Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Bí thư Thái Nguyên: Trăn trở thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo

"Một trong những trăn trở ở nhiệm kỳ này của lãnh đạo Thái Nguyên là thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, nâng cao toàn diện đời sống người dân", bà Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.

"Một trong những trăn trở ở nhiệm kỳ này của lãnh đạo tỉnh là thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, nâng cao toàn diện đời sống người dân", bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, chia sẻ.

Bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên ở nhiệm kỳ 2020-2025.

Chia sẻ với Zing, bà Nguyễn Thanh Hải nêu nhiều định hướng phát triển của địa phương trong nhiệm kỳ mới, trong đó có nhiệm vụ nâng cao toàn diện đời sống, hướng tới sự hài lòng và hạnh phúc của người dân.

- Thưa Bí thư, nhìn lại nhiệm kỳ đã qua, bà muốn nhắc tới những dấu ấn gì trong sự phát triển của địa phương?

- Thái Nguyên trong nhiều nhiệm kỳ, đặc biệt 5 năm qua, đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tác động tích cực đến đời sống người dân.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, 19/19 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra (trong đó có 14 chỉ tiêu vượt mức). Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân của tỉnh là 11,1%/năm trong khi mục tiêu đặt ra là 10%/năm.

Khu vực công nghiệp - xây dựng có bước tăng bứt phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa. Thái Nguyên là một trong những địa phương tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với trên 90 dự án.

Thu ngân sách tăng trưởng ở mức cao, đến năm 2020 gấp 2,1 lần năm 2015. Đầu nhiệm kỳ, tỉnh chỉ thu ngân sách 7.500 tỷ đồng nhưng cuối nhiệm kỳ đã đạt gần 16.000 tỷ. Về chương trình xây dựng nông thôn mới, Thái Nguyên dẫn đầu trong 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Tỉnh cũng xếp thứ tư về phát triển công nghiệp.

Đặc biệt, chỉ số ấn tượng trong nhiệm kỳ qua là GRDP bình quân đầu người đạt 90 triệu, phấn đấu đến 2025 đạt 150 triệu. Tỉnh phấn đấu đến 2025, thu nhập người dân đạt 100 triệu đồng.

- Trong mỗi văn kiện trình Đại hội Đảng bộ của các tỉnh đều có điểm nhấn mang dấu ấn riêng, ví dụ như Yên Bái có “chỉ số hạnh phúc”. Dấu ấn trong văn kiện Đại hội lần này của Thái Nguyên là gì?

- Thái Nguyên đang phát triển mạnh về công nghiệp. Trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp chiếm 61%, thế nhưng 70-80% dân số vẫn sống bằng nông nghiệp, vì thế, tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp để nâng cao đời sống của người dân.

Muốn tăng thu ngân sách thì phát triển mạnh về công nghiệp, nhưng nếu phát triển nông nghiệp sẽ trực tiếp nâng cao đời sống của người dân.

Lần này, chúng tôi tập trung nâng cao toàn diện đời sống của người cả dân về tinh thần, vật chất. Vật chất thể hiện qua các chỉ số, còn về tinh thần, phải làm sao người dân cảm thấy vui vẻ, an toàn.

Nếu phát triển mạnh, thu nhập đầu người có thể tăng nhưng khiếu nại tố cáo gia tăng, an ninh trật tự thiếu ổn định, các tệ nạn xã hội tăng - như vậy không phải phát triển bền vững. Bền vững phải phát triển mạnh về chất lượng.

Chúng tôi nhấn mạnh cuộc sống của người dân phải hạnh phúc, ấm no và sung túc. Có thể thu nhập bình quân đầu người của Thái Nguyên so với nhiều nơi không quá cao nhưng chúng tôi tập trung vào mức độ hài lòng, hạnh phúc của người dân, dù những cái đó không dễ định lượng.

Mặt khác, chúng tôi hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ công chức làm dịch vụ hành chính công phải có kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ; đặc biệt, phải có đạo đức công vụ, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả công việc.

Điểm nhấn của Thái Nguyên là hướng tới xây dựng cuộc sống tốt hơn về cả vật chất và tinh thần, giảm thiểu bức xúc, lo lắng của người dân, đảm bảo an ninh, an toàn cho xã hội, tăng cường sự hài lòng của người dân.

- Trong những nhiệm vụ tỉnh đặt ra trong nhiệm kỳ tới, đâu là việc khiến lãnh đạo tỉnh phải trăn trở?

- Một trong những trăn trở ở nhiệm kỳ này của chúng tôi là nhiệm vụ thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Ở Thái Nguyên, các huyện, đơn vị ở phía nam có điều kiện phát triển mạnh hơn, nhanh hơn ở khu vực phía bắc. Chúng tôi sẽ lấy thành tựu ở phía nam để bù đắp cho phía bắc, từ đó dần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong tỉnh. Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo cũng nhằm hướng tới sự hài lòng, hạnh phúc của người dân.

Đặc biệt, phải nhấn mạnh rằng tỉnh đang phát triển công nghiệp tốt, nhưng vẫn chú trọng phát triển nông nghiệp, hướng tới nông nghiệp sạch, công nghệ cao; lấy công nghiệp bù đắp cho nông nghiệp; hướng tới nâng cao toàn diện đời sống người dân.

Với tinh thần cầu thị, khiêm tốn, với tinh thần đoàn kết, thống nhất và sáng tạo, Ban Chấp hành Đảng bộ Thái Nguyên sẽ toàn tâm toàn ý xây dựng tỉnh Thái Nguyên phát triển trong thời gian tới, trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn và hiện đại của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Đại hội Đảng bộ tỉnh là sự kiện chính trị lớn, nhân dân mong chờ, kỳ vọng chủ trương, chính sách hợp lòng dân để đưa Thái Nguyên phát triển, như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đưa Thái Nguyên trở thành “một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất miền Bắc”.

- Mục tiêu được Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đưa ra là trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và Vùng thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Vậy trong nhiệm kỳ mới, tỉnh sẽ tập trung vào những khâu đột phá nào?

- Chúng tôi mong muốn thời gian tới kết nối với các tỉnh bạn như Bắc Ninh, Bắc Giang - là những nơi đang phát triển mạnh về công nghiệp và thương mại dịch vụ.

Vấn đề kết nối giao thông giữa Thái Nguyên và các tỉnh cũng cần được ưu tiên.

Bên cạnh đó là quan tâm kết nối các chuỗi giá trị trong tỉnh và giữa tỉnh với các địa phương khác trong cùng một lĩnh vực. Chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác với các tỉnh bạn trong những lĩnh vực tương đồng như trồng trọt, chăn nuôi, phát triển khu công nghiệp. Thái Nguyên có khu công nghiệp Samsung và Bắc Ninh, Bắc Giang cũng có, chúng tôi sẽ kết nối, phối hợp kêu gọi đầu tư để xây dựng được chuỗi liên kết, không để mang tính cục bộ.

Tỉnh cũng sẽ xác định rõ vai trò, vị trí trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng thủ đô Hà Nội, tận dụng tốt lợi thế đường vành đai 5 Hà Nội, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, tiếp tục đầu tư kết nối với các tỉnh Việt Bắc, sân bay quốc tế Nội Bài; coi trọng việc liên kết vùng để tạo động lực phát triển, xây dựng Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững, có kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Làm được việc đó thì thương mại, dịch vụ, công nghiệp và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thái Nguyên sẽ được nâng cao, phát triển trong thời gian tới.

- Là nữ cán bộ được điều động từ Trung ương về địa phương, bà cảm thấy thế nào khi được tín nhiệm bầu tiếp tục giữ cương vị người đứng đầu Đảng bộ của tỉnh?

- Khi được tín nhiệm giao nhiệm vụ mới, với tôi, đó vinh dự to lớn nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề.

Có thể nói rất áp lực! Nhưng với nền tảng, kết quả về kinh tế, xã hội mà những nhiệm kỳ trước đã xây dựng được cùng với vốn là tinh thần đoàn kết, thống nhất một lòng của tập thể Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi sẽ nỗ lực để chung sức, đồng lòng cùng gánh vác.

Với tôi, áp lực tạo ra động lực. Áp lực lớn nhưng với sự phối hợp, đồng hành, thống nhất, đoàn kết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và sự đồng hành của đội ngũ cán bộ sẽ biến thành động lực để giúp cho Đảng bộ Thái Nguyên tiếp tục sứ mệnh của mình.

Bi thu Thai Nguyen chia se tran tro trong nhiem ky moi anh 1

Tôi cho rằng khi đặt mục tiêu lớn thì mình phải liên tục nỗ lực, cố gắng hơn, luôn tìm ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả. Thường trong khó khăn ta sẽ luôn tìm ra ý tưởng mới.

- Từng nhiều năm công tác ở Quốc hội, gần một nhiệm kỳ giữ cương vị Trưởng ban Dân nguyện - là nơi tiếp cận, lắng nghe rất nhiều ý kiến của nhân dân và cử tri, những kinh nghiệm này giúp ích cho bà thế nào khi làm Bí thư Tỉnh ủy?

- Tôi có 2 nhiệm kỳ công tác ở Quốc hội và gần một nhiệm kỳ giữ cương vị Trưởng ban Dân nguyện. Ở vị trí đó, tôi được tiếp xúc với các ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, xã hội đến an ninh, quốc phòng. Qua đó nắm bắt được mong muốn, nguyện vọng của người dân ở rất nhiều lĩnh vực.

Cũng qua việc trả lời, phúc đáp kiến nghị cử tri của các bộ, ngành và cơ quan Trung ương, tôi hiểu rõ khó khăn, áp lực mà những đơn vị này gặp phải.

Những năm làm đại biểu dân cử là vốn rất quý, thậm chí có thể nói là vô giá với tôi, phần nào giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên.

Đây cũng là hành trang quý báu giúp tôi lãnh đạo toàn diện địa phương ở các mảng kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội và công tác Đảng. Đồng thời, nó giúp tôi có thêm nhiều kinh nghiệm trong xử lý các vấn đề trên cương vị người đứng đầu Đảng bộ tỉnh.

Cũng vì từng nắm được nguyện vọng của cử tri trên toàn quốc, khi về địa phương, tôi rất quan tâm công tác tiếp công dân ở tỉnh. Là người đứng đầu cấp ủy ở địa phương, tôi dành thời gian tiếp công dân đều đặn mỗi tháng một lần để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân.

Tôi hiểu rằng một khi nguyện vọng của người dân được giải quyết thấu đáo, việc đó sẽ góp phần rất lớn gây dựng niềm tin đối với đội ngũ cán bộ, lãnh đạo. Khi có được niềm tin là có tất cả.

- Hiện, nhiều lãnh đạo nữ được giao giữ những cương vị quan trọng. Theo bà, lãnh đạo nữ có thuận lợi và khó khăn gì?

- Chủ trương tăng cường đội ngũ lãnh đạo nữ ở các cấp ủy là chủ trương chung, đúng đắn của Đảng. Ở Thái Nguyên, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào cấp cơ sở và cấp trên cơ sở đều đạt tỷ lệ cao, vượt quy định trên 15%.

Trên toàn quốc, hiện có 9 bí thư tỉnh ủy là nữ. Là nữ lãnh đạo, chúng tôi cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng.

Một lãnh đạo nữ có thể mềm mại hơn trong giải quyết công việc, nhưng dù thế nào, chúng tôi vẫn phải hoàn thành tốt trọng trách, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, mỗi nữ lãnh đạo cũng phải cân bằng, hài hòa giữa công việc và gia đình. Tôi luôn quan niệm rằng, phụ nữ phải luôn luôn hạnh phúc, giữ lửa trong gia đình và hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trọng trách được giao trong công việc.

Bà Nguyễn Thanh Hải tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên

Bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhiệm kỳ 2020-2025.

Hoài Thu thực hiện

Ảnh: Hoàng Hà
Đồ họa: Nhân Lê

Bạn có thể quan tâm