Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

ĐẠI HỘI ĐẢNG XIII

Bí thư Yên Bái chia sẻ về việc 'không phải người địa phương'

“Với cán bộ từ Trung ương về địa phương, thuận lợi là có tư duy bao quát về quản lý Nhà nước, song khó khăn là cần thời gian đi sâu đi sát tìm hiểu cơ sở”, Bí thư Yên Bái chia sẻ.

Ông Đỗ Đức Duy nhận được số phiếu tín nhiệm tuyệt đối tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh hôm 23/9, bầu giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái. Cách đây 3 năm, khi đang là Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông được điều động về làm Chủ tịch tỉnh này.

Là cán bộ từ Trung ương được điều động về địa phương, ông Đỗ Đức Duy chia sẻ với báo chí về những thuận lợi, khó khăn trong suốt quá trình công tác.

Sự tự tin lớn hơn

- Sau 3 năm giữ chức Chủ tịch Yên Bái, nay tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ mới, ông có cảm xúc gì?

- Cách đây 3 năm - khi được điều động lên làm việc tại Yên Bái - tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào vì được Ban Bí thư tin tưởng, giao đảm nhiệm cương vị người đứng đầu chính quyền tỉnh Yên Bái.

Nhưng mặt khác, tôi cũng nhận thức trọng trách rất nặng nề khi đến một địa bàn mới, một vị trí công tác mới, nhất là khi bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn ở cơ sở.

Chính vì vậy, sau khi nhận nhiệm vụ, tôi rất nỗ lực học hỏi kinh nghiệm các cán bộ trong Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và những người nguyên là lãnh đạo tỉnh, kể cả bà con nông dân, để sớm có được đầy đủ thông tin về những thuận lợi, khó khăn của địa phương.

luan chuyen can bo tu Trung uong ve dia phuong anh 1

Bí thư Yên Bái Đỗ Đức Duy chia sẻ nhiều khó khăn, thuận lợi khi là cán bộ Trung ương được điều động về làm lãnh đạo địa phương. Ảnh: Hoàng Hà.

Song song với đó, tôi định hướng thực tế về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trình độ dân trí, các điều kiện khó khăn, thuận lợi để từ đó xác định chương trình kế hoạch trong ngắn hạn và dài hạn.

Xen lẫn cảm xúc vinh dự, tự hào khi đó là những băn khoăn, lo lắng nhất định, rằng “liệu mình có sớm tiếp cận, hoàn thành tốt công việc không?”.

Sau 3 năm, khi được Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành và được Ban Chấp hành bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, tôi cũng cảm thấy vinh dự, tự hào.

Nhưng tôi nhận thức rõ hơn trọng trách rất lớn lao, rằng ở trên cương vị người đứng đầu Đảng bộ tỉnh, mọi quyết định của mình sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng của địa phương. Nhân dân càng kỳ vọng, trọng trách càng lớn lao.

Hơn nữa, mục tiêu tiêu phấn đấu được chúng tôi đặt ra cao nên đây cũng là áp lực lớn. Song, bản thân tôi lại thấy tự tin hơn, vì chúng tôi đã hiểu rất rõ Yên Bái đang ở đâu trong khu vực, đang ở đâu trên bình diện quốc gia; Yên Bái có tiềm năng, thế mạnh gì và đang phải đối mặt với khó khăn, thách thức gì.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần này cũng đã xác định được phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, phù hợp để vượt qua những khó khăn, thách thức, khai thác tiềm năng, lợi thế để đưa Yên Bái phát triển đi lên. Vì thế, tôi có sự tự tin lớn hơn trước đây.

Trưởng thành nhanh hơn khi ở địa phương

- Là cán bộ Trung ương được điều động, luân chuyển về địa phương, ông xác định những thuận lợi, khó khăn gì khi là Chủ tịch, Bí thư tỉnh không phải người địa phương?

- Chủ trương luân chuyển cán bộ giữa Trung ương và địa phương là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và phù hợp.

Là một cán bộ từ Trung ương về địa phương thì có thuận lợi là có tư duy bao quát về quản lý Nhà nước ở tầm vĩ mô, và cũng có những phương pháp tiếp cận để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.

Bên cạnh đó, việc sâu sát, gắn bó, lăn lộn với cơ sở sẽ giúp cán bộ tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý Nhà nước, cũng như tổng kết thực tiễn để nâng tầm thành lý luận trong xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để phát triển một địa phương, một khu vực.

Những cán bộ được luân chuyển từ Trung ương về địa phương như chúng tôi vẫn thường nói với nhau rằng, đây chính là khoảng thời gian giúp chúng tôi trưởng thành nhanh hơn rất nhiều so với việc chỉ làm ở một vị trí hoặc một đơn vị nhất định.

luan chuyen can bo tu Trung uong ve dia phuong anh 2

Bí thư Yên Bái Đỗ Đức Duy và người tiền nhiệm - bà Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Hoàng Hà.

Tuy nhiên, cũng có những khó khăn nhất định. Cán bộ từ Trung ương về địa phương cần có thời gian tìm hiểu, đi sâu đi sát cơ sở để nắm vững được những thuận lợi, khó khăn, những vấn đề thực tiễn đang đặt ra cho địa phương. Từ đó mới xác định được phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết cụ thể.

Việc này đòi hỏi những cán bộ luân chuyển như chúng tôi phải hết sức nỗ lực, làm việc quên ngày quên giờ, không có ngày nghỉ.

Với tôi, ngày bình thường có thể điều hành công việc ở cơ quan, còn cuối tuần hay những ngày nghỉ, tôi dành thời gian để đi cơ sở nắm bắt tình hình.

- Vậy sau những ngày tháng lăn lộn với cơ sở, đi sâu đi sát ở địa phương, ông nhận thấy Yên Bái đã có thay đổi gì trong quản lý, điều hành?

- Hiện nay, Yên Bái đã thực hiện “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”. Nhiệm vụ được giao từ cấp cao nhất là bí thư tỉnh ủy trở xuống.

Trong các chương trình hành động của chúng tôi đều ghi rõ “bí thư tỉnh uỷ làm việc gì? Bao giờ xong? Chủ tịch tỉnh làm việc gì, bao giờ xong?”. Và như vậy, chúng tôi có thước đo để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, lãnh đạo.

Đây cũng là một điều kiện để cán bộ phải hết sức nỗ lực, phải gắn bó với cơ sở, phải lăn lộn với công việc mới có thể hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nếu cuối năm không hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ, lãnh đạo sẽ phải kiểm điểm trước cấp ủy, trước chính quyền.

Tân Bí thư Yên Bái nói về 'chỉ số hạnh phúc' trong nghị quyết Đảng

Ông Đỗ Đức Duy chia sẻ tâm huyết khi Yên Bái là tỉnh đầu tiên đưa “chỉ số hạnh phúc” vào nghị quyết. Theo ông, đây là điểm mới trong chiến lược phát triển của tỉnh nhiệm kỳ tới.

Hoài Thu ghi

Bạn có thể quan tâm