện tử là nguồn tăng trưởng bổ sung với tiềm năng lớn khi dịch vụ viễn thông đang bão hòa.
Trong bối cảnh đó, Viettel Global đã đạt 27.329 tỷ đồng tổng doanh thu hợp nhất, tăng 21% so với năm 2021. Trong khi đó, giá vốn tăng thêm không đáng kể, đưa lợi nhuận gộp lên 10.959 tỷ đồng (tăng tới 3.835 tỷ đồng), tỷ suất lợi nhuận gộp cao kỷ lục tới 46%.
Biểu đồ thể hiện biên lợi nhuận gộp của VGI tăng trưởng liên tục. |
Biên lợi nhuận gộp của Viettel Global không ngừng tăng lên trong những năm qua nhờ tập trung vào các hoạt động kinh doanh có biên lợi nhuận cao và giảm một số sản phẩm có biên lợi nhuận thấp. Đơn cử, trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là viễn thông, Viettel Global đẩy mạnh phát triển thuê bao 4G, dịch chuyển chiến lược phát triển sang tập khách hàng thành thị, có doanh thu trung bình trên mỗi thuê bao (ARPU) cao.
Bên cạnh đó, với chiến lược chung từ tập đoàn và tổng công ty, các thị trường đều đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, tăng cường cung cấp giải pháp công nghệ cho tổ chức, doanh nghiệp. Nhờ đó, Viettel Global có thêm nhiều khách hàng và hợp đồng lớn.
Theo số liệu từ báo cáo của Ban giám đốc tại Đại hội cổ đông, số thuê bao viễn thông năm 2022 tăng thêm 2,38 triệu đơn vị và thuê bao số tăng thêm 8,6 triệu đơn vị - hoàn thành 143% kế hoạch.
Đặc biệt, dịch vụ cố định băng rộng tại các thị trường ghi nhận sự bứt phá, đóng góp lớn vào tăng trưởng thuê bao lẫn doanh thu.
Theo ông Phùng Văn Cường - TGĐ Viettel Global, việc đẩy mạnh tăng trưởng thuê bao Super App, thuê bao ví điện tử, xây dựng hệ sinh thái toàn diện đã hỗ trợ cho việc giữ gìn và tăng trưởng thuê bao data. Với nhiệm vụ chủ động, linh hoạt tìm không gian mới để phát triển, thị trường châu Á đẩy mạnh dịch vụ Internet cáp quang (FTTH) và kết quả FTTH đóng góp lớn vào delta tăng trưởng doanh thu cho các thị trường.
Ông Phùng Văn Cường - Tổng giám đốc Viettel Global - xác định cơ hội năm 2023 vẫn rất lớn. |
Nhìn chung, sự tăng trưởng của doanh thu năm 2022 đến từ cả 2 thị trường chủ chốt là châu Phi và Đông Nam Á khi doanh thu từ cả 2 địa bàn này đều tăng trưởng mạnh và vượt mức 10.000 tỷ đồng. Có thể kể đến Movitel (tại Mozambique) tăng 30%, Mytel (tại Myanamar) tăng 23%, Lumitel (tại Burundi) tăng 18%, Telemor (tại Đông Timor) tăng 17%, Halotel (tại Tanzania) tăng 14% và Metfone (tại Campuchia) tăng 6%.
Do ảnh hưởng bởi tỷ giá quy đổi biến động nhiều, riêng Natcom tại Haiti và Unitel tại Lào không tăng trưởng. Tuy nhiên, đánh giá theo đồng bản tệ, Natcom tăng 40%, Unitel tăng 19%.
Ông Phùng Văn Cường nhận định xu hướng và cơ hội trong năm 2023 rất lớn ở mảng 4G, cố định băng rộng, dịch vụ số, ví điện tử. Di động 4G còn dư địa lớn và đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ tại châu Phi. Dịch vụ cố định băng rộng dự báo tốc độ tăng trưởng thuê bao vẫn cao hơn di động, khu vực Đông Nam Á và châu Mỹ Latin dù tỷ trọng FTTH đạt trên 50% vẫn có mức tăng trưởng dự kiến 2 con số.
Các công ty thị trường của Viettel đều có lợi thế về hạ tầng cáp quang, cung cấp đa dịch vụ (di động, cố định băng rộng) nên thuận lợi để phát triển thuê bao, mở thêm không gian tăng trưởng.