"Thành phố đang trải qua cuộc chiến chống dịch khốc liệt, chưa có tiền lệ. Tất cả kế hoạch, những dự đoán, sách lược của chúng ta đều có cự ly nhất định. Chúng ta đi trong cơn bão thì mỗi người cần nghĩ cách nào để đi qua chứ không phải đổ lỗi cho ai khác. Dịch đến không phân biệt ai cả, chỉ cần một phút, giây mất cảnh giác, chúng ta sẽ bị đánh bại", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại cuộc họp HĐND TP.HCM khóa X, ngày 24/8.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thành phố TP.HCM vừa bước vào 2 tuần siết chặt giãn cách xã hội, từ 23/8 đến 6/9 khi có hơn 180.000 ca bệnh.
"Thành phố có niềm tin vượt qua 2 tuần theo Chỉ thị 11"
Thành phố bước sang ngày thứ hai của chiến dịch siết chặt giãn cách xã hội từ 23/8 đến 6/9. Bí thư Nguyễn Văn Nên tin tưởng với sự tăng cường của nhiều lực lượng, tổ chức, thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 và đặc biệt là sự chung sức của nhân dân, thành phố có niềm tin vượt qua 3 tuần theo Chỉ thị 11 đã đề ra.
Nhắc lại công điện 1102 của Thủ tướng gửi đến tối 23/8, Bí thư Nên cho biết trên toàn thế giới, nhất là TP.HCM và các tỉnh phía Nam, dịch Covid-19 với biến thể Delta diễn biến ngày một phức tạp.
Thời gian qua cho thấy, các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và sự thực hiện của các địa phương, đặc biệt là các biện pháp giãn cách xã hội đã được áp dụng kịp thời, thực hiện đúng đắn, quyết liệt. Dịch bệnh có chiều hướng giảm tại 13/23 địa phương đang áp dụng giãn cách. Tuy nhiên, con số này chưa cho thấy dấu hiệu chững lại và dịch có thể bùng phát bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu.
Lực lượng quân đội được điều động hỗ trợ TP.HCM trong 2 tuần then chốt siết chặt giãn cách xã hội. Ảnh: Y Kiện. |
Do đó, công điện Thủ tướng lưu ý trong thời gian tới, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự tham gia mạnh mẽ từ nhân dân nhằm thực hiện triệt để, nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch.
Chính quyền kết hợp linh hoạt hiệu quả giữa tập trung chỉ đạo và phân cấp; bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch cũng như các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương; lấy xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch.
Thủ tướng chỉ đạo đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội thì tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, đối với địa phương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội. Ngoài thực hiện nghiêm các chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, ai ở đâu ở yên đó, toàn bộ thực hiện cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường; các địa phương phải đảm bảo yêu cầu y tế, nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu, trật tự an toàn xã hội cho nhân dân.
Bí thư Nên cho rằng vấn đề này đặt ra nhiều khó khăn. Ông lý giải với mục tiêu ngăn chặn lây lan dịch bệnh thì việc giãn cách xã hội là cực kỳ quan trọng.
"Khi bà con ai ở đâu ở yên đó, việc bảo đảm đời sống, sinh hoạt cho họ là một thách thức. Nhưng nhiệm vụ của thành phố là phải bảo đảm điều này, chúng ta không còn cách nào khác”, Bí thư Nên trăn trở.
"Chúng ta phải hy sinh nhiều thứ"
Bí thư Nguyễn Văn Nên đề cập vấn đề thứ hai trong công điện do Thủ tướng chỉ đạo, đó là người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chịu trách nhiệm kết quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn...
Lãnh đạo Thành ủy dự liệu sẽ luôn có những tình huống đột xuất, bất ngờ bởi vì cái khó trong quản lý phòng, chống dịch là giải quyết từng con người cụ thể. "Vì thế, chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là lương tâm, chúng ta phải hy sinh nhiều thứ mới có thể chiến thắng", Bí thư Nên nói.
Bên cạnh việc ưu tiên giải bài toán dịch bệnh, Bí thư Nên cho rằng thành phố cần quan tâm phát triển kinh tế, xã hội trên nguyên tắc bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch.
“Thủ tướng đã nhắc nhở thành phố chống dịch nhưng không phải chỉ chăm chăm chống dịch mà phải nghĩ đến những điều kiện để phục hồi, phát triển. Làm thế nào để ngành kinh tế thành phố được nuôi dưỡng, bảo vệ, để sức khỏe nền kinh tế được vực dậy khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát”, ông Nên nhấn mạnh.
Bí thư Nên nhận định thành phố cần chuẩn bị cho sự phục hồi nền kinh tế sau khi kiểm soát được tình hình. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Hơn hai tháng qua, thành phố nhìn thấy sự huy động, sự vào cuộc của các lực lượng. Ông Nên lưu ý công tác phòng chống dịch sẽ là chiến dịch lâu dài. Thành phố không được tự mãn với kết quả, không được chủ quan mà phải luôn sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra.
Bí thư Nên nhận định đại dịch diễn biến nhanh, khó lường, công tác phòng, chống dịch chưa có tiền lệ. Ông đề nghị công tác chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện cần tinh thần đoàn kết, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, bám sát thực hiện, cầu thị, lắng nghe; khi thực hiện phải chủ động linh hoạt; không nóng vội, kịp thời hoàn thiện.
Tranh thủ từng ngày, từng đêm dập dịch
Trong chiến dịch kéo dài 2 tuần, Bí thư Nên đề nghị chính quyền địa phương thực hiện triệt để những chỉ đạo trong công điện 1102 của Thủ tướng.
Một là việc giãn cách xã hội là yếu tố quyết định để hạn chế sự lây nhiễm. Các địa phương phải thực hiện nghiêm, kịp thời cách ly nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, không để chặt ngoài, lỏng trong; kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, không để dịch bệnh lây lan.
"Cái khó của phòng, chống dịch là ở chỗ chúng ta buộc mọi người phải dừng lại, ở đâu ở yên đó, nhưng làm sao để bảo đảm cuộc sống người dân, đảm bảo các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của họ", ông Nên đặt vấn đề và cho rằng đây là bài toán thành phố phải giải quyết.
"Tất nhiên không thể giải quyết tối đa nhưng phải giải quyết tối thiểu, đảm bảo được tinh thần đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng để hạn chế lây lan", người đứng đầu Thành ủy TP.HCM nói thêm.
Để đạt mục tiêu giảm thiểu tử vong, ông Nên quán triệt ngoài tăng cường giãn cách xã hội, hệ thống vật tư, cơ sở, trang thiết bị y tế của thành phố phải được đảm bảo. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ông Nên cho rằng khi phát sinh vấn đề đời sống xã hội, thành phố cần bình tĩnh ứng phó, tận dụng thời gian vàng, tranh thủ từng ngày, từng đêm để đi qua. Nếu cứ bắt bà con ở đâu ở yên đó mà chúng ta không tận dụng thời gian vàng thì thời gian càng kéo dài sẽ càng khó khăn hơn.
Thành phố phải tranh thủ những gì có thể làm để tập trung các biện pháp, thứ nhất là giãn cách xã hội. Thứ 2 là xét nghiệm để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời, điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm bệnh theo quy định Bộ Y tế.
Thứ 3, thành phố đặt mục tiêu điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu. Ông Nên chỉ đạo các địa phương chuẩn bị đầy đủ cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị người bệnh; bảo đảm cung cấp đầy đủ nhân lực, oxy, vật tư y tế tại các cơ sở này.
Xã, phường, thị trấn đang thực hiện tăng cường giãn cách xã hội phải khẩn trương thiết lập trạm y tế lưu động để bảo đảm, hỗ trợ điều trị người bệnh Covid-19. Huy động nguồn lực, cơ sở y tế của các bộ, ngành để điều trị các bệnh nhân có diễn biến nặng, đặc biệt.
Mục tiêu của thành phố là ngăn chặn lây lan và hạn chế tử vong. Để ngăn chặn tử vong phải đặt ưu tiên hàng đầu. Trong lúc thực hiện, phải tranh thủ, xét nghiệm người có nguy cơ trước, người già, người có bệnh nền.