Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, xác suất 90% có áp thấp nhiệt đới hoặc bão trong tháng 8. Việc này trùng với quy luật cùng kỳ các năm.
Trong đó, các chuyên gia đang theo dõi khả năng xuất hiện hình thái này trong 5-7 ngày tới. Dự báo ban đầu cho thấy vào ngày 6-7/8, một vùng áp thấp có thể hình thành trên Biển Đông, sau đó mạnh dần lên vào đầu tuần sau.
Mô hình của Windy cũng dự báo một xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông vào ngày 9-10/8. Hình thái này nhiều khả năng thành bão và di chuyển chủ yếu theo hướng tây bắc.
Nói thêm về xu hướng bão trong tháng 8, cơ quan khí tượng cho biết vùng có tần suất bão hoặc áp thấp nhiệt đới tác động nhiều nhất là khu vực bắc Biển Đông và ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.
Thống kê kể từ năm 2010 đến nay, có hai cơn bão mạnh trong tháng 8 là bão Mindulle (bão số 3 năm 2010) gây ra gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 ở Bạch Long Vĩ; bão Kai Tak (bão số 5 năm 2012) với cường độ trên Biển Đông mạnh cấp 12.
Trước mắt, khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ bước vào đợt mưa lớn trong ngày 3/8. Lượng mưa dao động 20-50 mm, có nơi trên 70 mm/ngày, tập trung vào chiều tối và đêm.
Đợt mưa này được cảnh báo kéo dài nhiều ngày. Người dân đề phòng nguy cơ xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; sạt lở, lũ quét ở vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Trong tháng 8, nắng nóng tiếp tục xuất hiện ở Bắc Bộ và Trung Bộ, tuy nhiên cường độ không gay gắt và số ngày nắng nóng ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm.
Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp diễn nhiều ngày mưa rào và dông do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh. Người dân đề phòng nguy cơ xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Tổng lượng mưa trong tháng trên cả nước cao hơn 5-20% so với trung bình nhiều năm, trong đó Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ cao hơn 20-40%, riêng bắc Tây Nguyên thấp hơn 5-15% so với cùng kỳ.
Cơ quan khí tượng cho biết sau bão số 1 xuất hiện vào ngày 30/6, Biển Đông khả năng hứng thêm 9-11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới từ nay đến cuối năm. Trong đó, 4-6 cơn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Chuyên gia cảnh báo không loại trừ tình huống mưa bão dồn dập vào các tháng 10-11 ở miền Trung và nguy cơ xuất hiện những cơn bão với hướng đi, cường độ dị thường, trái quy luật.
Lần gần nhất Biển Đông hứng bão là cơn bão Chaba - bão số 1 trong năm nay, hình thành vào ngày 30/6. Hình thái này có mức độ tăng cấp nhanh chóng, từ cấp 8 lên cấp 11 chỉ trong vòng 24 giờ.
Trưa 2/7, bão đạt cường độ mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15, sau đó đi vào khu vực bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) và tiếp tục tiến vào đất liền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) rồi suy yếu dần.
Kết thúc giai đoạn nắng nóng, thời tiết miền Bắc diễn biến xấu trong các ngày 29-31/7 khi mưa dông xuất hiện với lượng phổ biến 100-200 mm/đợt.
Mưa lớn xuất hiện ở Hà Nội tối muộn và khả năng kéo dài những giờ tới sau một ngày nắng nóng gay gắt.
Miền Bắc hứng đợt nắng nóng dài 4 ngày
Miền Bắc hứng đợt nắng nóng kéo dài 4 ngày với nhiệt độ cao nhất ở đồng bằng là 37 độ C. Cơ quan khí tượng dự báo nắng nóng tại khu vực tập trung vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8.