Trong buổi họp báo cung cấp thông tin về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 14/6, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết qua một số đánh giá ban đầu ở giai đoạn 3 của vaccine tại Anh và Brazil, người được tiêm mũi đầu tiên vaccine Covid-19 có tỷ lệ chống virus là khoảng 76%. Con số này sau khi tiêm mũi thứ 2 là 82%.
"Tuy nhiên, với biến chủng B.1.617.2 (được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ), không chỉ vaccine của AstraZeneca, tỷ lệ chống lại virus của nhiều loại vaccine khác cũng giảm", ông Dũng nói.
Vaccine bị ảnh hưởng bởi biến chủng nhưng vẫn là vũ khí hữu hiệu trong phòng dịch. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Cụ thể, hiệu quả mũi đầu tiên của vaccine biến chủng B.1.1.7 (phát hiện lần đầu tại Anh) là 51%, con số này với biến chủng Ấn Độ là 33%. Trong khi đó, hiệu quả chống virus của mũi thứ 2 vaccine Covid-19 với biến chủng Anh là 93% và còn 80% với biến chủng Ấn Độ.
"Chúng ta có thể thấy vaccine vẫn có những bất lợi so với sự phát triển của virus. Tuy nhiên, dựa trên thống kê trên thực tế, vaccine vẫn giúp người được tiêm không có diễn biến nặng, tỷ lệ nhiễm trùng không triệu chứng giảm còn khoảng 50-60%. Quan trọng hơn, tỷ lệ tử vong với nhóm này cũng được giảm xuống tối đa", ông Dũng nhấn mạnh.
Vị lãnh đạo này ví dụ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, 52/53 trường hợp nhân viên y tế đã được tiêm vaccine Covid-19 tại cơ sở y tế này không có triệu chứng.
"Tải lượng virus ở những người này rất thấp, khả năng lây lan cũng không cao. Do đó, nếu 80% người dân được tiêm vaccine, chúng ta vẫn có thể bảo vệ cộng đồng khỏi virus", bác sĩ Dũng nói.
Do đó, vị lãnh đạo này khuyến cáo trong thời gian tới, người dân cần tiếp tục tiêm vaccine Covid-19 theo chương trình của Bộ Y tế. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ thành lập một tổ công tác đặc biệt để đưa vaccine về nhanh nhất, qua đó sớm tiêm cho người dân.
Ông Dũng nhận định thời gian qua, vaccine Covid-19 được nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm và đưa vào sử dụng rất nhanh. Dù bị ảnh hưởng do biến chủng, đây là vũ khí hữu hiệu để ngăn chặn virus lây lan gây dịch.