Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

TL;DR

Biến chủng Omicron đã lan tới ít nhất 26 quốc gia, vùng lãnh thổ

Chỉ sau hơn một tuần, biến chủng Omicron đã xuất hiện ở hàng loạt quốc gia, vùng lãnh thổ. Điểm chung của các ca bệnh đều là hành khách nhập cảnh, từng đi châu Phi.

Bien chung Omicron anh 1

Các quốc gia trên khắp thế giới đang chạy đua để phát hiện sớm nhất những ca nhiễm biến chủng Omicron. Giới chức y tế toàn cầu lo ngại về sự nguy hiểm của biến chủng mới và đưa ra hàng loạt biện pháp phòng dịch khắt khe.

Biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi và được cảnh báo có khả năng lây truyền cao hơn, thậm chí gấp nhiều lần Delta. Sau đó, nó nhanh chóng lan ra các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Theo thống kê của GISAID, CNN, tính đến sáng 2/12, ít nhất 26 quốc gia, vùng lãnh thổ đã phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron.

Điểm chung có thể dễ dàng nhận thấy ở những nơi đã ghi nhận bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron đó là các ca nhiễm đầu tiên đều là hành khách có tiền sử trở về từ châu Phi, nước ngoài.

Châu Phi

Ngày 11/11, các mẫu bệnh phẩm đầu tiên nhiễm Omicron được thu thập ở tỉnh Gauteng của Nam Phi. Chỉ sau 3 tuần, số F0 đã lên tới 172 người. Tỷ lệ ca nhiễm Omicron trong 4 tuần tại nước này cũng đứng đầu bảng, chiếm 73,5% trên tổng số mẫu bệnh phẩm mới phát hiện.

Một quốc gia khác của châu Phi là Ghana cũng đã ghi nhận tới 33 F0 nhiễm biến chủng Omicron. Tỷ lệ mắc biến chủng này trong vòng 4 tuần ở Ghana là 62,3%.

Trong khi đó, Botswana phát hiện 19 ca nhiễm (chiếm tỷ lệ 30,2%), đứng thứ 3 trên toàn thế giới về số F0 nhiễm chủng Omicron.

Nigeria hiện có 3 trường hợp. Ngày 1/12, giới chức Nigeria cho hay biến chủng Omicron có trong mẫu bệnh phẩm thu thập hồi tháng 10 từ một du khách nước ngoài. Như vậy, với thông tin này, có thể dịch đã tồn tại ở Nigeria cách đây hai tháng.

Vương quốc Anh và EU

Tại Vương quốc Liên hiệp Anh, tính đến ngày 2/12, thống kê của GISAID cho thấy 18 trường hợp nhiễm chủng Omicron được ghi nhận ở nước này. Ngày 27/11,Thủ tướng Boris Johnson công bố các biện pháp tăng cường để ngăn chặn virus lây lan sau khi 2 ca nhiễm biến chủng Omicron được phát hiện ở nước này. Một ca được phát hiện tại thành phố Chelmsford, đông bắc London, trong khi ca còn lại ở thành phố Nottingham, miền Trung nước Anh. Hai ca nhiễm có liên quan đến nhau, trong đó một người đến từ phía Nam châu Phi.

Trong khi đó, 6 F0 ở Scotland được phát hiện tại Glasgow và Lanarkshire.

Bien chung Omicron anh 2

Người dân đeo khẩu trang trong trung tâm thành phố, khi dịch Covid-19 đang bùng phát tại Manchester, Anh, hồi tháng 6. Ảnh: Phil Noble/Reuters.

Ngày 27/11, Cộng hòa Czech xác nhận một trường hợp nhiễm Omicron ở bệnh viện của thành phố Liberec. Sau một tuần, quốc gia này chưa phát hiện thêm người mắc chủng mới.

27/11 cũng là ngày đánh dấu Omicron tấn công nhiều quốc gia khác tại châu Âu. Bang Bavaria của Đức đã công bố hai ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên vào ngày này. Đến nay, quốc gia này phát hiện tổng cộng 9 trường hợp nhiễm biến chủng mới.

Cùng ngày, Viện Y tế quốc gia Italy (ISS) thông báo đã phát hiện trường hợp đầu tiên mang biến chủng Omicron. ISS cho biết nó được phát hiện trong mẫu xét nghiệm dương tính với nCoV của một bệnh nhân nhập cảnh vào Italy từ Mozambique. Người này cùng người thân đều đang trong tình trạng sức khỏe tốt. Theo CNN, tính đến ngày 2/12, Italy có tổng cộng 9 ca nhiễm chủng mới.

Hôm 29/11, giới chức Hà Lan cho biết họ đã xác định 13 người nhiễm Omircon trong số 61 F0 trên hai chuyến bay từ Nam Phi hạ cánh tại sân bay Schiphol ở nước này ngày 26/11.

Bộ trưởng Bộ Y tế Hugo de Jonge nhận định "đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm" và sau đó, số F0 nhiễm chủng Omicron của Hà Lan tiếp tục tăng lên. Quốc gia này đang đứng thứ 5 trong danh sách các nước mà Omicron đã lan tới với 16 trường hợp, theo CNN.

Trong khi đó, Bồ Đào Nha phát hiện ổ dịch 13 F0 nhiễm chủng Omicron đều là cầu thủ thuộc cùng đội bóng SAD Belenenses ở Lisbon. Đây là toàn bộ số ca nhiễm biến chủng Omicron được xác định tại Bồ Đào Nha cho tới lúc này.

Ngoài ra, các quốc gia khác của châu Âu cũng ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron là Israel (4), Na Uy (2), Tây Ban Nha (3), Thụy Điển (3), Bỉ (2), Áo (4), Đan Mạch (4), đảo Reunion - Pháp (1).

Bien chung Omicron anh 3

Người đàn ông đứng trước bảng điện tử hiển thị các chuyến bay bị hủy tại sân bay quốc tế Haneda, Tokyo, Nhật Bản, hôm 29/11. Ảnh: Reuters.

Bắc Mỹ và Mỹ Latin

Chính quyền tỉnh Ontario (Canada) ngày 28/11 xác nhận hai trường hợp nhiễm biến chủng Omicron ở thủ đô Ottawa. Họ là những người có tiền sử đi về từ Nigeria.

Omicron cũng đã lan tới Mỹ Latin với quốc gia đầu tiên của vùng lãnh thổ này ghi nhận ca nhiễm là Brazil. Cơ quan Quản lý Y tế Brazil, Anvisa, cho biết hai bệnh nhân là một cặp vợ chồng. Người chồng khởi hành từ Nam Phi và đáp ở sân bay quốc tế Guarulhos tại Sao Paulo hôm 23/11, trong khi cô vợ không tới quốc gia châu Phi này.

Khi hạ cánh, người đàn ông mang theo chứng nhận xét nghiệm Covid-19 âm tính. Tuy nhiên, trước khi lên chuyến khứ hồi, cặp đôi có kết quả xét nghiệm dương tính. Kết quả này tiếp tục được phân tích, từ đó phát hiện biến chủng Omicron, theo Reuters. Sau hai ngày, số lượng bệnh nhân nhiễm chủng mới của Brazil chưa thay đổi.

Trước nguy cơ bùng dịch ở Bắc Mỹ và Mỹ Latin, chính quyền Mỹ có nhiều động thái siết chặt an ninh. Ngày 30/11, ông Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết cơ quan này đang tăng cường hoạt động giám sát tại 4 sân bay quốc tế lớn, gồm John F. Kennedy ở New York, Newark-Liberty ở New Jersey, San Francisco và Hartsfield-Jackson ở Atlanta. Đây là 4 trong số các sân bay quốc tế nhộn nhịp nhất của Mỹ.

Bien chung Omicron anh 4

Người dân đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ khi đi bộ ở trung tâm Lisbon, Bồ Đào Nha, ngày 25/11. Ảnh: Pedro Nunes/Reuters.

Châu Á

Hong Kong (Trung Quốc) là nơi sớm nhất phát hiện ca nhiễm Omicron bên ngoài châu Phi. Ngay trong ngày 11/11 – cùng thời điểm Nam Phi phát hiện ca nhiễm đầu tiên - một người đàn ông 32 tuổi rời Nam Phi tới Hong Kong.

Ngày 13/11, khi đang cách ly tại khách sạn, người này có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV và đã nhiễm chủng Omicron. 5 ngày sau, một người 62 tuổi ở phòng khách sạn đối diện cũng cho kết quả tương tự. Họ chưa từng tiếp xúc, gặp mặt, cũng không mở cửa hay dùng chung đồ đạc mà chỉ liên lạc với nhân viên khách sạn.

Theo GS Yuen Kwok-yung, Đại học Hong Kong, rất có thể, không khí từ một trong hai phòng khách sạn mang theo virus và bay ra ngoài khi mở cửa, người còn lại hít phải. Từ giả thuyết này, GS Yuen kết luận Omicron có khả năng lây truyền cao, thậm chí nhiều hơn cả Delta.

Đến nay, Hong Kong đã ghi nhận tổng cộng 7 ca nhiễm biến chủng Omicron, tỷ lệ mắc cao tới 30,4%, theo GISAID.

Hàn Quốc là quốc gia mới nhất ghi nhận người nhiễm biến chủng Omicron. Theo AFP, 5 ca bệnh được phát hiện ngày 1/12. Trong đó, 2 người đã chủng ngừa đầy đủ và từng đến Nigeria giai đoạn 14-23/11.

Giới chức Hàn Quốc đã ban hành lệnh siết chặt kiểm soát việc đi lại quốc tế. Tất cả người nhập cảnh từ nước ngoài sẽ phải tiến hành xét nghiệm Covid-19. Trước đó, chính phủ Hàn Quốc dừng cấp thị thực và cấm nhập cảnh với người nước ngoài đến từ 8 quốc gia châu Phi.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng đã ghi nhận hai ca mắc.

Châu Đại Dương và vùng Vịnh

Bên cạnh đó, biến chủng Omicron cũng đã lan ra châu Đại Dương. 5 ngày trước (28/11), những ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên được ghi nhận ở Australia, các bệnh nhân đã tiêm vaccine Covid-19 và biểu hiện triệu chứng. Hai người bệnh là hành khách đến thành phố Sydney bằng máy bay của hãng Qatar Airways từ miền Nam châu Phi. Hai người này quá cảnh tại Doha.

Theo CNN, đến 2/12, Australia đã ghi nhận tổng cộng 7 trường hợp nhiễm Omicron.

Saudi Arabia là quốc gia vùng Vịnh đầu tiên ghi nhận ca mắc Covid-19 do nhiễm biến chủng Omicron. Bệnh nhân là người vừa trở về từ khu vực miền Bắc châu Phi.

Tuần trước, Saudi Arabia là một trong những quốc gia đầu tiên đình chỉ các chuyến bay từ 7 nước châu Phi, chủ yếu ở miền Nam, có nguy cơ cao phát tán biến chủng Omicron. Tuy vậy, giao thông với khu vực Bắc Phi vẫn được duy trì.

Ngày 25/11, giới chuyên gia Nam Phi phát hiện biến chủng mới là B.1.1.529 ở Botswana với hơn 32 đột biến được phát hiện tại protein gai (S). Đặc biệt, 15 đột biến tại vùng gắn kết thụ thể (RBD) và vị trí furin, nơi có thể làm tăng khả năng lây lan.

Ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên cho biến chủng này là Omicron và liệt nó vào danh sách "biến chủng đáng lo ngại". Đây là biến chủng được coi là rất nguy hiểm vì khả năng lây lan có thể hơn 5 lần Delta. Trước đó, biến chủng Delta đã khiến hàng loạt quốc gia quay trở lại với ác mộng Covid-19 sau khi tưởng như đã kiểm soát được dịch bệnh.

Ngày 30/11, WHO đưa cảnh báo: "Người chưa tiêm chủng đầy đủ hoặc chưa có bằng chứng từng nhiễm SARS-CoV-2 trước đó mà thuộc nhóm có rủi ro mắc bệnh nặng và tử vong, bao gồm người từ 60 tuổi trở lên hoặc người có bệnh nền, nên được khuyến cáo hoãn đi lại tới khu vực có lây nhiễm cộng đồng”.

Vì sao biến chủng Omicron có nguy cơ dễ lây lan hơn?

Sự xuất hiện của 32 đột biến trên protein gai của Omicron khiến giới chuyên gia lo ngại. Nhưng chúng ta vẫn chưa có gì chắc chắn nó nguy hiểm hơn chủng Delta trước đó.

Dịch Covid-19

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm