Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí thư TP.HCM: Hợp tác với địa phương khác là để tự cứu mình

"Lâu nay TP.HCM nghĩ hợp tác với các địa phương là giúp bạn. Nhưng phải nghĩ lại, hợp tác chính là ‘cứu’ thành phố khỏi tốc độ đô thị hóa cao", Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nói.

Sáng 17/1, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Dự hội nghị có 5 ủy viên Bộ Chính trị, gồm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.

Ngoài ra còn có lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng nhiều bộ trưởng, bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành phố.

Lợi thế về nguồn lao động dồi dào

Trình bày tham luận tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân dành thời gian đề cập đến động lực phát triển của thành phố.

Ông nêu thực tế một số nước đang phát triển đang thiếu lao động, vì vậy, có nguồn lao động dồi dào và chất lượng cao là lợi thế rất quan trọng.

“TP.HCM có với 4,5 triệu lao động, đông nhất cả nước với trình độ nhân lực cao, cùng hệ thống giáo dục và đào tạo khá phát triển là lợi thế rất lớn của thành phố”, ông Nhân nói.

Bi thu TP.HCM Nguyen Thien Nhan anh 1

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Hải Quân.

Song người đứng đầu Thành ủy TP.HCM thừa nhận tình trạng yếu kém trong kết nối giữa các cực phát triển. Vì thế, thành phố đang thực hiện sự kết nối này ở một quy mô giới hạn, đó là xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.

Ở đây sẽ có khu công nghệ cao thành công bậc nhất cả nước, thu hút 7 tỷ USD và xuất khẩu mỗi năm trên 8 tỷ USD. Nơi đây cũng có mật độ trường đại học chất lượng cao nhất cả nước với trên 100.000 sinh viên, 2.000 tiến sĩ cùng các trung tâm đào tạo - nghiên cứu lớn.

“Khu vực này chiếm 11% diện tích thành phố, chiếm 11% dân số, triển vọng đóng góp ít nhất 30% tổng sản phẩm kinh tế của TP.HCM”, ông Nhân chia sẻ.

TP sẽ cùng ngồi lại với 7 tỉnh ĐBSCL, 2 tỉnh Đông Nam Bộ có biển để hoạch định lại phương thức phát triển kinh tế biển

Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân

Bí thư TP.HCM cũng nhắc con số 315.000 người thành phố sử dụng dịch vụ gọi xe kết nối. Ông nhìn nhận đó là kinh tế chia sẻ - một phương thức kinh tế mới và đang phát triển mạnh nên thành phố sẽ tập trung vào nội dung này.

Bài tham luận của Bí thư TP.HCM cũng nhìn nhận lại vai trò của kinh tế biển. Viện dẫn kinh nghiệm quốc tế, ông Nhân cho rằng 100 km từ bờ biển trở vào có nguồn lực rất lớn để phát triển kinh tế biển. Ví dụ, ở Mỹ, khu vực này chiếm khoảng 1/3 diện tích nhưng đóng góp đến 85% kinh tế quốc gia này.

Nhấn mạnh TP.HCM nằm trong vùng kinh tế biển, ông Nhân cho rằng phải cùng ngồi lại với 7 tỉnh ĐBSCL, 2 tỉnh Đông Nam Bộ có biển để hoạch định lại phương thức phát triển kinh tế biển.

Áp lực về gia tăng dân số

Một động lực khác được Bí thư Nhân đề cập là hợp tác vùng. “Lâu nay TP.HCM có hợp tác, nhưng ít nhiều suy nghĩ đó là mình giúp bạn. Nhưng chúng tôi phải suy nghĩ lại, hợp tác với các địa phương là chính giúp thành phố, nói cách khác là ‘cứu’ thành phố khỏi tốc độ đô thị hóa cao”, ông Nhân nhìn nhận.

Bi thu TP.HCM Nguyen Thien Nhan anh 2

Những khu căn hộ chen chúc tạo nên hình ảnh “rừng bê tông” giữa lòng thành phố. Trong ảnh là dự án The Manor của Bitexco và Vinhomes Central Park của Vingroup. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo ông, cứ 5 năm thành phố tăng thêm 1 triệu người, cùng với đó là gia tăng về nhà ở, phương tiện tạo áp lực quá tải. Nếu không hợp tác với các địa phương xung quanh thì đô thị hóa sẽ dồn vào TP.HCM và không có cách nào ngăn chặn được quá trình này.

“TP.HCM đô thị hóa nhưng cũng phải giúp các địa phương đô thị hóa, làm ăn kinh tế thì người dân mới ở lại. Chúng tôi đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với 13 tỉnh miền Tây, sắp tới sẽ hợp tác về giao thông. Hợp tác là để giúp cho chính mình và cả nước cùng phát triển”, ông Nhân nhấn mạnh.

Bi thu TP.HCM Nguyen Thien Nhan anh 3

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Hải Quân.

Trong hợp tác với nước ngoài, Bí thư TP.HCM nhấn mạnh phát triển phải dựa vào tri thức, chuyên gia, nguồn vốn nước ngoài, cả về chống ngập và giao thông. Vì thế, thành phố đã chọn 15 nước là đối tác chiến lược để tìm ra các giải pháp ban đầu.

TP.HCM đô thị hóa nhưng cũng phải giúp các địa phương đô thị hóa, làm ăn kinh tế thì người dân mới ở lại

Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân

Vấn đề cuối cùng được ông Nhân đề cập là văn hóa vì văn hóa là ưu tiên, tiền đề để phát triển. “Con người là nguồn lực chính cho phát triển kinh tế. Muốn vậy, con người đó phải có sức mạnh, mà sức mạnh đó chính là văn hóa, bên cạnh sức mạnh trí tuệ”, ông Nhân nhấn mạnh.

Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cũng cam kết thời gian tới bên cạnh đảm bảo an ninh sẽ đảm bảo đóng góp về ngân sách.

“Trung ương giao bao nhiêu, thành phố sẽ phấn đấu đạt bấy nhiêu”, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Bí thư Nhân: Người dân muốn có nhà ở, cán bộ phải trăn trở suy nghĩ

Trước thực tế dân số TP.HCM tăng tới 1 triệu người trong 5 năm, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh khi người dân có nhu cầu nhà ở, cán bộ phải trăn trở suy nghĩ tìm cách đáp ứng.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân muốn phụ nữ TP.HCM sinh con nhiều hơn

Để TP.HCM tiếp tục giữ vững nhịp độ phát triển kinh tế, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng mức độ tăng trưởng dân số phải tương xứng để tạo ra nguồn lao động.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm