Biển Đông sẽ lặng sóng đầu năm 2013?
Ngày càng cứng rắn hơn trong các tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc đẩy nhiều quốc gia vào thế “tiến thoái lưỡng nan” khi căng thẳng chính trị leo thang tạo ra nhiều tác động tiêu cực cho các quan hệ hợp tác kinh tế.
Sự phô trương sức mạnh quân sự quá đà của Trung Quốc cùng lập trường ngày càng cứng rắn của họ trong các tranh chấp Biển Đông trong năm qua đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực quan ngại. Năm tới, Biển Đông sẽ tiếp tục nổi sóng hay trời yên bể lặng là vấn đề đang được giới quan sát thảo luận. |
Chuyên gia Mahani Zainal Abidin, người đứng đầu Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế và Chiến lược (ISIS), trong một bài phân tích đăng trên trang East Asia Forum phân tích, lập trường cứng rắn của Trung Quốc năm ngoái đối với các tranh chấp lãnh hải trong khu vực, rõ ràng là nỗ lực đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề nội bộ đang nổi lên và gây nhức nhối ở nước này như tham nhũng và sự giản cách ngày càng rộng hơn trong thu nhập giữa các tầng lớp xã hội, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng thu nhập ngày càng trầm trọng.
Ngoài ra, sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc, đặc biệt là trong giới trẻ Trung Quốc, cũng là một nhân tố khác chi phối các quyết định và hành động cứng rắn, khiêu khích của giới lãnh đạo nước này liên quan đến các vấn đề chủ quyền, lãnh thổ. Chủ tịch sắp mãn nhiệm Hồ Cẩm Đào đã mạnh mẽ tuyên bố trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản hồi cuối năm ngoái rằng, Trung Quốc “kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hàng hải của mình đồng thời, sẽ nỗ lực để xây dựng đất nước trở thành một cường quốc Hải quân”.
Từ đó, theo ông Mahani, công cuộc chuyển đổi thế hệ lãnh đạo dù suôn sẻ cũng sẽ không giúp làm dịu đi các tuyên bố hùng hồn của Trung Quốc về lợi ích chiến lược của họ tại Biển Đông.
Minh chứng là, trong một thông báo, giới lãnh đạo mới tuyên bố chắc nịch, kể từ ngày 1/1/2013, nước này sẽ tung lực lượng cảnh sát biển để truy tìm và bắt giữ tất cả các loại tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vào lãnh hải mà họ tuyên bố chủ quyền.
Đồng thời, Trung Quốc cũng sẽ triển khai các tàu tuần tra, hải giám để đảm bảo Biển Đông luôn ở trong “tầm mắt và tầm tay” của họ. Chưa hết, gần đây con rồng châu Á còn phát hành hộ chiếu mới có in một bản đồ trong đó mặc định, lãnh thổ nước này bao gồm gần như toàn bộ vùng Biển Đông, kể cả các khu vực đang tranh chấp với các quốc gia khác bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của các quốc gia trong khu vực.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các động thái của Trung Quốc khiến căng thẳng giữa nước này và các quốc gia trong khu vực như Philippines ngày càng leo thang. Đồng thời, chính sách mới cũng làm phức tạp thêm quan hệ giữa con rồng châu Á và các quốc gia ngoài khu vực, có lợi ích chiến lược tại Biển Đông, nhất là Mỹ.
Lý do là, đối với tất cả các quốc gia trong hay ngoài khu vực, việc thông thương an toàn và tự do tại các tuyến giao thông huyết mạch nằm trong vùng Biển Đông, giúp kết nối kết nối Đông Á với Ấn Độ Dương, vô cùng quan trọng, thậm chí đóng vai trò sống còn đối với nền kinh tế của nhiều nước.
Mỹ, với chiến lược xoay trục quay về châu Á - Thái Bình Dương để tìm lại và đảm bảo lợi ích chiến lược truyền thống của họ trong khu vực chắc chắn sẽ không “ngồi yên” để mặc Trung Quốc “một tay thao túng” toàn bộ vùng Biển Đông. Sự đối đầu giữa cường quốc số 1 thế giới và con rồng châu Á mang đến những rủi ro đe dọa không chỉ các quốc gia trong khu vực mà còn toàn bộ thế giới.
Tuy nhiên, nhà phân tích Mahani cũng nhận xét, các mạng lưới sản xuất và một loạt chuỗi cung ứng đang gắn kết con rồng châu Á với phần còn lại của thế giới đồng nghĩa với việc, bất cứ mắt xích nào gặp vấn đề cũng sẽ dẫn đến một hiệu ứng dây chuyền, ảnh hưởng mạnh mẽ và trực tiếp lên tất cả. Do đó, xuất phát từ lợi ích cũng như các tác động chồng chéo về kinh tế giữa Trung Quốc và các quốc gia khác, ông cho rằng, những căng thẳng trên Biển Đông sẽ có khả năng được giải quyết trong quý đầu tiên của năm 2013. Việc này sẽ rất hấp dẫn để theo dõi và điều tốt đẹp nhất đương nhiên, được kỳ vọng sẽ diễn ra.
Ông Mahani dẫn chứng, không thể phủ nhận, Trung Quốc là nguồn lực quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế, sản xuất cũng như hoạt động thương mại trong cũng như ngoài khu vực. Các công ty nước ngoài đang đổ vào Trung Quốc đầu tư. Chính phủ nước này cũng không bỏ lỡ cơ hội mà nỗ lực thúc đẩy hội nhập với nền kinh tế toàn cầu bằng cách tạo các điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài, rót tiền cải thiện và xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, tiên tiến cũng như có khả năng cung ứng nguồn lao động giá rẻ dồi dào.
Riêng đối với Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc đang chủ trương theo đuổi và phát triển quan hệ đối tác kinh tế trọng điểm với khu vực. Trong đó, Nam Ninh, thủ phủ của Khu vực tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây được chỉ định sẽ đi tiên phong theo chủ trương trên. Trong năm 2011, Malaysia đã thành lập Khu công nghiệp Qinzhou tại Nam Ninh. Một khu công nghiệp khác cũng sẽ sớm được thành lập ở Kuantan. Đây chỉ là một phần trong dự án vĩ mô hơn nhằm thiết lập mối liên kết giữa Trung Quốc và ASEAN thông qua sự phát triển ở khu vực Pan Beibu.
Ngoài ra, Hội chợ triển lãm Trung Quốc – ASEAN diễn ra thường niên với sự tham dự của các lãnh đạo từ Trung Quốc cũng như ASEAN cũng cung cấp một địa điểm để các bên có thể thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực thương mại, cơ sở hạ tầng, đầu tư và du lịch.
Tuy nhiên, nhà phân tích cũng lưu ý, việc mở rộng quan hệ kinh tế Trung Quốc – ASEAN cần được tạo điều kiện bằng cách thắt chặt hơn nữa các thỏa thuận thương mại tự do giữa các nước.
Hiện nay, việc tự do hóa thương mại vẫn còn bao hàm một số hạn chế. Do đó, Trung Quốc cũng như các quốc gia khác cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để mở rộng thương mại dịch vụ, thống nhất về tiêu chuẩn y tế cũng như tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho mậu dịch tự do.
Dựa trên những cam kết bổ sung đó, tính hiệu quả của Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN sẽ được nâng cao hơn. Hiện tại, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc nhận thức cũng như sự nắm bắt các cơ hội trong các thỏa thuận thương mại tự do còn một số hạn chế, thậm chí không được khuyến khích. Chẳng hạn, Indonesia hiện đang ngày càng quan ngại về các tác động tiêu cực từ việc tự do hóa thương mại đối với các ngành công nghiệp trong nước.
Do đó, Trung Quốc và ASEAN cần phải nỗ lực hợp tác chặt chẽ với nhau để tạo ra một môi trường khuyến khích các quan hệ kinh tế mạnh mẽ và sâu sắc hơn.
Bản thân Trung Quốc cũng nhận ra họ là một phần không thể tách rời và là nguồn gốc của sự tăng trưởng cũng như thịnh vượng đối với nền kinh tế trong khu vực. Trong bối cảnh này, Trung Quốc nên lưu tâm rằng, họ không thể tách rời những vấn đề kinh tế ra khỏi các chính sách chiến lược.
Nhưng với việc phô trương sức mạnh quân sự quá đà tại Biển Đông, Trung Quốc chắc chắn sẽ tạo ra một môi trường kinh tế bất ổn định. Một môi trường hòa bình và ổn định cần phải được nuôi dưỡng. Lý do là, các hoạt động kinh tế và thương mại chỉ có thể phát triển trong một môi trường tự do, không có căng thẳng.
Cách mà Trung Quốc phát triển về kinh tế cũng như sử dụng sức mạnh quân sự của họ sẽ có tác động lớn đối với cả khu vực. Các quốc gia khác cũng cần xử sự trong ranh giới hợp lý giữa một bên là sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và một bên là bảo vệ các lợi ích chiến lược.
Không thể phủ nhận, các quyết định mà giới lãnh đạo mới của Trung Quốc đưa ra sẽ mang tính quyết định tương lai cả khu vực. Tuy nhiên, các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương cũng như các đối tác của họ sẽ đi nước cờ thích hợp của mình.
Phương Đăng
Theo Infonet