Nhiều tháng nay, hàng chục cán bộ xã ở các huyện tại tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động viết đơn xin nghỉ việc sau khi tỉnh này thực hiện chính sách sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và tinh giảm cán bộ quản lý.
Tại huyện Nghi Xuân có 4 xã, thị trấn sáp nhập lại thành 2 đơn vị hành chính gồm: xã Tiên Điền và thị trấn Nghi Xuân sáp nhập thành thị trấn Tiên Điền; xã Xuân Đan và xã Xuân Trường sáp nhập thành xã Đan Trường.
Một góc xã Tiên Điền (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nay là thị trấn Tiên Điền. Ảnh: Cổng thông tin huyện Nghi Xuân. |
Theo thống kê, đến cuối năm 2019, huyện này có 21 trường hợp xin nghỉ việc để tinh giảm, sắp xếp lại bộ máy. Những cán bộ xã xin nghỉ việc tự nguyện sẽ nhận được lương và hỗ trợ theo Nghị định 108, Nghị quyết 164, Nghị quyết HĐND huyện với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Ông Phan Văn Thư, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nghi Xuân, cho biết việc sáp nhập 4 đơn vị hành chính cấp xã khiến nhiều cán bộ, công chức dôi dư. Qua vận động đã có 21 cán bộ xã xin nghỉ tự nguyện.
“21 cán bộ tự nguyện xin nghỉ, theo quy định sẽ nhận được mức lương và hưởng chính sách hỗ trợ cao nhất khoảng 760 triệu đồng, thấp nhất 100 triệu đồng. Số tiền hưởng trợ cấp cao hay thấp tùy thuộc vào năm công tác, tiền lương, tiền đóng bảo hiểm”, ông Thư thông tin.
Vị trưởng ban tổ chức huyện ủy cho hay trong những trường hợp xin nghỉ có ông Phạm Đức Trung, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tiên Điền (nay là thị trấn Tiên Điền) nhận 760 triệu đồng tiền hỗ trợ. Việc vị cán bộ xã này nhận mức hỗ trợ cao là do ông Trung có thời gian công tác đến 31 năm, mức lương cao, số năm công tác cũng như thời gian đóng bảo hiểm còn nhiều.
Ông Phạm Đức Trung (bìa trái) người tự xin nghỉ việc sau khi sáp nhập xã. Ảnh: Cổng thông tin huyện Nghi Xuân. |
Chia sẻ về việc làm của mình, ông Phạm Đức Trung nói bản thân còn 10 năm nữa mới nghỉ hưu, nhưng vì muốn tạo cơ hội cho người khác nên sau khi có quyết định sáp nhập xã Tiên Điền với thị trấn Nghi Xuân, ông đã chủ động xin nghỉ việc.
“Phòng Nội vụ tính toán tôi sẽ được nhận 760 triệu đồng tiền hỗ trợ nghỉ việc để chờ hưu, nhưng mới thông báo chứ chưa được nhận. Số tiền này họ tính dựa vào quy định, còn tôi xin nghỉ việc vì nghĩ vị trí ấy nên giành cho thế hệ trẻ”, ông Trung nói.
Vị cán bộ xã cho biết khi đang làm việc tại xã ông nhận được lương và phụ cấp hơn 11 triệu đồng/ tháng.
Trong 8 tỉnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và xã, Hà Tĩnh là địa phương có số lượng đơn vị cấp xã phải sắp xếp nhiều nhất. Giai đoạn 2019-2021, tỉnh dự kiến giảm 46 xã, trong đó có một số huyện giảm nhiều như: Đức Thọ, Thạch Hà, Hương Sơn, Cẩm Xuyên.