Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí thư Thái Nguyên nói về mục tiêu trung tâm công nghiệp hiện đại

“Thái Nguyên đang trên chặng đường phát triển mới, với quyết tâm cháy bỏng trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực", bà Nguyễn Thanh Hải nói.

Tối 29/10, Tỉnh ủy Thái Nguyên sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh Thái Nguyên (4/11/1831-4/11/2021). Trước sự kiện quan trọng của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải đã dành thời gian trả lời báo chí về những định hướng, mục tiêu quan trọng để phát triển địa phương trong thời gian tới.

Thái Nguyên nằm ở vị trí trung tâm vùng Việt Bắc, là cửa ngõ liên thông giữa vùng trung du, miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng Bắc bộ, nên có vị trí chiến lược quan trọng đối với sự phát triển của vùng Việt Bắc và của cả nước.

“Thái Nguyên đang trên chặng đường phát triển mới, với một quyết tâm cháy bỏng trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030”, Bí thư Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Thu Anh.

Để thực hiện mục tiêu này, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên khẳng định địa phương sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh; đồng thời huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn trong phát triển công nghiệp, phát triển giáo dục, y tế, cung cấp nguồn nhân lực...

Nhiệm vụ quan trọng tỉnh đặt ra, theo bà Hải, là đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực; phát triển đồng bộ trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

“Việc này sẽ tạo tiền đề đến năm 2030, đưa tỉnh thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số”, Bí thư Thái Nguyên nhấn mạnh.

Lãnh đạo Thái Nguyên cho biết địa phương đang thuộc nhóm các tỉnh, thành có tốc độ phát triển kinh tế GRDP cao so với cả nước; thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và phát triển đô thị được chú trọng; các ngành dịch vụ phát triển tương đối đồng bộ, ngày càng nâng cao về giá trị.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, bà Hải cho biết nhờ các giải pháp quyết liệt, Thái Nguyên đã và đang là vùng xanh, an toàn của cả nước trong phòng, chống dịch.

Với quyết tâm trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, Bí thư Thái Nguyên khẳng định tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Đặc biệt, địa phương xác định mục tiêu tích cực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và quản lý dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Thái Nguyên hỗ trợ tiền cho công dân của tỉnh ở 22 tỉnh thành phía Nam

Người dân Thái Nguyên đang sinh sống, làm việc tại 22 tỉnh, thành phố phía Nam gặp khó khăn do giãn cách xã hội sẽ được tỉnh hỗ trợ 2 triệu đồng/người từ Quỹ cứu trợ của tỉnh.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm