Biển Đông khó tránh xung đột vũ trang?
Căng thẳng liên tục leo thang cộng với lịch sử xung đột khiến giới quan sát lo ngại nguy cơ xảy ra cuộc chiến mới trên biển Đông trong khi Mỹ dường như bế tắc trước những diễn biến phức tạp này.
>> 'Trung Quốc chớ có hành động đơn phương trên Biển Đông'
>> 'Trung Quốc khiêu khích một cách không cần thiết'
Nếu cho rằng chiến tranh là giải pháp cuối cùng để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia có chủ quyền thì câu hỏi liệu xung đột vũ trang có xảy ra trên biển Đông hay không hẳn đã có đáp án.
Liệu xung đột vũ trang có thể xảy ra trên biển Đông? |
Bế tắc giải pháp hòa bình
Lịch sử cho thấy, các quốc gia sẽ bắt đầu cho một cuộc chiến khi tuyên bố các biện pháp hòa bình giải quyết xung đột liên quan tới lãnh thổ thất bại. Như vậy, cơ chế hòa bình của một giải pháp tháo gỡ xung đột là quan trọng nhất. Tuy nhiên, trên biển Đông thì tình hình lại phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều khi liên quan tới các vùng chồng lấn, các tuyên bố chủ quyền của nhiều quốc gia.
Theo chuyên gia phân tích chính sách và luật pháp Nội các Indonesia Roby Arya Brata thì tranh chấp lãnh thổ biển Đông có thể được xem là khu vực phức tạp và thách thức nhất hiện nay. Điều quan trọng nhất ở đây là chưa có một cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính bắt buộc điều chỉnh các tuyên bố chủ quyền. Và để tránh nguy cơ leo thang căng thẳng, các bên liên quan phải hành động theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS-1982)
Như vậy, cho tới thời điểm này vẫn chưa thấy một giải pháp hòa bình hiệu quả có thể giải quyết các khoảng cách quan điểm và tuyên bố chủ quyền giữa các nước liên quan. Các cơ chế giải quyết tranh chấp hiện nay đang rất yếu kém và điều này thể hiện khá rõ qua các diễn biến trên biển Đông.
Tranh chấp trên biển Đông hiện nay thực sự là cuộc chiến tranh giành các nguồn tài nguyên hải sản, khí đốt, dầu mỏ và quan trọng nhất, có thể là việc kiểm soát tuyến hàng hải đông đúc bậc nhất thế giới này.
Và như vậy, nếu so sánh với khu vực Vịnh Persian thì nguy cơ đối đầu quân sự không hề nhỏ. Theo chuyên gia Roby Arya Brata, nếu không có một cơ chế giải quyết tranh chấp cố định, hiệu quả, mạnh mẽ với lực lượng thực thi thì các nước khu vực chỉ có thể kiểm soát chứ không thể giải quyết được các tranh chấp trên biển Đông.
Mỹ tiến thoái lưỡng nan tại biển Đông
Theo hãng tin AFP hôm 29/7, Washington dường như đang rất lúng túng trong phản ứng trước căng thẳng biển Đông hiện nay. Chỉ trích Trung Quốc quá mạnh mẽ thì quan hệ với siêu cường mới nổi tại châu Á này sẽ gặp khó khăn, còn nếu lờ đi thì hai năm "chuyển trọng tâm sang châu Á" của TT Obama sẽ thành "công cốc". Từ năm 2000 khi căng thẳng trên biển Đông giữa Mỹ và một số quốc gia ĐNA gia tăng, Mỹ chính thức tuyên bố lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông.
Tuy nhiên, từ đó thì căng thẳng biển Đông chỉ leo thang chứ không hề giảm bớt. Không muốn mất điểm trước ứng cử viên Cộng hòa Romney khi bị chỉ trích là quá "kém thế" trong quan hệ với Trung Quốc, đương kim TT Obama chắc chắn không muốn thể hiện quan điểm mềm mỏng của mình trước kỳ bầu cử. Và như vậy, theo giới quan sát, quan điểm về biển Đông của Nhà Trắng có thể chỉ rõ ràng hơn sau khi tìm được ông chủ mới vào tháng 11 tới.
Trong một diễn biến khác, Nhật Bản có lẽ là quốc gia quan ngại nhất về các tuyên bố đơn phương của Trung Quốc. Theo báo Yomiuri Shinbun ngày 27/7, Nhật Bản lên tiếng thúc giục Trung Quốc kiềm chế các hành động đơn phương và làm dịu căng thẳng với các nước trong khu vực.
Lực lượng đồn trú trên cái gọi là "thành phố Tam Sa" của Trung Quốc xét về tác chiến thì không có sức mạnh đáng kể nhưng đây thực sự là động thái chuẩn bị dọn đường cho các hành động quân sự đi xa hơn trên biển Đông. Theo báo này, việc Trung Quốc cố tình sử dụng sức mạnh quân sự áp đảo trước các nước khu vực nhằm biến biển Đông thành "ao nhà" có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang mới và tình hình thực sự đã lên đến mức báo động.
Trung Quốc hạ thủy tàu hải tuần lớn nhất, hiện đại nhất. |
Trung Quốc ngày 28/7 hạ thủy chiếc tàu tuần tra lớn và hiện đại nhất từ trước tới nay Haixun-01 tại Vũ Hán, Hồ Bắc. Theo hãng tin Tân Hoa xã, tàu hải tuần này sẽ được biên chế cuối năm nay với các nhiệm vụ thăm dò trên biển, tuần tra, cứu hộ cứu nạn, phát hiện và xử lý tràn dầu. Haixun-01 có trọng tải 5.418 tấn, dài 128m, tốc độ 37km/g.
Trong khi đó, Trung Quốc cùng ngày tuyên bố phát hiện được 12 điểm di vật văn hóa mới trong chuyến tuần tra thực thi luật pháp và bảo vệ di vật dưới biển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Không chỉ thăm dò, hồi tháng trước, giới chức tỉnh Hải Nam còn tuyên bố đề nghị thành lập cơ quan giám sát ngoài khơi nhằm bảo vệ các di vật văn hóa xung quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa trên biển Đông mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.
Theo Báo Đất Việt