Đấu thầu giá thuốc, nâng cấp cơ sở vật chất và liên kết nguồn lực xã hội hóa để xây mới bệnh viện là những vấn đề “nóng” đưa ra tại Hội nghị Phối hợp công tác giữa TP HCM và Bộ Y tế chiều 6/3 dưới sự chủ trì của Bí thư Đinh La Thăng và Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
Nhiều giám đốc bệnh viện, cơ sở y tế cũng hiến kế để cùng tìm hướng phát triển.
Ủng hộ xây mới nhiều bệnh viện
Theo ông Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở y tế TP HCM, người bệnh thường không hài lòng vì mật độ giường bệnh quá tải, cung cách phục vụ giao tiếp của y bác sĩ của bệnh viện công lập, thời gian chờ đợi khám quá lâu.
Mật độ giường bệnh hiện là 14-20 m2 trong khi mật độ chuẩn là 20-30 m2. Công suất giường bệnh ở các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa đầu ngành của TP hầu như đều quá tải. Cụ thể tại bệnh viện ung bướu là 170%, chấn thương chỉnh hình 116%, Nhi đồng 209%...
Chia sẻ với ông Thượng, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết dịp Tết vừa qua, một ngày bệnh viện phục vụ gần 3.000 bệnh nhi.
Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nhấn mạnh, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng điều trị là rất cấp thiết. Nếu nguồn ngân sách nhà nước chưa có thì cần mạnh dạn xã hội hóa.
Trong buổi làm việc với ngành y tế, Bí thư Đinh La Thăng đã yêu cầu nâng cao chất lượng phục vụ, giảm tải, giảm khâu trung gian đấu thầu giá thuốc. Ảnh: Hoàng Bình. |
Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất, Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu các dự án bệnh viện đang xây dựng cần thúc tiến độ để sớm đưa vào khai thác.
“Phải tiếp tục xây mới bệnh viện, trang thiết bị cơ sở vật chất theo hướng nguồn lực xã hội hóa. Nếu nhà tư không có năng lực tài chính thì thay ngay nhà đầu tư khác. Không thiếu nhà đầu tư”, Bí thư nói.
Tân bí thư Thành ủy TP HCM cũng chỉ đạo ngành y tế rà soát lại chiến lược phát triển phù hợp với quy hoạch phát triển thành phố đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Ông đề nghị Chủ tịch UBND TP giao Sở Y tế cơ chế đặc thù để chủ động phát triển bởi "đô thị đặc biệt cần có cơ chế đặc thù để giúp đời sống người dân cao hơn".
Chia sẻ câu chuyện quá tải, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cho biết, hiện số giường ở các bệnh viện cả nước tăng rất nhiều, song, Nhà nước đầu tư còn khiêm tốn. TP HCM cần tăng cường mức độ đầu tư, đặc biệt ở bốn cửa ngõ gánh chịu 40% người dân các tỉnh về. Ngân sách phải đầu tư cao hơn so với mặt bằng chung cho lĩnh vực này, nếu thiếu thì vận động xã hội hóa.
Nóng chuyện đấu thầu thuốc
Ngoài câu chuyện quá tải, hội nghị thật sự “nóng” lên khi Bí thư Đinh La Thăng đặt hàng loạt câu hỏi cho lãnh đạo Sở Y tế về vấn đề kê khai giá thuốc, đấu thầu thuốc. "Kê khai giá thuốc đã phù hợp chưa? Hệ thống nhà thuốc bán lẻ tổ chức phù hợp chưa? Làm sao giá thuốc từ khâu nhập khẩu đến người bệnh qua ít khâu trung gian nhất?", ông chất vấn.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung (Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cho biết, nguyên tắc lâu nay đối với bệnh viện tự chủ toàn phần thì sẽ toàn quyền quyết định trong đấu thầu. Còn bệnh viện vốn ngân sách thì phải qua nhiều khâu, Sở Y tế sẽ quyết định.
“Nên có chính sách riêng đối với bệnh viện tự chủ toàn phần và bệnh viện ngân sách nhà nước. Đội ngũ đấu thầu của mình phải chuyên nghiệp mới đáp ứng được thời gian và thỏa thuận được giá phù hợp”, bà Dung đề xuất.
Còn bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP cho biết, về đấu thầu thuốc, TP có hội đồng thuốc đấu thầu tập trung và bảo hiểm xã hội là một trong những thành viên. Đấu thầu giá thuốc tốt mới đảm bảo được quỹ bảo hiểm y tế của TP...
Đồng quan điểm, Phó giám đốc Sở Y tế Phạm Khánh Phong Lan cho hay, đấu tập trung rất có lợi, quy chế giám sát tiêu cực cũng dễ kiểm soát.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin, sắp tới Bộ sẽ ban hành thông tư đấu thầu tập trung và trung tâm mua sắm tập trung. Còn Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, có thể khống chế được tình trạng hoa hồng kê đơn thuốc bằng việc tăng cường kiểm tra giám sát.
"Cần đốc thúc xây dựng các dự án bệnh viện mới thật nhanh. Đội ngũ y bác sĩ cần nâng cao y đức, thái độ, cung cách phục vụ người bệnh. Tôi giao Sở Y tế phụ trách vấn đề an toàn thực phẩm. Thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, Sở Y tế chịu trách nhiệm", ông Thăng chốt lại.
Năm 2015 TP HCM khám và điều trị cho 34 triệu lượt bệnh nhân
Năm vừa qua ngành y tế TP HCM đã khám và điều trị cho hơn 34 triệu lượt bệnh nhân, trong đó 40-60% là người bệnh đến từ các tỉnh khu vực phía Nam và miền Trung. Tỷ lệ khám chữa chiếm gần 24% của cả nước.
Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ đẩy mạnh đưa công nghệ thông tin vào quản lý, giảm thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ cho bệnh nhân. Từ năm 2017 và 2018 khi hai bệnh viện Nhi đồng TP và Ung bướu – cơ sở 2 đưa vào hoạt động sẽ giảm tải tình trạng quá tải hiện nay.
Ngành y tế TP phấn đấu đạt 5 mục tiêu trong ngành y tế: tốt hơn, an toàn hơn, nhanh hơn, rẻ hơn và hài lòng hơn.