Chiều 10/6, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết một vùng áp thấp vừa hình thành ở vùng biển phía đông quần đảo Hoàng Sa. Lúc 13h, vị trí trung tâm vùng áp thấp cách quần đảo Hoàng Sa 200 km về phía đông. Sức gió mạnh 37 km/h, tương đương cấp 5.
Trong 24 giờ tới, hình thái này di chuyển theo hướng tây tây bắc với vận tốc 10 km/h và khả năng mạnh thêm. Trưa 11/6, trung tâm vùng áp thấp nằm ngay trên vùng biển phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa.
Cơ quan khí tượng cảnh báo vùng áp thấp di chuyển hướng về Vịnh Bắc Bộ và khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Trưa 12/6, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên phía đông của đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất cấp 7 (50-60 km/h), giật cấp 9.
Vùng nguy hiểm trên biển trong hai ngày tới nằm giới hạn ở phía tây kinh tuyến 115 độ kinh đông và phía bắc vĩ tuyến 16 độ vĩ bắc.
Dự báo đường đi của vùng áp thấp trên Biển Đông trong những ngày tới. Ảnh: NCHMF. |
Theo bản đồ dự báo, sáng 13/6, Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc Bộ nằm trong vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Dù vậy, cơ quan khí tượng chưa đưa ra nhận định cụ thể về khả năng ảnh hưởng của hình thái này tới đất liền nước ta.
Đêm nay (10/6), các tỉnh Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An khả năng đón thêm các trận mưa lớn do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp hội tụ gió trên mực 5.000 m. Lượng mưa phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 120 mm gây nguy cơ lũ quét, sạt lở và ngập úng cục bộ, đặc biệt tại các tỉnh miền núi.
Tại Hà Nội, mưa dông có thể xuất hiện vào chiều tối và đêm nay kèm theo những hiện tượng cực đoan như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Ngày 10-11/6, các sông suối khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên cao 1-2 m. Cơ quan khí tượng đặc biệt cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở xảy ra ở khu vực miền núi thuộc các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa và Nghệ An.