Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Biển Đông có thể hứng nhiều cơn bão khốc liệt năm 2022

Chuyên gia cho rằng với xu hướng ENSO chuyển sang pha nóng vào cuối năm 2022, Biển Đông có thể xuất hiện nhiều cơn bão mạnh, khốc liệt, trái quy luật hơn.

Tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2021 của Tổng cục Phòng chống thiên tai diễn ra chiều 30/12, ông Hoàng Đức Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, cho biết hiện tượng La Nina sẽ kết thúc vào khoảng tháng 3, tháng 4/2022.

Sau đó, ENSO (chu kỳ biến thiên thất thường về gió và nhiệt độ bề mặt nước biển trên vùng nhiệt đới phía đông Thái Bình Dương) sẽ chuyển sang pha trung tính và chuyển tiếp sang pha nóng vào cuối năm sau.

“Với diễn biến trên, thời tiết cả nước năm 2022 sẽ theo xu hướng có nhiều ngày nắng nóng, ít mưa nhưng dễ xuất hiện mưa cực đoan. Ít bão nhưng khả năng tồn tại nhiều cơn bão mạnh, trái quy luật, khốc liệt và khó dự báo hơn", ông Cường nói.

Chuyên gia cũng dự báo mùa đông năm 2021-2022 lạnh hơn so với nhiều năm nhưng có đặc điểm là nhiệt độ xuống sâu vào ban đêm và tăng cao vào ban ngày. Đồng thời, mưa lũ ở miền Bắc trong năm 2022 có thể đến sớm và kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm.

Ông Cường cũng đưa ra nhận định thời tiết Tết Nguyên đán 2022 trên cả nước tương đối ổn định. Theo dự báo ban đầu, miền Bắc có thể đón nhiều đợt không khí lạnh trước Tết nhưng ngắn ngày và gây ra mưa phùn. Trong Tết, khu vực này khô ráo, trời lạnh, tương tự thời tiết của những ngày qua.

Khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có thể xuất hiện mưa rào rải rác nhưng lượng không đáng kể. Còn Tây Nguyên và Nam Bộ khả năng nắng ráo trong những ngày Tết cổ truyền.

“Xu hướng chung là như vậy, dự báo còn xa nên chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật để người dân tham khảo và chuẩn bị trang phục phù hợp với thời tiết khi đón Tết”, ông Cường cho biết.

bao tren Bien Dong anh 1

Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 của Tổng cục Phòng chống thiên tai chiều 30/12 được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố. Ảnh: Ngọc Hà.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan ngày càng biểu hiện rõ nhưng đây là câu chuyện toàn cầu. "Chúng ta không thể mơ mộng sẽ ứng phó thành công 100% với mọi tình huống, nhưng có thể giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất nếu chúng ta đi trước một bước", ông Hoan nói.

Ông Hoan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phục hồi sau thiên tai. Theo ông, các đơn vị chức năng hiện chỉ tập trung vào công tác ứng phó trước và trong thiên tai mà thiếu đi sự phối hợp để đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường sau khi một cơn bão, một trận lụt đi qua.

"Đây không chỉ là câu chuyện thiếu nguồn lực mà còn là kỹ năng khắc phục hậu quả. Nếu công tác khắc phục thiếu sự phối hợp, độ trễ trong sản xuất, phục hồi kinh tế sau thiên tai của người dân sẽ kéo dài", ông Hoan nói.

Bộ trưởng NN&PTNT cũng cho rằng việc nâng cao năng lực cộng đồng trong công tác ứng phó thiên tai rất quan trọng, bởi chỉ đạo từ Trung ương, địa phương hay công tác chính quyền có quyết liệt thế nào thì người thực thi vẫn là người dân, "có những thứ chính quyền không thể làm thay được cộng đồng dân cư".

Ông Lê Minh Hoan đề nghị các đơn vị liên quan tập trung nhiệm vụ rà soát công tác phòng chống thiên tai trong cộng đồng, dân cư vào năm tới. Đồng thời, mọi giải pháp ứng phó với thiên tai cần tận dụng được khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai, năm 2021, cả nước trải qua 841 trận thiên tai với 18 loại hình bao gồm động đất, mưa đá, dông, lốc, sét... cùng 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông. Trong đó, miền Trung chịu ảnh hưởng trực tiếp của 4 cơn bão và 6 đợt mưa lũ lớn diện rộng.

Thống kê cho thấy thiên tai năm 2021 làm 108 người chết và mất tích, 95 người bị thương, thiệt hại kinh tế trên 5.200 tỷ đồng. Thiệt hại này giảm đáng kể so với năm 2020 (357 người chết và mất tích, thiệt hại gần 40.000 tỷ đồng).

Mẫu Sơn 1 độ C, miền Bắc rét hại

Nền nhiệt ở miền Bắc tiếp tục xuống thấp sáng nay khi nhiều nơi dưới 7 độ C. Hà Nội trải qua đêm rét nhất kể từ đầu mùa đông.

Chất lượng không khí Hà Nội ở mức tím

Thời tiết nắng hanh, ít gió, các chất bụi bẩn khó khuếch tán khiến không khí Hà Nội ô nhiễm trở lại. Tình trạng này kéo dài đến cuối tuần, trước khi khu vực đón không khí lạnh.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm