Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Biển Đông, Triều Tiên và những điểm nóng của Shangri-La

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lần hai tham dự Đối thoại Shangri-La, diễn đàn hàng đầu về an ninh châu Á ở Singapore, với nhiệm vụ làm rõ vai trò của Washington tại khu vực.

Sự xuống thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gần như chắc chắn là chủ đề được quan tâm nhất tại Đối thoại Shangri-La năm nay. Sự kiện được xem là diễn đàn an ninh châu Á lớn nhất thế giới diễn ra chưa đầy hai tuần trước cuộc gặp đã được lên kế hoạch giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, cũng tại Singapore.

Hội nghị về quốc phòng và an ninh kéo dài 3 ngày (1-3/6), được tổ chức thường niên tại khách sạn Shangri-La từ năm 2002, được xem là nơi chuẩn bị cho thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến diễn ra vào ngày 12/6, theo Straits Times. Khách sạn này cũng là một trong hai địa điểm đang được cân nhắc cho cuộc gặp lịch sử mà cả thế giới trông đợi.

Sự nổi lên của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Tuy nhiên, Triều Tiên không phải là tất cả tại Đối thoại Shangri-La. Sự kiện quy tụ hơn 10 bộ trưởng quốc phòng các nước, bao gồm lãnh đạo Lầu Năm Góc James Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, sẽ là cơ hội để đề cập đến những chủ đề nóng khác, đặc biệt là những động thái gần đây của Trung Quốc nhằm củng cố yêu sách chủ quyền sai trái trên Biển Đông.

diem nong doi thoai Shangri-La anh 1
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại Lầu Năm Góc hồi tháng 8/2017. Ảnh: Getty.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ có bài phát biểu khai mạc tối 1/6, nhiều khả năng là trình bày về căng thẳng trên Biển Đông cũng như vai trò chiến lược của New Delhi tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ấn Độ đã và đang từng bước tăng cường hoạt động hải quân khắp Ấn Độ Dương để đối trọng với sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Đây cũng là cấu phần quan trọng nhất trong chiến lược mới của Mỹ tại khu vực khi Ấn Độ là một điểm cực của tứ giác Nhật - Mỹ - Australia - Ấn Độ. Chiến lược được Tổng thống Trump thông báo tại Đà Nẵng năm ngoái cho đến giờ vẫn thiếu những chi tiết cụ thể thêm. Diễn biến tại Shangri-la có thể cung cấp thêm mảnh ghép còn sót của chiến lược này. 

Ông Mattis đã đến Singapore hôm 31/5, sau khi tham dự lễ chuyển giao chức vụ tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của quân đội Mỹ tại Hawaii. Tại buổi lễ này, PACOM đã được đổi tên thành Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPCOM).

"Chúng tôi không nao núng về những trọng tâm của chúng tôi ở đây", ông Mattis nói với phóng viên trước khi máy bay hạ cánh xuống căn cứ không quân Paya Labar của Singapore.

"Chúng tôi không có gì hối tiếc về việc đứng cùng với các đồng minh, đối tác và đảm bảo tự do: từ tự do hàng hải, sử dụng không phận quốc tế cho đến tự do cho các nước đưa ra quyết định về chủ quyền của riêng họ".

Điểm nóng Biển Đông

"Sẽ không ngạc nhiên nếu Triều Tiên nổi lên là chủ đề quan trọng nhất tại Đối thoại Shangri-La", Tim Huxley, giám đốc điều hành châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tại London, đơn vị tổ chức sự kiện, nói với New York Times. "Nhưng nó sẽ không làm lu mờ những cuộc khủng hoảng rất quan trọng khác tại khu vực".

Theo ông Huxley, sự quyết đoán ngày một gia tăng của Trung Quốc trên Biển Đông và vai trò của Mỹ tại châu Á là những trọng tâm của đối thoại năm nay.

"Có dấu hỏi lớn về vai trò đó trong chính sách 'Nước Mỹ trên hết'", ông nói.

Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra chỉ vài ngày sau khi Lầu Năm Góc quyết định rút lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận đa phương trên biển lớn nhất thế giới "Vành đai Thái Bình Dương" (RIMPAC), viện dẫn "hoạt động quân sự hóa liên tục gần đây" của Bắc Kinh.

Trước đó, không quân Trung Quốc đã tiến hành diễn tập trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp. Hình ảnh cho thấy máy bay ném bom có khả năng hạt nhân H-6K cất hạ cánh trên đường băng được xây dựng trái phép trên đảo này.

diem nong doi thoai Shangri-La anh 2
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng, qua hình ảnh vệ tinh ngày 28/3. Ảnh: Planet Labs Inc/Reuters.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng cho triển khai tên lửa hành trình YJ-12B cùng tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9B đến Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn. Đây là 3 trong số 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp phi pháp.

"Hành động của Trung Quốc không phù hợp với các nguyên tắc và mục đích của cuộc tập trận RIMPAC", trung tá Christopher Logan, người phát ngôn Lầu Năm Góc, phát biểu.

Bắc Kinh đã tăng cường hoạt động xây dựng phi pháp trên các thực thể ở cả Hoàng Sa và Trường Sa. Hồi tháng 12 năm ngoái, báo cáo của chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho hay Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng hoặc hoàn tất xây dựng trên diện tích tổng cộng 29 hecta ở cả Hoàng Sa và Trường Sa.

Mới đây, Reuters dẫn nguồn số liệu cho biết đá Subi, thực thể lớn nhất trong 7 thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng và bồi lấp phi pháp ở Trường Sa, giờ đây đã có gần 400 công trình xây dựng đơn lẻ, nhiều hơn bất cứ hòn đảo nào của Trung Quốc. Trong khi đó, 2 thực thể khác cũng đang nằm trong tay Bắc Kinh là đá Vành Khăn và đá Chữ Thập, mỗi thực thể có khoảng 190 công trình và cấu trúc đơn lẻ. Theo các nhà phân tích quân sự, mỗi một thực thể trên, gọi chung là nhóm "Big 3", đủ sức chứa một trung đoàn, tức từ 1.500 đến 2.400 quân.

Sự quyết đoán của Bắc Kinh trên Biển Đông những năm qua đã gây ra nhiều quan ngại. Liên tục tại các kỳ Đối thoại Shangri-La gần đây, đại diện các nước đã công kích Trung Quốc dù nước này đôi khi chỉ cử quan chức cấp thấp hoặc học giả tham dự. Phát biểu tại sự kiện năm ngoái, gần một năm sau khi tòa quốc tế ra phán quyết không công nhận "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc ngang ngược vạch ra trên Biển Đông, tướng Mattis tuyên bố Mỹ "không chấp nhận Trung Quốc coi thường luật quốc tế".

diem nong doi thoai Shangri-La anh 3
Bộ trưởng Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2017. Ảnh: Cảnh Toàn.

Đầu năm nay, quân đội Mỹ tuyên bố xem Trung Quốc và Nga là trọng tâm trong chiến lược quốc phòng mới, tài liệu nền tảng cho những ưu tiên của Lầu Năm Góc trong những năm tới. Tài liệu này được cho là giúp củng cố chính sách an ninh quốc gia được công bố hồi tháng 12/2017, qua đó ông Trump gọi Trung Quốc và Nga là những "đối thủ cạnh tranh chiến lược".

Chính quyền Trump từng cam kết sẽ quyết đoán hơn với Trung Quốc so với chính quyền Obama trong các vấn đề như Biển Đông. Song theo giới phân tích, chính quyền Trump đã để mặc Trung Quốc "tự tung tự tác" trên Biển Đông và phản ứng của Lầu Năm Góc, bao gồm các hoạt động "tự do hàng hải" (FONOP), về cơ bản chỉ mang tính biểu tượng.

Mới nhất, hai tàu chiến của hải quân Mỹ đã đi vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa hôm 27/5. Đây là hành động mà Washington coi là để chống lại những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc hạn chế tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược.

Khó lường Trump - Kim

Trước những ý kiến cho rằng vai trò của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang suy giảm kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, chuyên gia Greg Poling, giám đốc AMTI, nói ông Mattis cần phải cho thấy Mỹ có thể giải quyết được nhiều vấn đề hơn là chỉ Triều Tiên tại đối thoại lần này.

Theo ông Poling, Washington phải cho thấy rằng họ "có thể tập trung cho các thách thức khác, bao gồm Biển Đông và mối đe dọa cưỡng bách kinh tế thông qua chương trình 'Vành đai và Con đường', cũng như tất cả những mối nguy đang diễn biến chậm rãi khác, dù Triều Tiên là mối quan ngại trước mắt".

Các chuyên gia sẽ trông đợi ông Mattis tiết lộ cụ thể hơn về ý nghĩa thực tế của chiến lược quốc phòng mới với quân đội Mỹ. Một câu hỏi hóc búa, theo New York Times, là Washington sẽ làm thế nào để vừa có được sự hợp tác của Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên, vừa có thể kiểm soát các hành vi của Bắc Kinh trên Biển Đông cũng như trong vấn đề Đài Loan.

"Đây là sự cân bằng mà mỗi chính quyền Mỹ đều phải giải quyết nhưng chúng tôi thực sự chưa thấy chính quyền Trump đề cập đến", Abraham Denmark, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng thời Obama, nói.

diem nong doi thoai Shangri-La anh 4
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh tháng 11/2017. Ảnh: Getty.

Tại Hawaii hôm 30/5, ông Mattis nói rằng Washington "cần nên hợp tác với Bắc Kinh ở những nơi chúng ta có thể nhưng cần sẵn sàng đối đầu với họ ở những nơi chúng ta buộc phải làm vậy".

Dĩ nhiên không nghi ngờ gì về chuyện tại Shangri-La lần này, bộ trưởng quốc phòng Mỹ sẽ phải đối mặt với những câu hỏi xung quanh việc Triều Tiên thay đổi 180 độ cũng như hội nghị thượng đỉnh sắp tới. "Liệu cuộc gặp Trump - Kim thực sự sẽ diễn ra" có lẽ là câu hỏi nhiều người muốn đặt nhất.

Tuần này, các phái đoàn từ Mỹ và Triều Tiên đã gặp nhau tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Một nhóm khác gặp nhau tại Singapore để bàn về công tác hậu cần cho cuộc gặp. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có cuộc gặp với ông Kim Yong Chol, người được xem là "trùm tình báo" của Triều Tiên và trợ lý thân cận nhất của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, hôm 30 và 31/5.

Theo các chuyên gia, thông điệp với Triều Tiên từ tướng Mattis sẽ là Mỹ hứng thú với cuộc gặp nhưng cũng không e dè từ bỏ. Tuy nhiên, với các nước khác, điều này dường như gây hoang mang vì vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng nào được công bố. Ông Mattis cũng sẽ phải trấn an Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh quan trọng của Mỹ tại châu Á, về sự thay đổi quyết định chóng vánh của Tổng thống Trump.

Murray Hiebert, chuyên gia thuộc chương trình Đông Nam Á của CSIS, nói ông Mattis sẽ không dễ dàng thuyết phục những người đang hoài nghi về vai trò của Mỹ tại Shangri-La năm nay.

"Việc Trump liên tục đe dọa rồi hòa hoãn với Trung Quốc trong vấn đề thuế quan, và việc ông đột ngột hủy cuộc gặp với Kim Jong Un sau đó cũng bất ngờ sắp xếp lại cuộc gặp khiến chính quyền Trump vô cùng thất thường và khó đoán", ông Hiebert nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt - Mỹ thân mật tại hội đàm ở Shangri-La Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis bắt tay nồng ấm và cùng nhau tham gia hội đàm nhân Đối thoại Shangri-La tại Singapore ngày 1/6.

Mỹ mời Việt Nam tham gia tập trận hải quân lớn nhất thế giới

Hải quân Mỹ mời Việt Nam tham dự cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) tại Hawaii vào cuối tháng 6.

Nhật, Nga, Trung chạy đua để không bị 'bên lề' thượng đỉnh Mỹ - Triều

Trung Quốc, Nhật Bản và Nga đều đang chạy đua để gây ảnh hưởng lên cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên, dù việc nó có diễn ra hay không vẫn chưa chắc chắn.


Vũ Mạnh

Bạn có thể quan tâm