Bên lề Hội nghị chuyên đề mở rộng lần thứ 2 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI sáng 4/12, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trả lời Zing liên quan đến vụ việc nam tiếp viên Vietnam Airlines mắc Covid-19 và làm lây lan cho cộng đồng.
Không nhằm trừng trị
- Bí thư có quan điểm thế nào trong việc xử lý vụ nam tiếp viên Vietnam Airlines - bệnh nhân 1342 - không tuân thủ các hướng dẫn cách ly dẫn đến lây nhiễm trong cộng đồng?
- Tôi rất đau lòng trước việc phải xử lý một người như thế. Nhưng nhìn xã hội bị ảnh hưởng mình thấy đau lòng hơn. Một đốm lửa nhỏ vô ý thành ra cháy cả khu rừng, buộc người quản lý phải chấp nhận nêu tên anh lên.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: Thuận Thắng. |
Quan trọng, việc công khai người đó không phải để làm nhục mà vì cộng đồng, để lấy đó làm bài học, làm gương nhằm tránh những trường hợp tương tự. Mỗi người phải thấy rằng mình có trách nhiệm với cộng đồng. Mình phóng túng một chút, thiếu ý thức một chút, không nghiêm kỷ luật một chút là họa đến.
Quan điểm xử lý là răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh chứ không phải trừng trị.
- Tức là công lý phục hồi chứ không phải công lý trừng phạt?
- Đúng vậy. Tác dụng của nó là tác dụng cảnh báo. Bản thân người đó đã mất nhiều lắm rồi. Tôi không quen người đó nhưng tôi thấy bệnh nhân đó vô tư, không có ý lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Thế nhưng, so với bệnh nhân đó, mình phải thương 10 triệu dân hơn.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý hay trách nhiệm cá nhân?
- Theo ông, những đơn vị quản lý như Vietnam Airlines hay UBND quận Tân Bình có trách nhiệm như thế nào?
- Quan điểm là xử lý nghiêm hết. Thủ tướng đã nói rồi. Đây không phải quan điểm của riêng tôi mà của lãnh đạo từ trên xuống. Như thế rất đau lòng nhưng phải làm gương.
Người lãnh đạo, quản lý khó khăn nhất ở chỗ đó. Không muốn nhưng phải làm vì lợi ích lớn hơn. Còn về tính chất, thiệt hại, tình tiết giảm nhẹ sẽ tính sau.
Mình không muốn trừng trị, nhưng mọi người phải lấy đó làm gương, để cho xã hội bình yên.
- Theo Bí thư, để xảy ra sai phạm như vậy thì trách nhiệm của cơ quan quản lý hay trách nhiệm của cá nhân lớn hơn?
- Tùy theo thực tế. Phải kiểm điểm mới biết rằng phần nào rơi vào trách nhiệm cá nhân, phần nào là trách nhiệm tập thể.
Nếu đã có quy định đủ mà người thi hành không làm đúng thì chuyện đó là chuyện khác. Còn người ta không làm việc phải làm thì đó là chuyện khác. Trách nhiệm là việc không thể nói theo kiểu áng chừng được.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại hội nghị sáng 4/12. Ảnh: Thu Hằng. |
- Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết đến sáng 4/12, 2.340 mẫu xét nghiệm F1, F2 đều đã âm tính. Bí thư đánh giá thế nào về mối nguy hiểm của dịch bệnh trong cộng đồng tính đến hiện tại?
- Kết quả đó chưa nói được gì vì đó mới là kết quả xét nghiệm lần đầu. Như bệnh nhân 1342 cũng âm tính 2 lần, do đó mới dẫn đến chủ quan. Đến lần thứ 3 mới phát hiện dương tính. Do đó, không thể nói trước được.
Xảy ra vụ việc như vậy là do bệnh nhân không chấp hành kỷ luật trong việc cách ly. Trong thời gian cách ly lại quan hệ, tiếp xúc với người khác. Gia đình cũng chủ quan. Vậy nên, cái gì cũng có cái giá của nó.
- Qua vụ việc này, Bí thư có thông điệp gì muốn gửi đến người dân?
- Mỗi người dân phải cảnh giác, có ý thức tự bảo vệ mình trước. Bảo vệ mình cũng có nghĩa là bảo vệ cộng đồng. Mỗi người đừng chỉ nghĩ cho bản thân mình không.
Từ 28/11, TP.HCM ghi nhận 4 ca nhiễm Covid-19 là các bệnh nhân: 1342, 1347, 1348, 1349. 3 trong 4 bệnh nhân này đều có chung nguồn lây nhiễm F0 là BN 1342.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, BN 1342 đã có những vi phạm nghiêm trọng trong thời gian cách ly tập trung cũng như cách ly tại nhà. Khi cách ly tập trung, BN 1342 đã đi xuyên qua khu cách ly và tiếp xúc với người khác, sau này được xác định là BN 1325.
Trong thời gian cách ly tại nhà, BN 1342 đã tiếp xúc gần với 3 người trong nhà. Hơn nữa, người này còn đi học tại trường Đại học Hutech trong thời gian tự cách ly.
Sáng 3/12, Công an TP.HCM đã chính thức công bố quyết định khởi tố vụ án lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người liên quan đến BN 1342.