Các chuyên gia cảnh báo một làn sóng dịch bệnh tồi tệ đang chờ đợi Anh, trong bối cảnh số ca nhiễm biến chủng Omicron ở nước này đang tăng nhanh hơn cả Nam Phi - quốc gia phát hiện biến chủng mới.
Phủ nhận một số ý kiến cho rằng Omicron mang lại "tin tốt lành" về khả năng thoát khỏi Covid-19, các chuyên gia cảnh báo sự lan rộng của biến chủng Omicron đặt ra thách thức lớn cho hy vọng sớm kiểm soát dịch bệnh, theo Guardian.
Anh tái áp đặt biện pháp chống dịch
Hôm 8/12, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo kế hoạch tái áp đặt các biện pháp phòng dịch nhằm ngăn chặn đà lây lan của biến chủng Omicron.
Theo đó, chính quyền Anh yêu cầu người dân làm việc từ xa tối đa kể từ 13/12. Đeo khẩu trang trở thành yêu cầu bắt buộc tại các địa điểm công cộng trong nhà như rạp phim, nhà hát, chỉ có cửa hàng ăn uống là ngoại lệ.
Để tham gia các hoạt động trong nhà tập trung đông người, người dân cần sở hữu hộ chiếu vaccine. Tuy nhiên, ông Johnson cũng khẳng định không hủy bỏ các hoạt động mừng Giáng sinh, đồng thời tiếp tục cho phép các hộp đêm hoạt động.
Giáo sư John Edmunds, chuyên gia dịch tễ học Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, thành viên Nhóm tư vấn khoa học khẩn cấp của chính phủ Anh, cho biết việc tái áp đặt các biện pháp phòng dịch "hoàn toàn không phải phản ứng thái quá".
Anh đã tái áp đặt một số biện pháp hạn chế phòng dịch. Ảnh: Reuters. |
Phát biểu trong hội thảo y khoa hôm 9/12, giáo sư Edmunds cho biết "rất có khả năng" số ca mắc biến chủng Omicron trong cộng đồng lớn hơn nhiều lần so với đã được ghi nhận thông qua xét nghiệm. Những tuần tới, con số này sẽ còn tăng mạnh.
Trong ngày 10/12, Cơ quan An ninh Y tế Anh phát hiện thêm 448 ca nhiễm biến chủng Omicron, cao nhất cho tới nay, nâng tổng số ca dương tính với biến chủng mới lên 1.265.
Giáo sư Edmunds cho biết nếu Anh có 1.000 ca mỗi ngày, số ca nhiễm biến chủng Omicron có thể tăng theo cấp số nhân và đạt 64.000 ca mới mỗi ngày chỉ trong vòng 2 tuần.
"Không ai muốn tái áp đặt các biện pháp phòng dịch, bởi chúng gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế, ngành du lịch, ngành bán lẻ đặc biệt bị ảnh hưởng. Nhưng không may là chúng ta không có lựa chọn khác", chuyên gia người Anh cho biết.
Với tốc độ lây lan hiện nay của biến chủng Omicron, nhiều khả năng nước Anh sẽ ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao đáng quan ngại vào Giáng sinh. Xét tới tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng lúc này, ông Edmunds cho rằng hạn chế di chuyển đã là quá muộn.
Trong ngày 10/12, Anh ghi nhận 58.194 ca mắc Covid-19 mới, cao nhất kể từ ngày 9/1. Số ca mắc Covid-19 trung bình 7 ngày tính tới 9/12 ở Vương quốc Anh là 48.000, tức cứ 100.000 người thì có gần 500 ca nhiễm - và số người nhập viện là khoảng 760/ngày.
So với tuần trước, tất cả chỉ số thống kê dịch bệnh ở Anh đều tăng mạnh.
Omicron là tin dữ
Phát biểu tại hội thảo khoa học hôm 9/12, giáo sư Edmunds bác bỏ ý kiến cho rằng biến chủng Omicron có thể là "tin tốt" khi tỷ lệ người nhập viện do biến chủng này chỉ bằng 50% so với biến chủng Delta.
Trước đó, một số ý kiến nhận định biến chủng Omicron có thể là hy vọng chấm dứt đại dịch Covid-19, dựa trên diễn biến dịch bệnh và số ca nhập viện do mắc biến chủng mới ở Nam Phi.
Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là Nam Phi có dân số trẻ hơn nhiều so với Anh và các nước châu Âu. Tuổi trung bình của người Nam Phi là 28, so với độ tuổi 40 của người Anh. Điều này đồng nghĩa người dân Nam Phi khi mắc Covid-19 ít có nguy cơ diễn tiến nặng như tại Anh.
Theo giáo sư Edmunds, hiện chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy độc lực của biến chủng Omicron chỉ bằng một nửa so với biến chủng Delta. Nhưng ngay cả nếu giả thuyết trên là sự thật, khó có thể nói biến chủng này thực sự là tin tốt lành cho cuộc chiến với đại dịch.
"Tỷ lệ nhập viện bằng 50% biến chủng Delta chỉ giúp hệ thống chăm sóc y tế có thêm 2-3 ngày trước khi quá tải. Tôi cho rằng thật ngớ ngẩn khi coi biến chủng Omicron là tin tốt, nói thật đây là tin không thể tồi tệ hơn", giáo sư Edmunds nhận định.
Các bệnh viện Anh có nguy cơ một lần nữa quá tải vì biến chủng Omicron. Ảnh: Reuters. |
Tại Anh, đa phần người dân đã có miễn dịch trước các chủng virus trước Omicron thông qua tiêm chủng hoặc lây nhiễm tự nhiên. Sẽ cần thêm nhiều tuần nữa để các nhà khoa học xác định mức độ nghiêm trọng của làn sóng dịch bệnh mới do Omicron gây ra.
Tuần qua, hãng dược phẩm Pfizer công bố dữ liệu từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy 3 mũi vaccine giúp bảo vệ hiệu quả trước biến chủng Omicron. Tuy nhiên, giáo sư Edmunds cảnh báo dữ liệu mà Pfizer công bố là một trong những kết quả lạc quan thái quá.
Thực tế, một số nghiên cứu cho thấy hiệu quả của vaccine Pfizer đối với biến chủng Omicron đã giảm mạnh khi so sánh với khả năng bảo vệ trước các chủng virus cũ như Delta.
Dù vậy, giáo sư Edmunds cũng khẳng định tầm quan trọng của tiêm chủng, và người dân cần tiêm mũi tăng cường "sớm nhất có thể".
"Tôi tin mũi tăng cường sẽ có ích, vaccine giúp ích rất lớn nhưng chúng ta nhiều khả năng vẫn sẽ trải qua một thời kỳ đầy áp lực trong khoảng thời gian ngắn tới đây", ông Edmunds nhận định.
Giáo sư Peter Openshaw, thành viên nhóm tư vấn của chính phủ Anh, cho biết cần sớm chủng ngừa cho trẻ em 5-11 tuổi bởi những hậu quả lâu dài đáng lo ngại mà Covid-19 gây ra.
Giáo sư Edmunds nhất trí với nhận định của ông Openshaw và nói thêm rằng chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em 5-11 tuổi cần được đẩy nhanh ngay khi vaccine được phê chuẩn.
"Đại dịch chắc chắn vẫn chưa qua. Trong 2 tháng tới, chúng ta sẽ chứng kiến làn sóng dịch bệnh lớn do biến chủng Omicron. Số ca nhiễm bệnh sẽ tăng cao, dẫn đến số người nhập viện và tử vong tăng. Tôi khá chắc chắn về kịch bản này", giáo sư Edmunds cảnh báo.