Vụ việc nhóm côn đồ khoảng 200 người cùng mặc áo cam kéo đến đập phá quán ốc tại phường An Lạc A khiến người dân TP.HCM lo lắng hơn trước thực trạng các băng nhóm tội phạm hoạt động ngày càng manh động, ngang nhiên.
Trao đổi với Zing bên hành lang Quốc hội, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhiều lần nhắc đến cụm từ “phải xử lý quyết liệt, dứt điểm”.
Tập trung xử lý nhóm cầm đầu
Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết khi nắm bắt thông tin về vụ việc nhóm giang hồ gây án, Thành ủy đã lập tức lên tiếng, chỉ đạo Công an và UBND thành phố khẩn trương làm rõ, xử lý dứt điểm. Bởi vậy, chỉ sau 2 ngày, công an đã khởi tố hình sự vụ án, tạm giữ một số người liên quan.
“Quan điểm của thành phố trong vụ này là phải làm quyết liệt và sẽ thông báo kết quả trước 30/6. Khi đó, Công an thành phố phải báo cáo Thường trực Thành ủy xem vụ việc đã được xử lý đến đâu. Tinh thần là chỗ nào rõ thì xử lý trước chứ không chờ tất cả xong mới xử lý”, ông Nhân nói.
Bí thư TP.HCM nhấn mạnh một thành phố có chính quyền, có đảng bộ, không thể để băng nhóm tội phạm lộng hành như vừa qua. Ảnh: Quang Huy. |
Đặc biệt, ông nhắc tới và yêu cầu làm rõ chi tiết nhóm côn đồ cùng mặc áo cam - đây là việc không thể chấp nhận được, bởi nó thể hiện hoạt động này là hoạt động có tổ chức.
“Có chính quyền, có đảng bộ mà để lộng hành như thế là không được”, ông Nhân một lần nữa nhắc lại thái độ cương quyết của thành phố.
Có chính quyền, có đảng bộ mà để băng nhóm giang hồ lộng hành như thế là không thể chấp nhận được
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân
Để nói về bài học trong xử lý những vụ việc tương tự, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM nhắc lại vụ một nhóm người gây rối, lộng hành tại trạm BOT An Lạc - An Sương cách đây 2 năm, vào khoảng tháng 1/2018. Khi đó, thành phố cũng chỉ đạo rất quyết liệt, vào cuộc mạnh mẽ nên chỉ trong 1 tháng, tình trạng này chấm dứt và không có tái phạm.
“Kinh nghiệm là khi một việc quận làm không dứt thì thành phố phải vào cuộc, chắc chắn sẽ xử lý được”, ông Nhân nói.
Bài học được người đứng đầu Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh là phải có thái độ cương quyết, phát huy sức mạnh hệ thống, chọn khâu đột phá để giải quyết.
“Ví dụ băng nhóm tội phạm đông người nhưng chắc chắn số lượng cầm đầu ít, tập trung xử lý nhóm cầm đầu, còn lại cũng chỉ là những người bị lôi kéo với mức độ khác nhau”, Bí thư Nhân nói.
Cần nắm bắt sớm, ngăn chặn kịp thời
Trong khi đó, ông Ngô Minh Châu, Phó chủ tịch TP.HCM, nguyên Phó giám đốc Công an thành phố, cho rằng TP.HCM đã có nhiều giải pháp để giải quyết, xử lý tình trạng băng nhóm tội phạm lộng hành.
Song lần này, thành phố tính tới việc tập trung vào giải pháp áp dụng công nghệ thông tin, khi có vụ việc xảy ra sẽ dùng tín hiệu để thông tin một loạt tới những đơn vị liên quan, tạo sự lan tỏa.
Hình ảnh băng nhóm tội phạm mặc áo cam với khoảng 200 người kéo đến đập phá đồ đạc ở một quán ốc trên địa bàn TP.HCM vừa qua. |
Theo ông, giải pháp này sẽ giúp quản lý tốt, phát hiện và ngăn chặn sớm việc các băng nhóm tội phạm ngang nhiên lộng hành.
“Cục An ninh mạng sẽ phối hợp với các đơn vị công nghệ thông tin của Sở Thông tin và Truyền thông, nắm bắt nhanh các vụ việc, khi có thông tin là phối hợp xử lý, ngăn chặn ngay. Ngăn chặn sớm thì mới không hình thành các vụ việc phức tạp, bởi những vụ này thường hình thành rất nhanh nên cần giải quyết ngay lập tức”, ông Châu nói.
Ngăn chặn sớm các băng nhóm tội phạm lộng hành thì mới không hình thành các vụ việc phức tạp
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu
Chia sẻ về cái khó của công an và lực lượng chức năng, ông Châu nói đó là những vụ việc này thường hình thành ngay lập tức, diễn ra nhanh và gây hậu quả cũng rất nhanh chóng. Đây là cái khó không chỉ của Việt Nam. Như ở nhiều nước, các vụ gây rối xảy ra xong mới thấy xe cảnh sát chạy tới là chuyện thường xuyên.
“Nó là diễn biến rất tự nhiên, ví dụ 2 người xảy ra mâu thuẫn, thách đố, nhắn tin xong là cả một nhóm có thể chạy đến giải quyết ngay lập tức”, ông Châu dẫn chứng.
Không để một bộ phận làm loạn xã hội
Phân tích dưới góc độ tội phạm học, thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An, nhìn nhận hiện có tình trạng xuất nhiều băng nhóm tội phạm, đặc biệt là tội phạm trẻ, hoạt động manh động với hàng chục, thậm chí hàng trăm đối tượng tham gia.
Việc này, theo ông Cầu, trước hết xuất phát từ đạo đức xã hội mà trước đây ông từng nhiều lần cảnh báo. “Khi đạo đức xã hội thay đổi, xuống cấp thì bắt đầu có tình trạng hành xử theo kiểu luật rừng”, ông nói.
Tướng công an phân tích về 2 cách đấu tranh, một là dùng pháp luật, hai là dùng vũ lực. Và cách dùng bằng vũ lực chỉ hợp với những đối tượng không có giáo dục.
Từ đó, Giám đốc Công an Nghệ An đề nghị phải quan tâm đến vấn đề đạo đức xã hội. Nếu để tình trạng nhóm giang hồ hoạt động như vụ ở TP.HCM vừa qua, tính nghiêm minh của pháp luật bị coi thường.
Với trường hợp đó, ông cho rằng phải trấn áp một cách kịp thời, không thể để một bộ phận làm loạn xã hội.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An. Ảnh: Hải Quân. |
Nhưng để trấn áp có hiệu quả, ngoài lực lượng chức năng mạnh, thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh cần sự đồng thuận của nhân dân. Khi người dân thấy các hành vi đó cần phải lên án. Việc này là cơ sở, và cũng tạo động lực, chỗ dựa cho cơ quan Nhà nước, tạo điều kiện cho lực lượng công an tấn công các loại tội phạm, lập lại trật tự.
Nhìn nhận việc trấn áp các băng nhóm tội phạm không khó, song ông Cầu thừa nhận cái khó ở chỗ kịp thời nắm bắt thông tin.
“Nếu biết cả một băng nhóm gây án thì chắc chắn phải ra lệnh trấn áp ngay, nhưng vì thông tin đến lực lượng công an chậm, dẫn đến ứng xử chậm nên để lại hậu quả. Còn hành vi này không ai dung thứ”, tướng Cầu nhấn mạnh.
Vụ việc kéo hàng trăm người đi thì tôi cho rằng không phải là bột phát
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu
Đề cập đến trách nhiệm của lực lượng công an và chính quyền địa phương, ông Cầu cho rằng phải nắm tình hình, quản lý tốt tại địa bàn dân cư.
Ngay tại cơ sở khi xảy ra vụ việc, nếu phát hiện sớm hơn, tổ chức ngăn chặn sớm thì có thể hậu quả không xảy ra, hoặc có xảy ra thì cũng giảm thiểu đi rất nhiều.
Song việc phát hiện chậm, theo tướng Cầu, không phải vì không sâu sát, mà vì có những vụ việc chỉ bột phát là xảy ra. “Nhưng với vụ việc kéo hàng trăm người đi thì tôi cho rằng không phải là bột phát”, ông nói thêm.
Tối 5/6, khoảng 200 thanh niên đi xe máy, mặc áo cam, đến trước quán ốc ở phường An Lạc A (quận Bình Tân, TP.HCM) chửi bới. Sau đó, một số người trong nhóm này cầm dao tự chế, 3 chĩa, xông vào quán đập phá bàn ghế và gây thương tích cho một người đàn ông 30 tuổi.
Sau khi gây án, nhóm người trên lên xe rời đi theo hướng về phường Bình Trị Đông B.
Qua điều tra ban đầu, công an xác định nguyên nhân vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, 2 nhóm người đã huy động lực lượng, hẹn nhau giải quyết.
Để phân biệt 2 phe, một nhóm mặc áo cam, mang hung khí đến quán ốc ở quận Bình Tân. Tuy nhiên, họ không gặp được người cần tìm nên đã đập phá quán nhậu, đánh một người 30 tuổi bị thương.
2 ngày sau, Công an TP.HCM khởi tố hình sự vụ án, đồng thời tạm giữ 15 người liên quan.
Đến 9/6, nghi phạm có vai trò cầm đầu vụ này đã sa lưới. Người này bị bắt khi lẩn trốn tại Ninh Thuận và được di lý về TP.HCM để phục vụ điều tra.