Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí thư TP.HCM phân tích vì sao Việt Nam ngăn Covid-19 tốt hơn các nước

"Ta và Mỹ có ca lây nhiễm đầu tiên cùng nhau là ngày 23/1. Ngày 1/3, Mỹ có ca chết đầu tiên, Việt Nam thì không. Ngày 27/3, Mỹ có 85.400 người nhiễm, còn ta có 163 ca".

Đó là dẫn chứng của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân về những thành công bước đầu trong ngăn dịch Covid-19 của Việt Nam tại buổi trao đổi và cung cấp thông tin dịch Covid-19 chiều 30/3.

Bí thư Nhân dự báo đến ngày 31/3, Mỹ sẽ có 180.000 người nhiễm còn Việt nam có khoảng 220 người.

Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM cho rằng Việt Nam công nghệ lạc hậu hơn Mỹ nhưng nhờ nắm chắc quy luật sinh học, vận dụng quy luật xã hội cùng biện pháp y tế, áp dụng triệt để nên bức tranh chống dịch của 2 nước sẽ rất khác nhau.

"Ta không rối loạn bệnh viện. Không có người chết. Bài học là chúng ta áp dụng biện pháp không quá phức tạp nhưng nhất quán, quyết liệt, đồng bộ thì có thể ngăn chặn được", ông Nhân phân tích.

cuoc chien chong dich Covid-19 anh 1

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ những việc người dân cần làm trong 2 tháng tới để ứng phó dịch Covid-19. Ảnh: HMC.

Bí thư Nhân một lần nữa nhắc lại bài học từ hình mẫu của Nhật Bản và Hàn Quốc là kiểm soát tốt tốc độ lây lan của dịch để không vượt quá khả năng của nền y tế.

Theo quan điểm cá nhân, ông Nhân cho rằng sự thành công của Việt Nam trong giai đoạn đầu chống dịch là áp dụng tốt 4 biện pháp: Đeo khẩu trang, rửa tay, hạn chế tụ tập đông người và hạn chế nguồn lây nhiễm từ nước ngoài.

Lãnh đạo Thành ủy thống kê đến hết tháng 1, thế giới có 27 nước có ca nhiễm. Tháng 2 là 41 nước và đến tháng 3 là 131 nước. Như vậy, trong 3 tháng, 199/204 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có ca dương tính, chiếm tỷ lệ 97,5% quốc gia, cho thấy đây là đại dịch toàn cầu.

Ông Nhân cũng dẫn chứng thêm nhiều bằng chứng cho thấy tốc độ lây nhiễm "không ai hình dung được" của dịch bệnh này. Cụ thể, chỉ từ tháng 2 đến tháng 3, số ca nhiễm trên thế giới từ 85.500 lên 840.000, tăng gần 9,9 lần.

Nhìn vào tốc độ lây nhiễm hiện tại của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng để so với thế giới, bí thư nhận định đến 2/4, TP.HCM sẽ đạt được mục tiêu dưới 150 ca nhiễm.

"Giường bệnh không thiếu, chưa ai chết. Nhật Bản, Hàn Quốc đều có người chết, Việt Nam chưa để ai chết", Bí thư Nhân nói về thành công của Việt Nam trong giai đoạn đầu chống dịch và nhắc nhở thêm: "Nhưng không được mất cảnh giác, không chủ quan vì còn nhiều nhiệm vụ mới".

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính đến 8h ngày 30/3 thành phố ghi nhận 45 trường hợp dương tính với Covid-19 (10 người đã khỏi bệnh, xuất viện). Tổng số ca nghi ngờ đến 28/3 là 297 trường hợp, trong đó có 293 ca có kết quả âm tính và 4 ca đang chờ kết quả.

Bệnh nhân Covid-19 làm thiệp tặng bác sĩ ngày xuất viện Bệnh nhân 90 được điều trị tại Bệnh viện dã chiến huyện Củ Chi (TP.HCM) tự làm thiệp tặng các bác sĩ ở đây thay lời cảm ơn nhân ngày được xuất viện.

Bệnh viện Bắc Thăng Long làm nơi điều trị Covid-19

Sở Y tế đang rà soát, chuẩn bị để Bệnh viện Bắc Thăng Long và bệnh viện dã chiến tại Mê Linh có thể tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Thu Hằng - Quang Huy

Bạn có thể quan tâm