Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí thư Nên: Khó khăn của TP.HCM như một cơn bạo bệnh

Bí thư Nguyễn Văn Nên nhìn nhận mức tăng trưởng kinh tế 0,7% trong quý I của TP.HCM cho thấy sự vực dậy gượng gạo và tình hình xấu hơn dự đoán trước đó của địa phương.

Khu trung tâm TP.HCM trải dài bờ sông Sài Gòn. Ảnh: Quỳnh Danh.

Phát biểu mở đầu phiên họp UBND TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội diễn ra sáng 1/4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị các cơ quan, chuyên gia và nhà khoa học thẳng thắn đưa ra những tồn tại chủ quan để tiếp thu, tháo gỡ, đề ra giải pháp cho những quý còn lại để vực dậy tăng trưởng cho địa phương trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế quý I của TP.HCM chỉ đạt 0,7%.

Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, đưa TP.HCM về danh sách 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước.

"Tình hình xấu hơn dự đoán"

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận 3 năm vừa qua, tình hình kinh tế tại TP.HCM diễn biến đúng theo dự báo của các chuyên gia nhà khoa học về biến động, phức tạp, mơ hồ. Việc TP hội nhập sâu rộng đã có nhiều ảnh hưởng từ tình hình kinh tế chung trên giới và trong nước.

Ông Nên chỉ ra năm 2021, trải qua đợt bùng phát dịch, TP.HCM đã vượt qua từ điều kiện ngặt nghèo, kiểm soát được đại dịch. Năm 2022, TP.HCM dự tính cố gắng lấy lại những gì đã mất của năm trước. TP.HCM cũng đề ra chủ đề quyết tâm chiến đấu tìm lại những thứ đã mất.

Kết quả, thành phố cũng đã đạt những chỉ số đáng phấn khởi ban đầu, song TP cũng nhìn thấy những khó khăn trước mắt. Từ đó, TP.HCM tập trung chủ đề quyết tâm nâng cao chất lượng, tận dụng cơ hội vượt qua khó khăn với chỉ tiêu thấp hơn.

“Tuy nhiên, chúng ta không ngờ kết quả đạt được thấp sâu như thế”, ông Nên nói và cho rằng tình hình xấu hơn dự đoán của TP.HCM trước đó.

Ông Nên nhìn nhận sau đại dịch, kinh tế của thành phố đã vực dậy với độ phục hồi mạnh, đem lại nhiều kết quả khả quan trong năm 2022. Song, ông Nên ví khó khăn về kinh tế của TP.HCM như một cơn bạo bệnh và tự hỏi toàn thành phố, sở, ngành đã đủ quyết tâm, thực hiện đúng theo phác đồ để chữa trị cơn bệnh này chưa.

“Hậu quả cơn bệnh để lại khiến thành phố chưa thật sự vực dậy, đó là chúng ta chỉ đang vực dậy gượng gạo”, Bí thư Nguyễn Văn Nên tâm tư.

TP.HCM anh 1

Kinh tế TP.HCM và nhiều tỉnh Đông Nam Bộ gặp khó khăn do dịch bệnh. Ảnh: Chí Hùng.

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy GRDP của TP.HCM trong quý I ước đạt khoảng 360.000 tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, đưa TP.HCM về danh sách 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước.

Để TP.HCM giữ vững vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước, Cục Thống kê TP.HCM đề nghị TP tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai. Đồng thời, giải quyết các xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá đền bù, thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

"Trước mắt, TP cần ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt chú trọng giải ngân các dự án trọng điểm mang tính kết nối vùng như dự án metro số 1, metro số 2, vành đai 3, nhà ga T3, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài", báo cáo nêu rõ.

Cần 4.000 tỷ tháo gỡ vốn dự án

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây Dựng TP.HCM băn khoăn trong 3 tháng đầu năm, đơn vị được giao phụ trách 5 chương trình đề án của TP, nhưng có đến 4 đề án khó đạt chỉ tiêu đã đề ra dù tính đến cuối nhiệm kỳ. Chỉ riên dự án cấp nước sạch trên địa bàn có khả năng hoàn thành. Trong đó, các dự án công trình cho cây xanh, chiếu sáng hay chống ngập đều vướng trở ngại, trở ngại lớn nhất là các dự án còn khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn.

“Chỉ riêng các chương trình này cần trên 4.000 tỷ. Tình hình về vốn gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu xã hội hoá thì Chính phủ và các bộ ngành lại chưa có hướng dẫn cụ thể”, ông Trần Hoàng Quân nói.

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết Chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, 2 năm đầu nhiệm kỳ, TP đã đề xuất khoảng 13,5 triệu m2 sàn nhà ở so với chỉ tiêu 50 triệu m2 sàn vào năm 2025.

Như vậy trong 3 năm sau, mỗi năm cần 12,2 triệu m2 nhà ở. Mục tiêu cuối 2025, TP.HCM sẽ có 35.000 nhà ở xã hội. Tuy nhiên đến nay, địa bàn chỉ có 1 dự án hoàn thành với hơn 260 căn. 18 dự án khác đã khởi công động thổ 9 dự án, nhưng khi bắt tay thì vướng các chính sách, điều luật nhà ở và đất đai. Mặc khác, Sở Xây dựng đang tiến hành tháo gỡ 5 dự án với khoảng 7.700 căn hộ.

Ông Quân cũng cho biết Sở tiếp tục kiến nghị tháo gỡ khó khăn khi tăng chỉ tiêu nhà ở xã hội. Tuy nhiên, Luật Đầu tư và Luật Đất đai chưa song hành nên việc triển khai nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn. Theo đó, trong quý II, Sở Xây dựng đề xuất 6 nội dung liên quan đến thí điểm, Sở cũng có đăng ký với UBND TP phát triển kinh tế thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố.

Mặc khác, Sở Xây dựng tham mưu phân nhóm quy trách nhiệm cho từng sở ngành. Đơn vị đã có báo cáo trình TP, nhưng cần tháo gỡ cụ thể, giải quyết cụ thể cho từng dự án.

Sách hay về TP.HCM

Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.

Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.

Bí thư TP.HCM: Không ngờ GRDP tăng thấp như thế

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ ngay từ cuối năm 2022 đã dự tính 2023 sẽ có nhiều khó khăn, thử thách, tuy nhiên không ngờ GRDP quý I thấp đến mức sâu như vậy.

TP.HCM: Bàn giao đất quốc phòng thực hiện dự án hạ tầng giao thông

Công ty Tây Nam và công ty Dệt May 7 thuộc Quân khu 7 bàn giao hơn 5.100 m2 đất nằm trên địa bàn phường 13 theo các quyết định thu hồi đất của UBND quận Tân Bình.

Thư Trần - Vân Trang

Bạn có thể quan tâm