Những ngày gần đây, dư luận quan tâm đến việc hoàng tử xiếc Quốc Nghiệp bị chẩn đoán vẹo xương cổ, nguy cơ liệt tay nhưng anh vẫn tập luyện xiếc hàng ngày và quyết định không phẫu thuật.
NSND Vũ Ngoạn Hợp – một tên tuổi lớn của nghệ thuật xiếc, nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam – chia sẻ với Zing.vn về những đồng cảm của mình với lựa chọn của đồng nghiệp và những câu chuyện đằng sau nghề xiếc.
NSND Vũ Ngoạn Hợp – một tên tuổi lớn của nghệ thuật xiếc, nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Ảnh: Khuê Tú. |
‘Từng khuyên Quốc Nghiệp nghỉ một thời gian để chữa bệnh’
Cách đây vài năm, khi biết Quốc Cơ – Quốc Nghiệp đối mặt với bệnh nghề nghiệp, tôi từng khuyên hai anh em nên nghỉ một thời gian, tìm nơi uy tín để chữa trị.
Nhưng sau đó, chắc sức khỏe đã bình thường, họ vẫn thường xuyên tham gia biểu diễn và giành những giải rất cao, vừa rồi là đạt kỷ lục thế giới, một thành tích rất đáng ngưỡng mộ. Đó là niềm tự hào của ngành xiếc nước nhà.
Về tin Quốc Nghiệp bị vẹo xương cổ, có nguy cơ liệt tay, tôi chỉ biết cách đây mấy ngày thông qua báo chí. Trước đó 3-4 hôm, tôi có trực tiếp gọi điện cho hai anh em để mời tham gia đêm Gala Ngôi sao sân khấu Việt Nam, NSƯT Quốc Cơ và Quốc Nghiệp đều vui vẻ nhận lời.
Cuối năm nay, tôi còn dự định sẽ đưa hai nghệ sĩ tham gia một số festival ở Ý, Tây Ban Nha. Các bạn ấy vẫn bảo với tôi rằng “Nếu bên đó mời, chú nhớ cho chúng con đi”.
Tôi cũng đã giới thiệu với bên tổ chức về Quốc Cơ, Quốc Nghiệp. Thực sự, hiện nay nhiều nơi rất muốn mời hai anh em. Tôi biết là hai bạn ấy chạy show trong nước, ngoài nước còn không hết. Nhưng khi tôi mời, Quốc Cơ, Quốc Nghiệp vẫn luôn nhiệt tình.
Trước tình trạng của Quốc Nghiệp, là đồng nghiệp đi trước, tôi chỉ khuyên là nên giữ sức khỏe, đó là lời khuyên tốt nhất. Nhưng lời khuyên cũng chỉ là lời khuyên, quyền quyết định vẫn thuộc về cá nhân nghệ sĩ. Tôi biết Quốc Nghiệp vô cùng yêu nghề, do vậy, với cá tính và sự đam mê, bạn ấy sẽ không chọn dừng lại.
Nghề xiếc nguy hiểm nhưng có sức hút kỳ lạ
Nghề xiếc rất đặc biệt mà nhiều khi chỉ người trong nghề mới cảm nhận được. Tôi có 42 năm trong nghề, từng biểu diễn, rồi làm quản lý, giám khảo cho các cuộc thi quốc tế, tôi phải khẳng định rằng nghệ sĩ xiếc ở đâu cũng yêu nghề ngay cả khi chế độ đãi ngộ rất bình thường.
Nghệ sĩ xiếc làm được điều người khác không làm được, phải tập luyện rất khó mới biểu diễn được. Thế nên, khi bước lên sân khấu, các nghệ sĩ cảm giác như chinh phục được thiên nhiên, được thế giới, được những đỉnh cao của nghề. 90% nghệ sĩ xiếc mắc bệnh nghề nghiệp nhưng họ vẫn chấp nhận.
Bác sĩ có thể dặn Quốc Nghiệp nên bỏ nghề nhưng bạn ấy và nhiều nghệ sĩ khác vẫn vượt qua bằng nghị lực và sự cố gắng. Tất nhiên, mọi thứ đều 50 - 50, mình muốn cống hiến, mình phải chịu được vất vả khó khăn mới đạt được thành công. Khi đã tập luyện như vậy, không thể nói bỏ là bỏ được.
Các nghề khác, diễn hỏng người ta gọi là “hỏng” nhưng với nghề xiếc, hỏng là tai nạn, là nguy hiểm. Nhưng đó là bản chất của nghề xiếc vì biết ngã mà không đau còn ai đi xem xiếc làm gì. Người ta vẫn bảo “hay như xiếc”. Chính sự diệu kỳ ấy khiến người nghệ sĩ yêu nghề và sẵn sàng hy sinh tất cả.
Không nói chắc mọi người cũng biết nghề này chỉ sai một chút thôi là có thể đối mặt với thất bại. Thế nên, trong những trường hợp biểu diễn cặp, trong hậu trường hai người có thể cãi nhau nhưng khi bước ra sân khấu, họ vẫn hòa hợp để tiết mục được an toàn nhất.
Vào hậu trường, nếu vẫn còn giận có thể lại cãi nhau tiếp. Tình yêu là ở chỗ đó. Thế nên, với những cặp biểu diễn đôi, một người bị tai nạn nghề nghiệp, người còn lại nỗi đau cũng nhân lên rất nhiều lần.
'Tôi đã 7 lần bó bột, ngày nào cũng đau nhức'
Chừng ấy năm gắn bó với nghề xiếc, tôi cũng từng sốt 40 độ nhưng vẫn ra diễn vì một mình đảm nhận 3 tiết mục, không diễn không được và cũng không ai thay thế được.
Nhưng kỳ lạ là ở chỗ, khi khởi động chân tay, bước ra sân khấu, tôi có cảm giác như một người khỏe mạnh. Nhưng biểu diễn xong, bước chân vào hậu trường thì lại sốt, thậm chí còn nặng hơn lúc chưa biểu diễn. Không chỉ riêng tôi mà nhiều người đều như vậy.
Tất nhiên, như thế là không khoa học. Nhưng tình yêu nghề không cho phép mình bỏ khán giả và để chương trình thất bại. Lúc đó, dù đối mặt với sự nguy hiểm nhất, tôi vẫn chọn bước ra sân khấu để biễu diễn.
Tôi nhớ có lần biểu diễn nhào lộn ở bên Nga. Nhào lần 1 rất đẹp nhưng nhào 2, tôi ngã xuống bằng gáy. Lúc tỉnh dậy thấy mọi người đang hô hấp cho mình. Nhưng hồi đó, tôi còn trẻ nên chỉ nửa tháng sau là tháo bột và lại nhào lộn như chưa có chuyện gì xảy ra.
Thế nên, bây giờ về già cũng có nhiều vấn đề về sức khỏe. Đầu gối lúc nào cũng phải băng. Vai, gáy cũng thường xuyên đau. Bản thân tôi cũng đã 7 lần bó bột, từ cổ chân, đầu gối đến cổ. Nhưng với nghề này, những lần bó bột là khó tránh.
Mọi người phải hiểu rằng cổ người chỉ chịu đựng được 5 cân, đó là cái đầu của mình. Nhưng khi biểu diễn xiếc, cái cổ đó phải trồng cả một cơ thể, nếu biểu diễn theo nhóm, cổ đó còn phải đỡ nhiều người khác ở bên trên vì làm trụ.
Thời tôi còn trẻ nhiều người thân cũng khuyên tôi bỏ nghề vì vất vả và nguy hiểm quá nhưng tôi không chịu. Đã theo nghề này, nếu bỏ chỉ là vì không có năng khiếu, không theo được nghề, còn đã theo thì thường không ai bỏ được.
Nhưng tôi cũng thú thật rằng, nghề xiếc đào tạo thì lâu nhưng tuổi nghề lại ngắn, phúc lợi xã hội cũng không nhiều.