Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Biển hạn chế tốc độ 40 km/h làm nghèo đất nước

"Cứ thử ngồi trên ôtô đường rất tốt mà phải chạy hàng chục km tốc độ 20-25 km/h, sẽ ức chế kinh khủng", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh trao đổi với Zing.

- Ông nghĩ gì về quyết định "khai tử" các biển báo giảm tốc độ dưới 40km/h của Bộ trưởng Đinh La Thăng?

- Cá nhân tôi cũng như Hiệp hội rất phấn khởi vì đây là một chỉ đạo rất đáng hoan nghênh. Chúng ta bỏ cả một đống tiền để làm những con đường tốt, với mong muốn giao thông vận tải thông thoáng hơn, chạy tốc độ nhanh hơn, năng suất tốt hơn. Tuy nhiên, hạn chế tốc độ 20-25 km/h rất vô lý, làm nghèo đất nước, kìm hãm sự phát triển của quốc gia.

Chưa kể, có những con đường làm rất đẹp nhưng lại thiết kế quá nhiều đường ngang, giao cắt quá nhiều. Cắm biển như vậy chẳng còn tác dụng gì.

Ông Nguyễn Văn Thanh Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Thanh Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. Ảnh: Báo Giao thông Vận tải.

- Nếu vẫn giữ những biển báo hạn chế tốc độ dưới 40 km/h sẽ gây những thiệt hại, lãng phí gì?

- Đối với phương tiện tham gia giao thông, tốc độ 40-50 km/h là khai thác xe hợp lý. Tuy nhiên, nếu phải chạy chậm hơn tốc độ đó, tất nhiên sẽ tiêu hao nhiên liêu lớn, hao mòn rất nhiều thứ, gây thiệt hại cho xe cũng như xã hội. Chưa kể, tốc độ chậm sẽ làm chậm thời gian vận chuyển ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu suất công việc mà ít người tính tới.

Bên cạnh đó, việc giữ những biển báo này đang là cái bẫy cho cảnh sát giao thông đứng trực bắt xe, là mầm mống cho các hiện tượng tiêu cực mà hiện nay lái xe rất bức xúc.

Nhiều đoạn đường vắng muốn chạy nhanh không được. Rồi khi chạy nhanh chút lại gặp cảnh sát giao thông đứng cuối đường. Tiền phạt vào nhà nước giỏi lắm được 30%, còn lại chia đôi. Một yếu tố nữa theo tôi đó là cần phải điều tra tâm lý người lái xe. Cứ thử ngồi trên ôtô đường rất tốt mà phải chạy hàng chục km với tốc độ 20-25 km/h thì sẽ ức chế kinh khủng.

Sau khi “thoát cảnh sát” lái xe sẽ như  “chuột được thả ra khỏi lồng”. Có người sẽ bị ức chế, chạy cật lực cho đỡ bực, cho kịp thời gian và như thế rất dễ xảy ra tai nạn, hệ lụy xấu.

Nên có giờ hạn chế tốc độ: Ví dụ từ 6h sáng đến 21h tối có thể chạy đúng tốc độ. Nhưng từ 22h đêm - 5h sáng vắng thì nên cho chạy tốc độ tối đa cho phép trên đường quốc lộ 70-80 km/h.

- Hiệp hội Vận tải đã từng đề xuất về vấn đề này với bộ?

- Chúng tôi đã đề xuất rấ nhiều lần. 5-7 năm trước Bộ trưởng Đào Đình Bình đã kỷ luật một loạt lãnh đạo Cục Đường bộ vì đi cắm biển tốc độ rất vớ vẩn. Sau vụ đó, một loạt biển bị bỏ nhưng rồi nó lại dần mọc lên, chả biết tại sao.

Việc cắm biển này cũng rất rối rắm. Khi làm đường thì do ban quản lý dự án nâng cấp, cải tạo đoạn đường đó cắm. Khi đi vào khai thác thì Ban An toàn giao thông của tỉnh lại chỉ đạo cắm. Thậm chí, nhiều công an còn dọa nếu nhổ biển đi, tai nạn xảy ra họ không chịu. 

Không thể chấp nhận được việc người ta cứ mang chiêu bài đảm bảo an toàn giao thông để làm kìm hãm sự phát triển của đất nước.

- Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ các biển báo giảm tốc độ dưới 40 km/h mà hiện nay các biển cấm, biển chỉ đường, đèn xanh đèn đỏ cũng đang làm người tham gia giao thông “hoa mắt”? Hiệp hội có đề xuất gì về vấn đề này?

- Tôi cho rằng, với các biển bị che lấp là do kỹ thuật cắm, nhưng quan trọng nhất là cắm đúng không vì có những trường hợp biển này do vài ba ông công nhân “nhắm mắt vào cắm”. 

Có những biển cắm rồi nhưng hỏi tại sao cắm họ cũng không trả lời được thì sao dân hiểu được. Chỉ có thể lý giải, cắm biển cũng có nhiều tiền lắm nên cứ dự toán kinh phí là cắm thôi.

Chúng tôi kiến nghị thời gian tới cần rà soát lại vấn đề này. Chọn vị trí thuận tiện dễ nhìn dễ thấy, chọn lọc biển báo cái gì cần thiết mới cắm. 

Thanh Tuyền (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm