Sáng ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2019.
Tại đại hội, ông Lê Ngọc Lâm, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành, cho biết năm 2019, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10.300 tỷ đồng. Con số này thấp hơn 200 tỷ so với mức đề ra tại tài liệu công bố trước đó.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc ngân hàng giảm mục tiêu lợi nhuận, đại diện BIDV cho biết sau con số 10.500 tỷ đồng trong kế hoạch kinh doanh công bố trước đó là con số “phấn đấu”. Sau khi rà soát và xem xét lại xu thế nền kinh tế, ngân hàng quyết định trích 200 tỷ đồng cho dự phòng và chốt con số lợi nhuận là 10.300 tỷ.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV, cho biết ngân hàng sẽ tập trung triển khai Chiến lược đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và chiến lược cấu phần đối với từng đối tượng khách hàng, trong đó tập trung ưu tiên bán lẻ, SME và FDI, đồng thời đặt mục tiêu thất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm 2019.
Năm 2019, ngân hàng cũng sẽ thực hiện cấu trúc lại toàn diện hoạt động đầu tư tại các công ty con, công ty liên doanh, liên kết và các đơn vị nước ngoài nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh doanh đóng góp vào hoạt động chung của hệ thống - ông Tú cho biết thêm.
Sáng ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019. |
Chưa có phương án trả cổ tức
Tại đại hội, 99,69% tổng số cổ phần được quyền bầu cử đồng ý bầu bổ sung bà Nguyễn Thị Thu Hương, hiện là Vụ trưởng Thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng nước ngoài thuộc Ngân hàng Nhà nước vào HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2022.
BIDV vẫn chưa có phương án chi trả cổ tức năm 2018. Tuy nhiên theo lãnh đạo ngân hàng, tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2019 sẽ không thấp hơn thực hiện năm 2018.
Trong đại hội, BIDV trình cổ đông phê duyệt việc tiếp tục thực hiện phương án tăng vốn điều lệ đã trình tại ĐHĐCĐ thường niên 2018.
Trước đó, NHNN đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ cho BIDV từ 34.187 lên 40.220 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank.
Về việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ, trong năm qua thị trường chứng khoán có nhiều biến động không thuận lợi, BIDV chưa nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư cũng như đang tập trung triển khai các nội dung liên quan cấu phần bán chiến lược cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nên chưa triển khai cấu phần này.
Lãnh đạo ngân hàng cho biết định hướng của BIDV trong năm nay là cấu trúc lại toàn diện hoạt động đầu tư tại các công ty con, công ty liên doanh, liên kết và các đơn vị hải ngoại nhằm mục tiêu bảo toàn vốn, nâng cao hiệu quả đóng góp vào hoạt động chung của toàn hệ thống.
Tổng tài sản của BIDV năm 2018 tăng 9,2% lên hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tiếp tục là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam. Dư nợ tín dụng và đầu tư hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2017, trong đó dư nợ tín dụng khoảng 1 triệu tỷ đồng, chiếm 13% thị phần toàn ngành. Tổng huy động của BIDV đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 9%. Ngân hàng duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,8%.