Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Biến chủng Delta khiến Trung Quốc thua xa Mỹ về tốc độ tăng trưởng

Phản ứng của Mỹ và Trung Quốc đối với biến chủng Delta ảnh hưởng đến triển vọng của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Về ngắn hạn, Mỹ bỏ xa Trung Quốc về tăng trưởng GDP.

Theo Wall Street Journal, GDP của Mỹ tăng 12,2% trong quý II năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức 7,9% của Trung Quốc. Giới quan sát nhận định Mỹ sẽ giữ ưu thế trong ít nhất vài quý tới.

Mức chênh lệch phản ánh sự khác biệt trong cách ứng phó với dịch Covid-19 của hai quốc gia. Trong thời gian qua, chính quyền Trung Quốc áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt để đối phó với nguy cơ dịch Covid-19 tái bùng phát. Trong quý I, GDP Trung Quốc lao dốc 6,7%, trong khi GDP của Mỹ tăng nhẹ.

Trong giai đoạn năm ngoái, phản ứng quyết liệt của Trung Quốc đã giúp nền kinh tế thứ hai thế giới nhanh chóng khôi phục tốc độ tăng trưởng. Còn Mỹ phải đối mặt với gánh nặng kinh tế lớn khi tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng.

Nền kinh tế Mỹ mất thời gian dài để ổn định. Tuy nhiên, so với Bắc Kinh, Washington đổ nhiều nguồn lực hơn. Ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ tiêm chủng cao, các gói kích thích tài chính khổng lồ và lãi suất gần 0 đã giúp Mỹ vượt Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng GDP.

Nen kinh te Trung Quoc anh 1

GDP của Mỹ đã tăng 12,2% trong quý II/2021 so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức 7,9% của Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Chênh lệch lớn

Wall Street Journal nhận định phản ứng của hai quốc gia đối với biến chủng Delta sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của hai nền kinh tế.

Những gói cứu trợ của chính quyền Mỹ đã giúp các hộ gia đình tại Mỹ tích lũy được 2.600 tỷ USD. Con số này cao gấp gần 7 lần so với Trung Quốc. Hãng phân tích Moody’s Analytics dự báo kể từ quý II, tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ vượt xa Trung Quốc trong vòng 5 quý liên tiếp.

Các chuyên gia kinh tế đưa ra nhiều dự báo khác nhau về tăng trưởng giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, đa số đều tin rằng tốc độ tăng trưởng của Mỹ vượt xa đất nước 1,4 tỷ dân.

Theo CNBC, các ca nhiễm Covid-19 mới đã xuất hiện ở nhiều địa phương tại Trung Quốc trong vài tuần qua. Giới quan sát bắt đầu lo ngại về việc chính quyền Trung Quốc siết chặt kiểm soát nhằm đối phó với dịch bệnh.

Trong báo cáo được công bố hôm 11/8, các nhà kinh tế của HSBC nhận định đợt bùng phát mới tại Trung Quốc diễn ra khi một số động lực tăng trưởng kinh tế đã mất đà, tiêu dùng nội địa cũng chật vật để phục hồi hoàn toàn.

Nen kinh te Trung Quoc anh 2

Việc chính quyền Trung Quốc siết chặt kiểm soát nhằm đối phó với dịch bệnh có thể ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng. Ảnh: Reuters.

"Nhiều tỉnh và thành phố đã thắt chặt hạn chế về giãn cách xã hội và ban hành lệnh cấm di chuyển liên tỉnh, thành phố", nhóm chuyên gia của HSBC viết. "Những biện pháp này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng, nhất là khi tiêu dùng nội địa vẫn chưa phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch", các chuyên gia nhận định.

JPMorgan Chase & Co. hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý III/2021 từ 7,3% xuống còn 6,7%. Dự báo cả năm cũng giảm từ 9,1% còn 8,9%.

Goldman Sachs Group Inc. cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Trung Quốc từ 8,6% xuống còn 8,3%, trong khi Nomura Holdings hạ xuống 8,2%.

Đảo ngược xu hướng

Kể từ khi mở cửa với nền kinh tế thế giới vào những năm 1970, Trung Quốc đã thu hẹp đáng kể khoảng cách GDP với Mỹ. Oxford Economics dự báo Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2030.

Số liệu của Moody’s chỉ ra Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trong năm 2038. Vị thế hàng đầu không chỉ là một danh hiệu. Nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đặt ra xu hướng kinh doanh và tiêu dùng trên toàn cầu, đồng thời sở hữu nhiều nguồn lực để đổ vào công nghệ và các dự án ở nước ngoài.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại đáng kể. Giới quan sát nhận định Bắc Kinh cũng phải đối mặt với những vấn đề lớn, bao gồm chiến dịch siết chặt quản lý ngành công nghệ, nợ chính phủ và doanh nghiệp tăng mạnh cũng như dân số già.

Phản ứng của hai quốc gia đối với biến chủng Delta sẽ tạo nên sự khác biệt giữa triển vọng tăng trưởng của hai nền kinh tế

Wall Street Journal

Lực lượng lao động của Trung Quốc - những người từ 15 đến 59 tuổi - đạt đỉnh vào năm 2014 và giảm dần kể từ đó, theo Capital Economics.

Hãng dự báo ​​tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ lao dốc xuống khoảng 2% vào năm 2030, tương đương dự báo tốc độ tăng trưởng dài hạn của Mỹ.

Mỹ cũng đối mặt với những thách thức cản đường tăng trưởng, bao gồm hệ thống chính trị bị chia rẽ mạnh mẽ, hóa đơn y tế tăng cao và tăng trưởng năng suất chậm lại.

Tuy nhiên, theo ông Derek Scissors - nhà kinh tế học tại American Enterprise Institute, GDP không phải một thước đo sức mạnh chính xác. "Đó là của cải", ông nói. "Các hãng máy bay và những khoản đầu tư nước ngoài được chi trả bằng sự giàu có của một quốc gia, chứ không phải GDP", ông Scissors lập luận.

Trên phương diện đó, Trung Quốc còn nhiều điều phải làm để theo kịp Mỹ. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), từ năm 2011 đến năm 2021, Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách GDP với Mỹ khoảng 2.000 tỷ USD.

Nhưng trong cùng thời kỳ đó, khối tài sản của Mỹ tăng thêm 13.500 tỷ USD, theo ước tính của Credit Suisse. Sự giàu có của Trung Quốc có mức tăng trung bình lớn hơn Mỹ, nhưng chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách.

"Điều quan trọng là sự giàu có của một quốc gia chứ không phải sản xuất", ông Scissors nói thêm.

Các ổ dịch Covid-19 mới cản đường phục hồi của kinh tế Trung Quốc

Các ổ dịch mới xuất hiện tại Trung Quốc khi một số động lực tăng trưởng kinh tế mất đà, tiêu dùng nội địa cũng chật vật để phục hồi hoàn toàn. 

IMF: 'Việt Nam cần tăng quy mô và tốc độ triển khai hỗ trợ kinh tế'

Nói với Zing, đại diện IMF cho rằng Việt Nam nên tăng cường các gói hỗ trợ tài chính, tập trung vào những khoản chi tiêu, nhất là trao tiền cho các đối tượng dễ tổn thương.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm