Thông tin trên được ông Dương Anh Đức, Bí thư Quận ủy quận 1, TP.HCM cho biết tại phiên thảo luận tổ về quy hoạch thành phố, trong phiên họp thứ 31 của Thành ủy hôm nay.
Bí thư quận 1 Dương Anh Đức đề xuất TP có cơ chế đặc biệt, cho xây dựng công trình vượt độ cao, tăng hệ số sử dụng đất... Ảnh: SGGP. |
Theo ông Đức, ngay giữa trung tâm thành phố nhưng có những khu vực người dân sống trong điều kiện rất chật chội.
Cụ thể, ông nhắc đến khu chợ Gà, chợ Gạo (phường Cầu Ông Lãnh), nhiều hộ dân sinh hoạt trong không gian chật hẹp, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. “Có gia đình khi đi ngủ phải chia ca vì chật chội. Có khu đất chỉ rộng 15m2 nhưng có tới 4-5 hộ dân sinh sống”, ông Đức nói.
Theo ông, quận 1 đã kêu gọi đầu tư chỉnh trang đô thị các khu vực nói trên. Song, do nằm trong khu 930ha bị hạn chế về chỉ số sử dụng đất, chiều cao… nên nhiều nhà đầu tư đến rồi đi.
Có nhà đầu tư tuyên bố không tính lãi, đủ chi phí để làm, quận cũng tạo điều kiện tối đa, nhưng cũng không triển khai được.
Không riêng khu chợ Gà, chợ Gạo, ông Đức cho biết, quận 1 còn một số khu vực khác chật hẹp như vậy.
Theo ông, nếu áp dụng các quy định hiện nay, chắc chắn không có lời giải cho bài toán chỉnh trang đô thị.
Qua đó, ông đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy có cơ chế đặc biệt để giải quyết khó khăn này. Trong đó, cần cho xây dựng công trình vượt độ cao, tăng hệ số sử dụng đất.
“Nếu chúng ta không có chính sách đặc biệt, sau 50 năm nữa những khu vực như vậy vẫn sẽ tồn tại. Khu trung tâm thành phố sẽ mãi mãi không bao giờ thực sự là đô thị thông minh”, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Nợ dân quy hoạch không gian ngầm
Cũng tại phiên thảo luận, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất - công nghiệp TP.HCM (HEPZA) nêu, trước đây Thủ tướng đã ban hành Quyết định 24/2010 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025, trong đó có đề cập đến quy hoạch không gian ngầm.
“Nhưng hiện nay, TP vẫn đang nợ doanh nghiệp, người dân quy hoạch này”, ông Hưng bày tỏ.
TP.HCM vẫn chưa có quy hoạch không gian ngầm, dù theo Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi là lãnh đạo thành phố đã đốc thúc Sở QH-KT. Ảnh: Nguyễn Huế. |
Cũng theo ông Hưng, do không có quy hoạch không gian ngầm, doanh nghiệp muốn xây một tầng hầm của nhà xưởng để đậu xe hay làm căng tin phục vụ người lao động cũng phải xin UBND cấp thẩm quyền.
Trong đồ án quy hoạch của thành phố có một phần nói về không gian ngầm nhưng nội dung chưa rõ ràng. Ông đề nghị phải hình dung ngay những điều này từ bây giờ để sau này không phải mất thời gian xin ý kiến điều chỉnh.
Trao đổi lại, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã thừa nhận, các đồ án quy hoạch trước được làm từ cách đây 14-15 năm.
“Lúc đó chỉ nghĩ đến đất chứ không nghĩ cần làm không gian ngầm, không gian cao nên đúng là thiếu sót. Hiện nay, cả thành phố đang nợ về phần không gian ngầm này”, ông Nhã cho hay.
Nêu ý kiến chỉ đạo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, không nên tư duy không gian ngầm theo hướng dưới hội trường này có 3 hay 4 tầng hầm, mà phát triển không gian ngầm hàng chục, thậm chí hàng trăm hecta.
Ông Mãi cũng cho biết, lãnh đạo thành phố đã đốc thúc Sở QH-KT làm từ lâu, nhưng đến nay chưa có.
Như VietNamNet đưa tin, trong khi TP.HCM chưa có quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị, cơ quan quản lý quy hoạch đề xuất nhà ở riêng lẻ chỉ được xây tối đa 1 tầng hầm và không được bố trí phòng ở. Đối với các dự án đầu tư công trình xây dựng, bắt buộc phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng, Sở QH-KT kiến nghị cho phép cơ quan thẩm quyền được thẩm định, phê duyệt tối đa 1 tầng hầm trên cơ sở ý kiến của các sở, ngành liên quan.
Với những dự án đầu tư xây dựng công trình từ 2 tầng hầm trở lên, Sở đề xuất việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng trên cơ sở phù hợp với quy định về quản lý không gian ngầm.