Ngày 7/3, hội nghị đối thoại với doanh nghiệp do Thành uỷ, UBND TP.HCM tổ chức trở nên rất nóng khi số lượng doanh nghiệp tham dự lên đến gần 400 doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp tham dự đều mong muốn gửi đến những ý kiến, khúc mắc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trao đổi cùng doanh nghiệp. Ảnh: V.D |
Đại diện một doanh nghiệp BĐS phàn nàn về việc xin báo cáo chi tiết về dân số của khu vực đầu tư dự án quá lâu. Thông thường quy trình này phải mất 60 ngày và có thể kéo dài hơn vì chưa có sự thống nhất giữa Sở Quy hoạch Kiến trúc và địa phương quản lý. Đây là thời gian quá dài để có thể khởi động một dự án.
Phản hồi ý kiến này, lãnh đạo sở Quy hoạch kiến trúc cho rằng vì việc tính toán quy mô dân số tương đối phức tạp. Mỗi địa phương lại diễn biến theo một kiểu nên sẽ mất nhiều thời gian. Sở phải chờ kết quả thẩm tra từ quận mới có thể đưa ra phản hồi và hướng dẫn chi tiết cho doanh nghiệp được.
Tuy nhiên ông Đinh La Thăng chất vấn: “Nếu 60 ngày là xong nhưng tới ngày 59 thì lại thông báo hồ sơ của doanh nghiệp thiếu lại trả về thì không ổn. Doanh nghiệp cần một đầu mối để tiếp xúc và chờ đợi kết quả trong một thời gian nhất định. Vậy đầu mối chịu trách nhiệm là đơn vị nào? Ở sở hay ở quận?”
“Doanh nghiệp xây dựng một dự án thì phải được cung cấp thông tin khu vực này quy hoạch là bao nhiêu dân... chứ không phải doanh nghiệp đến gặp lãnh đạo quận rồi trình bày để xin cho. Anh là tư lệnh thì anh phải chịu trách nhiệm trước doanh nghiệp. Còn tiến độ công việc của địa phương, anh có trách nhiệm đôn đốc sao cho kịp thời hạn. Đó mới là đồng hành với doanh nghiệp”, Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Tại cuộc gặp, nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại với mục tiêu TP.HCM có được 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020. Ông Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm câu lạc bộ các nhà kinh tế, cho rằng đây là chuyện không dễ làm bởi thời gian không còn nhiều.
Theo ông Thành, cần có những giải pháp đồng bộ, đủ mạnh để phát triển các hộ kinh doanh cá thể bởi đây là đối tượng chính, có kinh nghiệm, nguồn vốn…Thứ hai, phải thay đổi một cách căn cơ về nhận thức, thái độ làm việc của cán bộ công quyền.
Ông cũng nêu vấn đề: Doanh nghiệp phát triển nhanh thì nhu cầu về đường sá, mặt bằng, cơ sở kinh doanh… rất lớn. Vậy hạ tầng TP.HCM có đáp ứng được không?
Trả lời về thắc mắc này, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng mọi kế hoạch đặt ra đều có cơ sở chứ không phải chạy theo con số chỉ tiêu. Hiện thành phố có khoảng 245.000 hộ kinh doanh cá thể nhưng chỉ đóng góp 2% nguồn thu cho ngân sách. Đây là con số chưa xứng với tiềm năng và TP vẫn chưa giúp họ phát huy hết giá trị năng lực.
“Trong tổng số hộ kinh doanh cá thể của TP.HCM có khoảng 14.000 hộ kinh doanh cá thể đủ khả năng lên doanh nghiệp. Do đó, thành phố đang tập trung các chính sách, giải pháp nhằm khuyến khích các hộ cá thể trở thành doanh nghiệp trong tương lai. Trong đó, các vấn đề về chính sách thuế, hỗ trợ tín dụng, vốn vay… sẽ được đặc biệt quan tâm", ông Liêm nói.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng để 7 chương trình đột phá của thành phố đạt kết quả tốt, nhất là hoàn thành mục tiêu có 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020 còn nhiều việc phải làm. Tuy nhiên thành phố kỳ vọng trong tương lai sẽ có những tập đoàn của TP.HCM nằm trong Top 500 tập đoàn hàng đầu thế giới.
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan báo cáo cụ thể sau một năm Hội nghị lãnh đạo thành phố gặp gỡ doanh nghiệp, có bao nhiêu văn bản, chính sách thuộc thầm quyền của thành phố đã được ban hành. Các chính sách nào được tháo gỡ và có những vấn đề nào bất cập chưa làm được.
“Chính quyền TP.HCM khẳng định sẽ luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, vì sự phát triển chung của địa phương. Phải báo cáo cụ thể để thấy rằng việc tổ chức hội nghị kết nối lãnh đạo gặp gỡ doanh nghiệp thực sự có ý nghĩa chứ không thành hình thức”, ông Phong nói.
Theo Bí thư Thăng, cải cách thủ tục hành chính là một trong những giải pháp đột phá của thành phố. Làm sao mỗi bộ phận chỉ có một người chịu trách nhiệm. Mục tiêu là TP.HCM trở thành thành phố số một.
“Đây không phải là điều viển vông. Chúng ta phải có khát vọng và những đóng góp suốt một năm qua của doanh nghiệp, chuyên gia... đều thể hiện khát vọng đó", ông Thăng nói.