Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BIDV lãi kỷ lục hơn 9.900 tỷ đồng năm 2018

Hơn 9.900 tỷ đồng là con số lãi được Chủ tịch BIDV công bố tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019, diễn ra ngày 9/1 tại Hà Nội.

Cụ thể, tính đến hết năm 2018, tổng tài sản của BIDV đã nâng lên 1.283 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2017. Dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.214 triệu tỷ, trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm 60,4% tổng dư nợ. Tổng huy động vốn đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiếm soát ở mức dưới 1,4% trên tổng dư nợ.

Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch Ngân hàng BIDV (BIDV) không nói cụ thể con số lợi nhuận tuyệt đối của BIDV trong năm qua, nhưng cho biết ngân hàng tăng trưởng 13% so với năm 2017. Dựa vào số liệu trên, dễ thấy BIDV đã đạt được hơn 9.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế - con số cao nhất từ trước tới nay của nhà băng này.

BIDV anh 1
Ông Phan Đức Tú phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019.

Cũng tại hội nghị, ông Phan Đức Tú đã làm rõ hơn một số thành tựu của ngành ngân hàng nói chung. Theo ông Tú, tín dụng năm 2018 tăng 14% - thấp hơn các năm trước nhưng ngành ngân hàng nói chung lại đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đơn cử như với BIDV, vòng quay tín dụng đã tăng từ 3,17 vòng năm 2017 lên 3,9 vòng năm 2018.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng hội nhập mạnh mẽ, uy tín và hình ảnh ngân hàng Việt trên thị trường khu vực, quốc tế ngày càng được khẳng định.

Đại diện BIDV cho biết năm nay, ngân hàng sẽ tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp để gia tăng chất lượng hoạt động, hiệu quả kinh doanh, tạo điều kiện phục vụ tốt mọi sản phẩm dịch vụ ngân hàng, hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản của phương án tái cơ cấu đến năm 2020 trước một năm (tức là hoàn thành trong năm nay).

Chủ tịch BIDV cũng công bố chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp của ngân hàng này khi quyết định cắt giảm 0,25% lãi suất cho vay với các doanh nghiệp ưu tiên kể từ ngày 9/1.

Về kiến nghị đề xuất với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chủ tịch BIDV đưa ra 4 đề xuất. Đầu tiên là phát triển thị trường chứng khoán như một kênh vốn dài hạn chủ yếu của nền kinh tế để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chia sẻ về áp lực vốn dài hạn với hệ thống ngân hàng.

Tiếp theo, Chính phủ và NHNN phải có các biện pháp tăng vốn điều lệ cho ngân hàng. Trước mắt, BIDV đề nghị tháo gỡ các điều kiện ràng buộc nhà đầu tư nước ngoài để nhà băng có thể hoàn tất giao dịch bán vốn trong thời gian sớm nhất (bán vốn cho ngân hàng KEB Hana của Hàn Quốc - PV).

Ông Tú cũng đề nghị chỉnh sửa Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực ngân hàng; chuẩn hoá, cấp chứng chỉ cho nhân sự hoạt động ngành ngân hàng, đặc biệt là các vị trí quản trị rủi ro, kiểm soát hoạt động, giao dịch viên.

Hà Mỹ Giang

Bạn có thể quan tâm